Góc tâm hồn

“Cái áo không làm nên thầy tu”

(Dân trí) - Liệu có phải khi không thể tự tin vào nội lực, người ta buộc phải gồng mình ở những lớp son diêm dúa và hào nhoáng bên ngoài?

Mới đây, tôi được một nhà thơ gửi tặng tác phẩm mới in. Trên bìa hai của cuốn sách, giữa vài dòng tiểu sử trích ngang, đập ngay vào mắt là mấy chữ “Sinh ở phố Ngô Quyền, Hà Nội, Nguyên quán...” Bật cười vì cảm thức tự hào phố xá đã “hơi bị lộ” của người viết.
 
Song cũng thực dễ cảm thông với anh nhà thơ ấy. Bây giờ cuộc sống người ta chuộng hình thức quá. Nếu thứ gì có thể giúp “lên chân kính” được với đời, dứt khoát nó phải được trưng ra khi có điều kiện.

 

Nhớ lần ở sân bay Nội Bài đợi chuyến đi Sài Gòn, tôi chủ động bắt chuyện với cụ già sẽ đồng hành với mình. Nghe tôi hỏi chuyến này vào Nam, bác đi chơi hay trở về nhà, cụ bà phải nói ngay như để “khẳng định thương hiệu”: “Tôi đã ở Sài Gòn mấy chục năm nay rồi cơ đấy”. Hẳn là cụ sợ tôi hiểu lầm mình là dân tha hương hay chỉ ngụ cư thời đoạn.
 
“Cái áo không làm nên thầy tu”


 

Nói chuyện với cụ già hôm đó, tôi lại vỡ ra nhiều chuyện khác. Chẳng hạn có lần, một bác lớn tuổi là bà nội của một bạn học cùng lớn với con tôi cứ nói mãi về nguyên nhân chứng hen suyễn và khó thở của bà là do từng bị tai nạn nghiêm trọng “xảy ra ở Hàng Ngang” (tức là khu phố cổ Hà Nội)! Rồi cả lần mấy văn nghệ sỹ từ Bắc di cư vào Nam say sưa kể về tuổi thơ trèo sấu, bắt ve ở những con phố mang những tên “Hàng...”! Ôi chao là sự hồi cố quê nhà, nó không đơn thuần chỉ là hoài niệm quá khứ.

 

Lại nữa là một “ca khó đỡ” theo như bạn bè ở Sài Gòn truyền tai nhau về cô bạn gái tên Tâm. Vào Sài Gòn làm báo vặt, được người quen của bố giới thiệu, Tâm chuyển sang làm ở bộ phận truyền thông của một ngân hàng. Dù chỉ lo nội dung cho mấy trang tin của tờ báo công ty, nhưng đi đâu, gặp ai, cô bạn cũng nói “giờ mình làm ngân hàng rồi, không còn làm báo nữa”. Chưa hết, nhờ bố mẹ có chút tiền do đền bù đất giải phóng mặt bằng gửi cho, Tâm mua được căn nhà nhỏ ở Bình Dương. Vì quá xa nơi làm việc, cô không ở mà cho thuê lại. Vậy nhưng nói chuyện với mọi người, cô luôn tìm cơ hội khoe rằng, bây giờ đã có “nhà ở Sài Gòn”, và việc đi làm hiện tại chỉ “để cho vui” chứ không còn bức bách về tiền bạc như trước nữa.

 

Đã không biết bao lần tôi tự hỏi, có nhất thiết cứ phải “nương vào” những giá trị hư huyễn đó để khẳng định giá trị bản thân? Nếu chỉ là mình với những tri thức và ứng xử đầy văn hóa, chẳng lẽ không đủ để thuyết phục người khác? Liệu có phải khi không thể tự tin vào nội lực, người ta buộc phải gồng mình ở những lớp son diêm dúa và hào nhoáng bên ngoài? “Cái áo không làm nên thầy tu” kia mà, tại sao vẫn có quá lắm người mải mốt lo điểm tô cho “cái áo” của họ nhiều đến vậy?

 

Đỗ Dương