Cách "làm cha mẹ" của chúng ta có ảnh hưởng rất nhiều lên con cái
(Dân trí) - Bạn có biết, phong cách làm cha mẹ của mình có thể ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề từ cân nặng của con đến việc con có cảm giác thế nào về chính bản thân chúng?
1. Nếu bạn thuộc tuýp cha mẹ độc tài
Hãy xem có giống bạn không nhé:
- Bạn tin rằng với trẻ con thì chỉ nên trông chừng chúng thôi chứ không nên nghe chúng.
- Nói đến các quy tắc, bạn tin rằng đó là "bất di bất dịch"
- Bạn không xem xét đến cảm xúc của con.
Nếu bạn thấy bất kỳ điều nào trong 3 điều trên đúng, bạn là một phụ huynh độc tài. Cha mẹ độc tài tin rằng trẻ nên tuân thủ các quy tắc, không có ngoại lệ.
Cha mẹ độc tài luôn nói "Vì mẹ bảo thế/ vì bố bảo thế" khi bọn trẻ thắc mắc tại sao phải làm thế này, sao phải làm thế kia. Các bậc cha mẹ nhóm này không thích đàm phán, chỉ tập trung vào việc con vâng lời.
Họ cũng không để con gặp trở ngại hay tham gia vào các thử thách giải quyết vấn đề. Họ đưa ra các quy tắc và thực thi hậu quả mà ít quan tâm đến ý kiến của trẻ. Họ có thể sử dụng hình phạt thay vì kỷ luật. Do đó, thay vì dạy cho đứa trẻ cách lựa chọn tốt hơn, thì phụ huynh kiểu này lại khiến trẻ cảm thấy hối tiếc về những sai lầm của chúng.
Trẻ có cha mẹ độc tài lớn lên thường có xu hướng tuân theo mọi nguyên tắc, dễ thiếu tự tin vì các ý kiến của chúng thường không được coi trọng.
Trẻ cũng có thể trở nên thù địch hoặc hung dữ. Thay vì nghĩ làm sao để làm mọi việc tốt hơn trong lần sau, trẻ lại thường chỉ tập trung vào sự tức giận của mình với cha mẹ.
Do cha mẹ độc tài thường khó tính, con cái của họ lớn lên dễ thành kẻ nói dối điêu luyện trong nỗ lực tránh bị trừng phạt.
2. Cha mẹ có thẩm quyền
- Bạn rất nỗ lực tạo ra và duy trì mối quan hệ tích cực với con.
- Bạn giải thích lý do đằng sau các quy tắc mình đưa ra.
- Bạn thực thi các quy tắc và đưa ra hậu quả, nhưng luôn cân nhắc đến cảm xúc của con.
Cha mẹ nhóm này cũng xây dựng các quy tắc với con và đưa ra hậu quả, nhưng họ luôn xem xét ý kiến của con. Họ rất quan tâm cảm xúc của con cái nhưng cũng rất rõ ràng với con trong việc "người lớn sẽ là người chịu trách nhiệm cuối cùng".
Cha mẹ nhóm này dành thời gian và năng lượng vào việc ngăn ngừa các hành vi có vấn đề trước khi chúng xảy ra. Họ cũng sử dụng các chiến lược kỷ luật tích cực để củng cố hành vi tốt, như hệ thống khen và khen thưởng.
Trẻ em có cha mẹ thuộc nhóm này lớn lên có xu hướng hạnh phúc và thành công. Họ cũng có khả năng tốt hơn trong việc đưa ra quyết định và đánh giá rủi ro, an toàn đến với mình. Trẻ có nhiều khả năng trở thành những người lớn có trách nhiệm và cảm thấy thoải mái khi bày tỏ ý kiến.
3. Cha mẹ "luôn cho phép"
- Bạn thiết lập các quy tắc nhưng hiếm khi thực thi.
- Bạn thường xuyên không đưa ra hậu quả khi trẻ không tuân theo quy tắc.
- Bạn nghĩ rằng không can thiệp sẽ giúp con học tốt nhất.
Cha mẹ nhóm này thường dễ chấp nhận, họ chỉ bước vào khi có một vấn đề nghiêm trọng. Họ luôn tha thứ và chấp nhận một điều rằng "chúng nó là trẻ con".
Khi phải sử dụng đến hậu quả, cha mẹ nhóm này vẫn có thể đưa ra cho con những đặc quyền nếu đứa trẻ cầu xin, hoặc rút ngắn thời gian phạt khi đứa trẻ hứa hẹn rằng nó sẽ ngoan hơn.
Cha mẹ nhóm này đối với con cái mà nói giống bạn nhiều hơn. Họ thường khuyến khích con cái nói chuyện với cha mẹ về các vấn đề của chúng, nhưng họ thường không cố gắng nhiều trong việc ngăn cản những lựa chọn sai hoặc hành vi xấu của con.
Trẻ em lớn lên với cha mẹ nhóm "luôn cho phép" học hành thường chật vật, có thể mắc nhiều vấn đề trong hành vi và thường không tuân theo kỷ luật.
Trẻ có cha mẹ thuộc nhóm này cũng đối diện với nguy cơ có vấn đề sức khỏe nhiều hơn như béo phì, sâu răng vì cha mẹ thường không thực thi thói quen tốt, như việc yêu cầu trẻ giữ thói quen đánh răng 2 lần mỗi ngày.
Cha mẹ "không liên quan"
- Bạn không hỏi con về việc học ở trường hoặc bài tập về nhà
- Bạn hiếm khi biết con bạn đang ở đâu, với ai.
- Bạn không dành nhiều thời gian cho con.
Nếu thuộc nhóm này, bạn thường không nắm được con đang làm gì. Trẻ có cha mẹ thuộc nhóm này không nhận được nhiều sự chỉ dẫn, nuôi dạy và sự quan tâm từ cha mẹ.
Cha mẹ nhóm này thường kỳ vọng trẻ tự rèn luyện bản thân, họ không dành thời gian cũng như năng lượng của mình để đáp ứng các nhu cầu của trẻ.
Sự bỏ bê này không hoàn toàn là có chủ ý. Ví dụ như có những phụ huynh gặp vấn đề sức khỏe, tâm thần, không có khả năng chăm sóc cho con hoặc họ quá bận với các vấn đề khác như công việc, kiếm tiền, quản lý gia đình v.v.
Cha mẹ "không liên quan" đến con thường thiếu hiểu biết về sự phát triển của con.
Trẻ có cha mẹ thuộc nhóm này dễ tự ti, học đuối ở trường và thường có vấn đề về hành vi, không vui vẻ.
Huyền Anh
Theo VWF