Cái Tết đầu “ra riêng”

(Dân trí) - Năm nào cũng thế, cứ năm hết Tết đến là báo chí lại đưa tin, các bà các cô đang quắn cả lên vì kỳ nghỉ lễ truyền thống đã đến sát nút rồi mà nhà cửa bộn bề, bao thứ cần sắm sửa, trong khi việc cơ quan không thể lơ là.

Giải pháp tốt nhất của nhiều người là... trông cậy cả vào osin, trong khi osin không phải ai cũng hiền lành tốt nết, có người còn nhân dịp này nâng giá với nhà chủ, làm mình làm mẩy chết mệt. Cũng phải thôi, họ cũng có việc nhà của họ, năm hết Tết đến rồi mà!

Cái Tết đầu “ra riêng”



Vì cái băn khoăn này mà em quyết xin được ra riêng (có hơi “điêu” không nhỉ?). Trước giờ mang tiếng là làm dâu nhưng mấy cái Tết ở nhà chồng trôi qua em vẫn được bố mẹ chồng lo cho hết. Mọi chuyện sắm sửa, lễ lạt, thờ cúng thế nào, em chịu. Mỗi ngày 30 Tết em dành cả buổi cùng mẹ chồng dọn nhà. Tết đến là ung dung.

Năm nay thì khác, em làm “bà chủ nhỏ”, thử sức một mình xoay xở Tết cho cái tổ chim cúc cu của mình. Mục tiêu của em là “quyết không trông cậy vào osin”. Thấy ra, mình không đến nỗi tệ.

Bắt đầu từ 23 tháng Chạp, sáng sớm khi mấy bố con vẫn ngủ, em đã xách xe lượn ra chợ mua miếng thịt, đĩa xôi, mua thêm mấy bông hoa, 3 con cá vàng, mua cả ít quả tươi đủ màu đỏ (thanh long), vàng (xoài), xanh (táo) cho đẹp mắt. Ở nhà tiền vàng, 3 bộ áo quần ông Công ông Táo em đã sắm từ chiều hôm trước. Đơn giản vậy thôi, em nghĩ chẳng nên quá cầu kỳ, lòng thành mới quý.

Luộc xong miếng thịt nghi ngút khói, cắm xong lọ hoa đặt ban thờ, thay nước, bày biện đủ lễ, em vào lay chồng dậy, đánh răng rửa mặt rồi ra thắp hương. Năm nay Táo quân chầu trời đúng ngày Chủ nhật, may quá, đỡ được khoản vội vã đi làm. Mấy mẹ con quanh quẩn phục vụ nhau đánh răng rửa mặt trong lúc bố thắp hương, rồi ăn sáng nhanh với bánh mì trứng ốp.

Chính Ngọ em hạ lễ, rút chân hương, lau dọn sạch ban thờ. Vợ chồng con cái líu ríu dắt nhau mang tiền vàng đi đốt. Rồi cùng đi thả cá. Hai đứa nhỏ nhà mình có cơ hội học hỏi về truyền thống dân gian, về tính nhân văn của tục phóng sinh, lại được dắt đi chơi, cười híp cả mí.

Từ sau 23 là khoảng thời gian chộn rộn Tết, mọi người bắt đầu nhặt nhạnh sắm sửa. Em không rảnh rang nên phải lên danh sách hết những thứ cần, cái gì nhờ vả được hai bên ông bà mua giúp là em... nhờ hết! Vợ chồng mình con nhỏ, lại còn phải đi làm, nếu cầu kỳ ôm đồm thì sao mà đủ sức, tốt nhất là không nên biến cái vui Tết thành gánh nặng. Em nhờ anh trai đặt giò (bên cơ quan anh ấy năm nào cũng đặt mua được giò ngon), nhờ ông bà nội mua gà, đặt bánh chưng, nhờ bà ngoại đặt mua bưởi và cam canh - hai thứ quả vừa ngọt vừa mát Tết năm nào cũng “ăn khách”. Chồng được ưu ái giao cho nhiệm vụ đổi tiền mới để mang ra lì xì. Cũng khoảng thời gian này, em tranh thủ sắm cho các con mỗi đứa một bộ quần áo mới.

28 Tết, khi đã được nghỉ, em lượn một vòng ra chợ, mua đầy đủ những nguyên liệu cần thiết cho các món ăn đã lên danh sách từ trước. Lại một vòng nữa vào siêu thị để mua bánh kẹo, quà Tết biếu hai bên ông bà.

Trưa 29, khi đứa nhỏ đã ngủ, đứa lớn tha thẩn tự chơi còn ông xã dọn nhà, em thong thả ngồi gói và rán qua nem cất vào hộp dùng cho 3 ngày Tết, hấp giò nấm - nguyên liệu dùng sẵn cho các món canh, xào.

Chiều vợ chồng con cái lượn chơi chợ hoa mua một cành đào, sắp sẵn các bao lì xì dành riêng để mừng tuổi người thân, thấy Tết như đã về gần lắm. Chiều nay luộc nốt con gà để cúng tất niên. Năm nào Tết với em cũng là niềm vui, trọn vẹn ý nghĩa giao thời tiễn đưa những nỗi buồn đã cũ và chào đón may mắn mới.

Huyền Anh