Cao không tới, thấp lại chê

(Dân trí) - Có thu nhập chân chính, không cờ bạc rượu chè, không tệ nạn xã hội…nhưng vẫn cứ là “trai muộn vợ”. Tư tưởng đoạn tuyệt, quyết thoát ra khỏi cảnh “con trâu đi trước cái cày theo sau” đã đẩy những anh chàng công nhân, viên chức nơi thành phố vào cảnh “ế vợ”.

Giấc mơ thoát nghèo

 

Quê Chiến ở vùng đồng bằng thuần nông nghiệp. Người dân quê quanh năm chỉ biết làm quen với con trâu cái cày, chân lấm tay bùn nhưng chẳng đủ ăn. Làng lại không có nghề phụ nên nghèo lại càng nghèo. Vừa đi học vừa giúp bố mẹ, Chiến cố gắng lắm cũng học xong lớp 9. Không có điều kiện học lên tiếp nữa, Chiến tính chuyện đi làm ăn.

 

Có sức khỏe, Chiến xin làm chân công nhân xây dựng. Dân công trường quanh năm không có ngày nghỉ, ngày cũng như đêm phơi mặt ngoài trời. Công việc nặng nhọc, bận rộn nhưng vì đang sức trẻ nên Chiến làm phăng phăng. Cuộc sống tuy cơ cực nhưng anhn thấy hài lòng lắm vì nếu biết ăn tiêu tiết kiệm, mỗi tháng Chiến cũng dư hơn triệu gửi về nhà. Như thế là quá ổn so với thu nhập từ nông nghiệp.

 

Trung cũng trong tình cảnh tương tự. Nhà nghèo nên việc cho Trung học hết cấp 3 cũng là một kỳ tích lớn của bố mẹ. Trung học cũng khá nhưng vì là anh cả, dưới còn hai đứa em nhỏ, bố mẹ lại già yếu nên anh thấy mình phải có trách nhiệm với các em. Vậy là Trung quyết định thôi học đi làm ăn. Trung học một lớp lái máy ngắn hạn rồi xin vào làm lái máy cho một công trường trên thành phố.

 

Công việc rất vất vả, Trung gần như chẳng có giây phút rảnh nghỉ ngơi. Tuy thế Trung thấy hơn rất nhiều so với công việc đi theo con trâu cái cày ở quê. Làm việc quần quật cháy cả lưng mà cuối vụ bán hết thóc đi cũng chẳng thu lại được bao nhiêu tiền. Dần dần, mỗi lần về quê Trung ngại ra đồng, ngại nhúng chân xuống đồng đất quê nhà. Trung nghĩ đến một cuộc sống phải đọan tuyệt hết với đồng ruộng.

 

Cao không tới, thấp cũng không vừa

 

Cuộc sống cứ thế thong thả trôi. Chiến và Trung cũng đến tuổi phải yên bề gia thất. Do tâm lý muốn đoạn tuyệt hoàn toàn với cái gốc nhà nông nên Trung muốn lấy một người ít ra cũng phải công nhân như mình. Bởi theo anh, ngoài chuyện có chế độ đầy đủ tới tận khi về già, công nhân dù gì cũng vẫn nhàn hơn nông dân nên sẽ có nhiều thời gian chăm sóc con cái gia đình.

 

Thế nhưng cơ quan Trung một năm lấy có một hai cô nữ làm chân hậu cần, có muốn cũng chẳng đến lượt Trung. Thành ra, ngoài 30 mà Trung vẫn độc thân. Có lần mẹ Trung có ý mai mối cho anh mấy cô thôn nữ trong làng, tính tình hiền lành lại đảm đang tháo vát nhưng Trung nhất định không chịu còn gắt: “Lấy vợ nông dân rồi đẻ con ra lại là nông dân, cả nhà lại bồng bế nhau chôn chân dưới bùn à?”. Trung cũng có ý định “cưa cẩm” mấy em làm giáo viên, kế toán… trong xóm nhưng với những đối tượng ấy, anh lại quá đuối. Đời nào người ta lại chấp nhận lấy một anh công nhân quèn, suốt ngày làm bạn với cà lê, mỏ lết lại mới học hết cấp 3 như anh… Vậy là năm này sang năm khác,  Trung vẫn chưa thấy có ai “đáng chọn” cả.

 

Còn Chiến qua bao lần chọn tới chọn lui cuối cùng cũng chọn được một cô làm hành chính gần chỗ trọ của anh dù Hằng lại là gái đã qua một lần đò và có một đứa con gái. Nhưng Chiến tính rồi, Hằng tuy đã một đời chồng nhưng dù sao công việc cũng nhàn hơn mấy cô nông dân ở nhà, có thời gian chăm sóc gia đình. Thế nhưng mọi sự vẫn thường không xuôn sẻ như người ta nghĩ.

 

Hai bà chị gái của Chiến cho rằng em mình dù gì cũng là trai tân, công việc lại có thu nhập, tội gì phải lấy một người đã từng có chồng lại có con. Vậy là hai bà chị phản đối kịch liệt, thậm chí còn kéo đến gặp Hằng đòi cô phải buông tha cho em trai mình. Hằng tự ái, cộng thêm Chiến lại không thể vượt qua được sức ép của gia đình nên cô quyết định chia tay và bỏ đi lấy một ông chồng khác đồng cảnh ngộ. Chỉ còn lại Chiến vẫn đứng đó “chào cờ” và tiếp tục “cưa cẩm” mong có một ngày thành công. Hơn 30 tuổi Chiến cô đơn. Có lần mẹ giục nhiều quá anh đã phải gắt lên: “Rồi mẹ xem con sẽ lấy được cô vợ tốt hơn gấp ngàn lần thôn nữ cái làng này”.

 

Lan Tường

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm