Cải thiện quan hệ với “bà cô bên chồng”
(Dân trí) - Cùng với mẹ chồng, các chị em gái của chồng luôn là cửa ải khó nhằn đối với các cô mới chân ướt chân ráo về làm dâu, làm vợ. Thật may mắn vẫn còn có một điểm vớt vát là họ chung thế hệ với bạn, lấy được cảm tình của họ không phải quá khó khăn.
Hãy kiên nhẫn trước mọi khác biệt
Đây là nguyên tắc quan trọng. Không ai trong chúng ta giống nhau. Nếu bạn có thể chấp nhận sự khác biệt của mọi người, tại sao không chấp nhận nổi chị/em gái của chồng, cho dù cô ấy không giống bạn, thậm chí... chẳng giống ai. Hãy thật bình tĩnh trước mọi cư xử bạn cho là “trái khoáy” từ cô ấy. Sự bình tĩnh, kiên nhẫn luôn giúp bạn tìm ra được giải pháp thông minh nhất cho mọi vấn đề.
Nói ra, không để bụng
Mọi vấn đề đều có thể dàn xếp được thông qua giao tiếp đúng mực. Với thái độ thân thiện, bạn có thể mời em chồng ngồi xuống cùng thảo luận về những khác biệt hai người đang vướng mắc. Đừng để chồng phải dính vào vấn đề của bạn với em chồng, điều đó khiến anh ấy căng thẳng, chưa biết chừng còn ảnh hưởng tình cảm hai người. Nếu em chồng của bạn mới là người kéo anh ấy vào phân xử, hãy trấn an anh ấy, đảm bảo với anh ấy rằng bạn sẽ đi nói chuyện với cô em.
Làm bạn
Nếu “giặc Ngô” chỉ là cô nhóc tuổi teen hay đang học đại học, bạn gặp thuận lợi đấy vì sẽ dễ làm bạn với cô ấy. Hãy xây dựng cho cô ấy lòng tin tưởng vào bạn, như vậy sợi dây tình cảm giữa hai người sẽ được thắt chặt hơn.
Tránh thân thiết quá
Nếu chị/em gái của chồng bạn không tỏ ra mặn mà trước những nỗ lực kết thân của bạn, vậy điều tốt nhất là hãy tránh quá tỏ ra săn đón, gần gũi với cô ấy. Đây là cách đơn giản để tránh những vấn đề không đáng có dễ nảy sinh do bạn nói chuyện/ cử xử quá thân mật.
Chia sẻ thời gian chất lượng
Các hoạt động phổ biến rất có hiệu quả gia tăng sự thân thiết giữa các cô gái chính là đi shopping hoặc cùng làm những gì mà đối tượng yêu thích.
Hiểu quan điểm của cô ấy
Để có thể hiểu được người chị/em chồng, bạn cần nắm được quan điểm của cô ấy. Luôn có 3 mặt trong một cuộc tranh luận: Quan điểm của bạn, quan điểm của người kia và mặt đúng. Do đó, khi bạn đặt mình sang góc nhìn của cô ấy để đối diện vấn đề, bạn sẽ có khả năng phân tích vấn đề theo một cách tốt hơn.
Khi bạn và người chị/em chồng có khác biệt, đừng chơi trò đổ lỗi. Hãy cố gắng tìm ra những điểm tích cực trong cách cư xử của cô ấy. Bạn cũng có thể giúp cô ấy nhận ra những điểm tích cực đó. Khen ngợi cô ấy trước mỗi thành quả cô ấy đạt được, song hãy chắc chắn một điều, sự ngợi khen của bạn là thật lòng và có cơ sở.
Đối với chị chồng, hãy tỏ rõ sự tôn trọng đối với cô ấy. Sự tôn trọng lẫn nhau luôn giúp cải thiện mọi mối quan hệ, thậm chí khiến hai người hợp tác, gắn kết hơn. Dẫu vậy, bạn vẫn cần tự tin và có chính kiến. Cần nhận biết rõ ràng trách nhiệm của mình và tròn vai với nó. Cùng với đó, đừng để ai “trục lợi” trên sự bình tĩnh, im lặng của bạn. Tôn trọng người khác nhưng vẫn tự tin, biết khi nào cần lên tiếng sẽ đưa mối quan hệ đến mức hiệu quả và lành mạnh.
HA
Theo IP