Cái tội kể xấu quê chồng
“Nhà chồng tao chỉ bé bằng một góc bếp nhà tao thôi. Thức ăn tới bữa là phải đi sờ chuồng gà xem có quả trứng nào không. Hết rau ngót lại tới canh rau đay, mùng tơi sẵn trong vườn. Ông bà già cả tháng chỉ hết vài trăm nghìn tiền gạo muối”…
Chồng Hường nổi giận: “Bôi bác nhà chồng thế thì vui lắm sao?” rồi ra khỏi nhà. Hường “ớ” lên một tiếng rồi càu nhàu: “Nói đúng chứ đâu phải nói xấu”. Sau lần ấy, vợ chồng Hường chiến tranh lạnh với nhau. Hường bảo chỉ là kể chuyện tầm phào chứ không có ý nói xấu. Còn chồng cô khăng khăng, nghĩ cô chê bố mẹ chồng học ít, thuần nông.
“Chồng mình bảo có chết cũng không quên cảnh thấy mình kể chuyện quê chồng kham khổ mà điệu bộ lại rất thích thú” - Hường cho biết.
Cũng vì vô tư kể chuyện khốn khó quê chồng trước mặt chồng và bố mẹ đẻ mà Hòa (26 tuổi, Hà Nội) bị anh xã giận cả tháng.
Hòa cho biết, cô hồ hởi nói cười với cả nhà chuyện “hai ông bà ở quê chẳng bao giờ đánh răng, chỉ dùng khăn mặt và nước muối cọ cọ vài cái là xong”, rồi đến chuyện “cái nhà tắm không có cửa lại bé bằng nắm tay, loay hoay thay đồ không cẩn thận thì người ngoài nhìn thấy. Nhà vệ sinh tông hống cạnh chuồng bò. Vừa “đi” vừa ngại vì mấy con bò cứ nhìn chằm chằm”… Cả nhà Hòa hưởng ứng khiến câu chuyện quê chồng thêm rôm rả. Nhưng cô không hề để ý đến chồng cả buổi chỉ ngồi im, mặt tím tái vì giận vợ.
Sau buổi ấy, Hòa bị chồng nói dỗi: “Cô thích sang trọng sao không cố kiếm chồng thành phố”. Ban đầu, Hòa không hiểu. Mãi sau cô mới biết là do anh tự ái khi thấy vợ kể về quê chồng đầy ý giễu cợt. “Mình không có ý mỉa mai gì cả. Bố mẹ chồng mình tốt bụng, thực sự mình rất quý mến hai cụ” - Hòa cho biết. Tuy nhiên, chồng Hòa không nghĩ thế.
Còn Liên (Tây Hồ, Hà Nội) xích mích với chồng do anh muốn vợ về quê nội ở cữ. Chồng Liên muốn hai mẹ con về thẳng quê để ông bà nội chăm sóc. Ở quê không khí lại mát mẻ, trong lành. Nhưng Liên phản đối kịch liệt vì: “Quê nội nghèo xơ xác, muốn mua mấy viên thuốc cũng phải chạy xe hàng chục phút. Có cái bệnh viện ở thị trấn cách nhà khoảng 30km nhưng trông cũng tồi tàn. Nhỡ con ốm thì… chết”. Chồng Liên liền lập luận: “Bố mẹ sinh 3 anh em tôi khỏe mạnh. Có thấy ai chết đâu. Mà ngày xưa còn khổ hơn bây giờ nhiều”.
Để thuyết phục chồng, Liên nhờ đến bố mẹ đẻ và chị gái làm “đồng minh”. Thấy nhà vợ ra sức tìm lý lẽ rằng quê nội khổ thế này, khó khăn thế kia để dồn chuyện ở cữ sang bên ngoại, chồng Liên dỗi lại vợ. Hai vợ chồng đến giờ vẫn chưa làm lành dù ngày sinh đã cận kề.
Tránh làm chồng mất mặt
Phụ nữ vốn thích kể chuyện này, chuyện kia. Dù đó là sự thật nhưng nếu đụng chạm đến thể diện thì chẳng anh nào thích thú. Những chuyện nghèo khổ ở quê chồng, với người vợ, phần lớn kể chỉ nhằm mục đích chia sẻ, nói cho vui. Tuy nhiên những anh chồng nhạy cảm có thể suy diễn đang bị vợ bêu xấu nên nảy sinh tự ái.
Có khi chỉ do vợ “lỡ lời” nên chồng cũng lầm lì, chiến tranh lạnh… Do đó, cần cảnh giác vì không phải chuyện gì là sự thật ở quê chồng cũng mang ra “làm quà cho câu chuyện” được. Nhiều anh chồng xuất phát nghèo khó rất sợ bị mọi người coi thường hay thương hại. Họ càng không muốn bố mẹ mình ở quê trở thành chủ đề “xì xầm” của con dâu với người khác. Một khi người chồng dễ tự ái như thế, người vợ cũng nên hiểu và thông cảm cho chồng. Không nên gây sứt mẻ, hiểu nhầm bởi những điều không đáng có.
Theo Ngọc Bình
Mẹ và bé