Cái bóng bên chồng

Có những phụ nữ quan niệm “lấy chồng để được ấm thân” nên tập trung vào việc tìm kiếm đối tượng có khả năng về tài chính, nhanh chóng kết hôn và hài lòng với việc ở nhà nội trợ.

 

Cái bóng bên chồng  - 1



Bóng… các kiểu

 

Năm 34 tuổi, chị Ngọc Dung (Q.Bình Thạnh, TPHCM) mang thai con đầu lòng, cũng là cháu đích tôn của nhà chồng. Khi bác sĩ khuyến cáo thai yếu, cần nghỉ ngơi, chồng chị - trưởng phòng kế toán một công ty, đã đề nghị vợ nghỉ việc. Do bé  sinh ra quá yếu, chị Dung gần như “đánh vật” với việc chăm con. Trong khi chị “đắm vì con” thì sự nghiệp của chồng chị phất nhanh như diều gặp gió, cuốn anh theo bao cuộc hẹn. Những ngày cuối tuần, anh cũng bận rộn với các mối quan hệ, không còn thời gian ở nhà. Ngày nọ, một trong những đối tác “đặc biệt” ở Hà Nội điện thoại cho Dung, tự nhận mình là em kết nghĩa với chồng Dung, mời chị ra quán cà phê hàn huyên cứ như “người một nhà” khiến Dung nổi cáu, vặn vẹo chồng đủ điều về cô em khác họ này, buộc chồng hứa là không kết nghĩa, kết thân gì nữa.

 

Con trai gần ba tuổi, Dung muốn đi làm lại thì nhận ra mình đã tụt hậu sau gần bốn năm làm nghề “nội trợ”, lại mang thai lần thứ hai. Ở nhà, Dung luôn ngổn ngang suy nghĩ làm sao để... giữ chồng, chưa kể bị nhà chồng dè bỉu Dung “ăn ở không” mà lại “tay hòm chìa khóa” túi tiền của chồng. Con gái thứ hai được sáu tháng tuổi, chồng Dung lại đi Hà Nội và Dung lại bị cô em ngang hông “quấy rối”. Tức nghẹn vì bị chồng lừa dối, Dung định kết thúc đời mình, may được cứu sống. Hiện, Dung đã nộp đơn, đang chờ ngày ly hôn. Sau sóng gió, Dung cho biết: “Tôi từng là trưởng phòng xuất nhập khẩu của một công ty. Ngày tôi nghỉ việc, công ty phải thuê ba người để lấp chỗ trống của tôi. Lẽ ra tôi không nên tự thất nghiệp lâu như thế, biến mình thành bà nội trợ loay hoay với con cái, đa nghi, thiếu tự tin, rồi hủy hoại bản thân”.

 

Xưa nay vai trò của đàn ông là làm trụ cột, chu cấp cho gia đình. Người đàn ông luôn khao khát kiếm nhiều tiền để lo cho vợ con, họ hào hứng mang tiền về nhà không chỉ để tròn trách nhiệm mà còn vì muốn thể hiện mình, thể hiện tình cảm yêu thương đối với người thân. Thế nên, nhiều ông chồng đã mạnh miệng thuyết phục vợ nghỉ việc. Vợ chồng Thu Trang yêu nhau từ giảng đường đại học. Tốt nghiệp, Trang làm việc hành chính với mức lương tháng hai triệu đồng, trong khi chồng Trang vừa làm việc ở ngân hàng, vừa lao vào cổ phiếu. Những năm cổ phiếu “được mùa”, Trang sống như bà hoàng, bữa cơm của hai vợ chồng luôn ở nhà hàng. Việc nhà, Trang khoán hẳn cho người giúp việc. Vì thế, khi nghe chồng đề nghị “ở nhà cho khỏe, chuyện kiếm tiền anh lo” là Trang bỏ ngay công việc mà đồng lương không đủ trả vài bữa ăn tối của họ. Quả bóng cổ phiếu “xì hơi” cũng là lúc Trang mang thai, gánh nặng tiền bạc chất hết lên vai ông chồng, họ phải gói ghém chi tiêu, chưa kể vì thua lỗ nặng, chồng Trang hóa con nợ. Không khí gia đình giờ căng như dây đàn, hễ có chuyện không vừa ý là họ hăng hái đấu… võ mồm. Sau một trận khẩu chiến, Trang ôm con về quê ngoại ở Khánh Hòa. Cha mẹ Trang biết con rể đang gặp khó khăn tài chính, đã thế chấp đất đai để “gỡ rối” cho con. Nhờ vậy, gia đình Trang tránh khỏi nguy cơ đổ vỡ trong gang tấc.

 

Trên một mạng xã hội, đề tài “phụ nữ ở nhà có phải ăn bám chồng?” đã thu hút nhiều chị em tranh luận. Một chị từng làm việc cho một công ty nước ngoài, lương 400 USD/tháng, thấy chồng giỏi làm ăn nên đã nghỉ việc ở nhà sinh con. Giờ con được ba tuổi, chị vẫn chưa tìm ra việc mới. Gần đây, nhà chồng gặp chuyện buồn, chồng chị nhậu xỉn rồi đánh và mắng chị là “đồ ăn bám”. Một chị khác thú thật: “Tuy không kêu ca, nhưng anh ít chịu nghe vợ, toàn gạt ngang, không cho tôi nói hết câu. Nhiều lúc tôi cảm giác bị khinh thường, sống theo sự điều khiển của chồng nên đâm ra giận mình vô dụng”.

 

Chị Mai Khanh cũng vì con nhỏ đã chọn công việc chỉ phải đến văn phòng một lần/tuần, giờ đang tiến thoái lưỡng nan: “Lúc đầu cũng thích thật, suốt ngày chơi với con, vừa mặc áo ngủ vừa làm việc. Sau ba tuần, tôi bắt đầu “điên” lên, một mình lẩn quẩn đủ thứ, bạn bè cũng chẳng có mà bù khú vì đều “đi cày”. Chồng khuyên tôi bỏ việc luôn, vì lương của tôi chỉ đủ ăn quà vặt nhưng không làm gì hết thì mình thừa thãi quá, lại sợ bên chồng dị nghị”.

 

Hãy là chính mình

 

Rõ ràng, khi chọn giải pháp nghỉ việc, người vợ đang là công dân có danh phận xã hội đã tự biến mình thành người thừa, tiếng nói không còn trọng lượng đối với người thân. Những người vợ quyết định nghỉ việc để ở nhà vì chồng làm nhiều tiền hơn mình đã quên rằng, tiền chỉ là một phần của cuộc sống. Chấp nhận mất việc là các chị tự đánh mất mình vì không có động lực phấn đấu học tập, thăng tiến để đóng góp và khẳng định mình trong xã hội; trở nên phụ thuộc chồng về kinh tế; không có ý thức làm mới bản thân.

 

Những hệ lụy này tất yếu dẫn đến tình trạng bị chồng, con xem thường, không đủ tự tin với tư thế bình đẳng trong hôn nhân, không còn sức hút, sự mới lạ trong mắt người bạn đời, sinh ra mặc cảm… Tất cả đều có nguy cơ ảnh hưởng hạnh phúc gia đình, thậm chí tan vỡ hôn nhân.

 

Ngoài ra, khi bỏ việc để ở nhà, nhiều người vợ không lường được nguy cơ gia đình có thể sa sút trong tương lai, khi vì lý do nào đó người chồng cũng mất việc hoặc làm ăn thất bại. Các chị thường chỉ nhìn thấy năng lực “cày bừa” hiện tại của chồng mình mà quên rằng xã hội hiện đại luôn ẩn chứa những khó khăn và bất ổn, biến động. Cơ quan thống kê Hàn Quốc ghi nhận, năm 2009 có 81,5% đàn ông nước này mong muốn vợ mình vừa đảm đang việc nhà vừa đi làm để kiếm tiền, trong khi ba năm trước, con số này chỉ là 65,3%. Thực tế này cho thấy, không phải lúc nào đàn ông cũng “ham hố” việc vợ mình chỉ là cái bóng, suốt ngày lầm lũi việc nhà. Vợ chồng cùng đi làm và tích lũy, gia đình sẽ bền vững hơn là trông cậy vào một mình chồng.

 

Sâu xa hơn, về tâm lý, vai trò trụ cột gia đình là gánh nặng mà người đàn ông phải mang vác từ khi họ sinh ra cho đến cuối cuộc đời. Như vậy, một mặt người vợ nên nâng đỡ tinh thần cho chồng và chăm chút tổ ấm thành nơi bình yên; mặt khác vợ càng cần có nghề nghiệp, việc làm ổn định để chia sẻ với chồng cái “gánh nặng” cơm áo, gạo tiền.

 

Dĩ nhiên, người vợ vừa đi làm vừa vén khéo việc nhà là không dễ, nhất là với những người chồng Á Đông còn quen nếp nghĩ “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, thường khoán trắng việc nhà cho vợ. Vì vậy, phụ nữ nên tự cứu mình trước bằng cách tổ chức cuộc sống gia đình chặt chẽ và cân đối với quỹ thời gian làm việc xã hội, tận dụng phương tiện hiện đại (như máy móc) để tránh mất sức vào việc nhà. Bên cạnh đó, người phụ nữ phải biết tìm sự hỗ trợ của chồng và người thân, đừng ôm đồm mọi việc.

Theo Vĩnh Linh

PNO

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm