Căng thẳng chuyện nàng dâu - mẹ chồng

“Thích thì chiều, đây không cần” - Thấy dòng thông báo trạng thái trên nickchat của Hạnh cứ nghĩ vợ chồng cô đang gây sự với nhau. Chẳng ngờ ấy không phải chuyện gì khác ngoài chuyện mẹ chồng.

 
Căng thẳng chuyện nàng dâu - mẹ chồng - 1

Quan hệ mẹ chồng - nàng dâu nếu không tốt sẽ gây khó xử cho người chồng.
 

Ở chung, ăn riêng

 

Từ ngày lấy Trung, Hạnh phải theo chồng vào TPHCM ở cùng với gia đình chồng vì Trung là con trai út. Trung lại thường xuyên đi công tác ở các tỉnh, nên ở nhà, Hạnh luôn phải sống theo “chỉ đạo” của mẹ chồng.

 

Vốn là gái Bắc, lại được cưng chiều từ bé, Hạnh không thể chịu nổi cái kiểu: “Sao cầm một trăm ngàn đi chợ mà cô chỉ mua được có thế này?”, “Nấu canh chua thì phải bỏ thơm, có thế mà cũng không biết”...

 

Hạnh kể, vợ chồng Hạnh cùng con trai mới 2 tuổi, mỗi tháng phải đóng 2 triệu đồng tiền ăn và điện nước cho mẹ chồng, dù chỉ ăn ở nhà có một bữa tối.  Thế nhưng, “ăn được bữa cơm “bà ấy” nấu cũng mệt mỏi lắm. Ăn chả được mà còn bị chửi suốt ngày” - Hạnh kể.

 

Mẹ chồng Hạnh săm soi từng thứ một, hôm nào cũng thế, cứ vừa thấy Hạnh đi làm về là ca ngay một bài. Nào là vì sao đứa cháu ngoại của bà sang chơi, Hạnh không cho vào phòng chơi đồ chơi, nào là sao quần áo phơi bừa bãi... nên khi ngồi vào bàn ăn, Hạnh nuốt không nổi nữa.

 

Vốn không phải là mẫu người phụ nữ quen chịu đựng, Hạnh đã kể lại cho Trung nghe để được chồng chia sẻ và góp ý với mẹ, nào ngờ bị Trung nói là “lắm chuyện”. Quá áp lực, lại không được chồng chia sẻ, Hạnh ôm con ra Bắc, về nhà mẹ đẻ. Sau 2 tháng, mới thấy chồng gọi điện và mẹ chồng cũng xuống nước: “Thôi con đưa cháu về đi, rồi từ từ giải quyết”.

 

Khi về lại nhà chồng, Hạnh đòi ở riêng. Nhưng bố mẹ chồng không đồng ý với đủ lý do, nào là không hợp với anh trai cả nên không sống cùng được, nào là rể là khách nên ông bà cũng không thể ở nhà con gái. Đòi ra ở riêng không được, Hạnh đề nghị... ăn cơm riêng. Từ đó, ngôi nhà của họ có thêm một cái bếp, mạnh ai nấy nấu.

 

Tránh tiếp xúc

 

Mâu thuẫn với mẹ chồng khiến hạnh phúc của các gia đình trẻ trở nên bấp bênh. Mai, hiện đang làm cho một công ty nước ngoài ở TPHCM kể lại câu chuyện phức tạp của gia đình mình.

 

Tuấn - chồng Mai, đang công tác ở Phan Thiết, ở cùng bố mẹ. Còn Mai và con gái 3 tuổi sống ở TPHCM. Hằng tuần, vợ chồng họ mới gặp mặt nhau một lần vào thứ bảy, chủ nhật. Hỏi ra mới biết, gia đình chồng rất nhiều lần yêu cầu Mai về Phan Thiết nhưng Mai nhất quyết không chịu: “Về để mẹ chồng “hành” cho chết à?” - Mai nói.

 

Mỗi lần mang con từ TP về, Mai cũng muốn được ra biển nghỉ ngơi, dành thời gian ở bên chồng, thế nhưng vừa về nhà là mẹ chồng lại sai đi chợ, nấu nướng, rồi mời cả khách đến ăn. Mai nấu nướng xong phải rửa bát, dọn dẹp, mệt hết cả hơi, lại còn bị mẹ chồng trách mắng là không khéo léo, đảm đang như con dâu nhà hàng xóm.

 

Bao nhiêu lần Mai bàn chuyện chuyển Tuấn về TP làm cho gần vợ, gần con thì bấy nhiêu lần mẹ chồng phản đối: “Sao nó lại phải chuyển, công việc ở đây quá tốt rồi, vào TP biết làm việc gì. Tụi bay muốn thì tự lo, coi như không có bố mẹ, con cái gì nữa cả!”. Không ai chịu nhường ai nên vợ chồng Mai vẫn phải sống cảnh “Ngưu lang, Chức nữ”. Càng ngày, Mai càng ngại về thăm bố mẹ chồng. Chính vì vậy, mâu thuẫn giữa Mai và gia đình chồng ngày càng trầm trọng.

 

“Cuộc chiến” mẹ chồng - nàng dâu cũng xảy ra với Thủy và mẹ chồng tương lai ngay khi Thủy và Hưng chưa làm đám cưới. Số là, khi Hưng đưa Thủy về giới thiệu với gia đình, mẹ Hưng làm ngay một câu: “Nhìn con cũng xinh xắn, dễ thương, sao ba mươi tuổi vẫn chưa lấy chồng?”.

 

Chính câu nói của mẹ chồng tương lai đã chạm vào “tự ái” của cô gái có công việc làm ổn định, thu nhập cao và hình thức không đến nỗi. Ngay sau buổi ra mắt, mẹ Hưng còn phàn nàn với con trai: “Con bé đó là công chức mà ăn mặc có vẻ sành điệu thế, coi chừng nó là đứa không đàng hoàng”.

 

Từ đó, mỗi khi Hưng nói Thủy sang nhà chơi, Thủy đều từ chối: “Thà không lấy chồng, chứ gặp phải mẹ chồng thích săm soi như thế làm sao sống nổi” - Thủy kết luận.

 

Người chồng phải là cầu nối

 

Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Thu Hiền, Trường Cán bộ Quản lý giáo dục - đào tạo 2, người khó xử nhất trong mâu thuẫn giữa mẹ chồng - nàng dâu chính là người chồng. Anh sẽ phải đóng vai trò của một Bao Công để tìm ra sự công bằng, đúng sai giữa bên tình, bên hiếu.

 

Do vậy, người chồng cần có bản lĩnh, hiểu biết, tế nhị để làm cầu nối giữa mẹ và vợ. Nếu mẹ sai, anh cũng nên góp ý để cho mẹ điều chỉnh, nếu vợ sai, anh cũng không nên bênh vợ mà hãy chỉ bảo cho vợ điều đúng.

 

Trong thâm tâm ai cũng yêu mẹ, coi tình cảm đối với mẹ là trên hết, người con dâu cũng cần hiểu tâm lý này để nếu có xảy ra chuyện gì không bằng lòng, hãy thông qua chồng để hiểu mẹ hơn. Chính sự hiểu biết và độ lượng giữa cả hai phía sẽ tránh được cảnh “bất phân thắng bại” trong mối quan hệ rất tế nhị này.

 

 Theo Người Lao Động