Cách giúp vợ chồng trẻ vượt qua nỗi lo "cơm áo gạo tiền"

Anh chị kết hôn ở độ tuổi đôi mươi, khi đó họ không có nhiều tiền. Vì quá trẻ nên họ cũng không có nhiều lý do để lo lắng về tiền bạc.

Cách giúp vợ chồng trẻ vượt qua nỗi lo cơm áo gạo tiền - 1

Ảnh minh họa: Giáo dục thời đại.

Họ cảm thấy hài lòng khi chung sống trong một căn hộ rẻ tiền, nhưng khi phải đón nhận những tờ hóa đơn chi tiêu hàng tháng, họ bắt đầu xem xét nghiêm túc việc phát triển gia đình, nỗi lo lắng về tài chính dần len lỏi vào cuộc sống.

Khó khăn chồng chất khó khăn khi anh bất ngờ bị cho nghỉ việc. Chị nhận ra cuộc sống thật vô thường, bất cứ điều gì cũng có thể thay đổi trong một ngày.

May mắn là không lâu sau đó anh đã được tuyển dụng trở lại. Một năm sau, họ tiếp tục tiến tới kế hoạch mua nhà, và chị đang ở quý thứ hai của lần mang thai đầu tiên. Tuy nhiên, trong thời gian đó, họ bắt đầu căng thẳng về tài chính.

Chị thường thức trắng đêm tự hỏi mình sẽ xoay xở thế nào nếu một trong hai người bị mất việc làm hoặc một điều gì đó bất ngờ ập đến khiến mình tốn nhiều tiền bạc. Anh cũng rất lo lắng về các khoản chi tiêu.

Bảy năm sau, nhiều điều đã thay đổi. Sự nghiệp và thu nhập của anh chị ngày càng phát triển. Họ có ba đứa con và có nhiều khoản chi tiêu hơn, nhưng họ cảm thấy thoải mái về tài chính.

Chị cho rằng, thời gian đã giúp xóa bỏ thói quen căng thẳng về tiền bạc. Thay vì chìm đắm trong căng thẳng, anh chị đã làm việc để phá bỏ thói quen cũ và không cần thiết này. Đây cũng là cách họ đang học để loại bỏ căng thẳng tài chính.

Một trong những phương pháp đầu tiên mà anh chị đang thực hiện có vẻ rất hữu ích: Nỗ lực thực hành lòng biết ơn, đặc biệt là khi họ căng thẳng. Điều này đồng nghĩa với việc sắp xếp lại các chi phí trong gia đình. Chẳng hạn, chị đã từng cảm thấy rất lo lắng khi hóa đơn hàng tạp hóa của họ vượt qua một ngưỡng nhất định.

Hiện tại, chị vẫn cảm thấy hoảng sợ, mặc dù con số đó không còn là vấn đề đối với ngân sách của anh chị. Nhưng thay vì căng thẳng, chị đang cố gắng nói với bản thân, các con và anh rằng chị biết ơn vì đang có đủ những gì cần thiết để nuôi gia đình.

Trước đây, anh chị hay lo lắng về tương lai vì không có đủ nguồn lực để tạo quỹ khẩn cấp hoặc tăng cường tiết kiệm khi nghỉ hưu. Hiện tại, họ đã trích ra ba tháng thu nhập để tiết kiệm khẩn cấp và tiếp tục cộng số tiền đó hàng tháng. Họ cũng đã thay đổi cách lập kế hoạch nghỉ hưu, tăng số tiền đóng góp hàng tháng của cả hai.

Mặc dù có vẻ như "không bao giờ là đủ" khi anh chị tiết kiệm cho tương lai, nhưng việc biết rằng mình đang làm việc hướng tới một mục tiêu đã giúp tâm trí của họ trở nên thoải mái. Họ nhắc nhở nhau về điều đó khi lo lắng len lỏi vào các cuộc trò chuyện hàng ngày của họ.

Cuối cùng, anh chị đang học cách nhận biết khi nào nỗi lo lắng của mình không thực sự dựa trên thực tế. Thay vì thao thức trên giường, chị sẽ đứng dậy và viết ra những lo lắng của mình. Sau đó, chị sửa mối quan tâm đó với thực tế rằng anh chị có tiền tiết kiệm, hoặc có gia đình yêu thương và sẽ chăm sóc trong trường hợp khẩn cấp, sau đó chị cố gắng duy trì mạch suy nghĩ tích cực.

Bằng cách này, chị có thể trở lại giường và chìm vào giấc ngủ. Hiện tại, anh cũng biết rằng chi tiêu không phải là điều xấu và họ có thể đủ khả năng sử dụng tiền của mình cho nhiều việc hơn là chỉ tiết kiệm cho tương lai.

Đối với nhiều cặp vợ chồng, như anh và chị, lo lắng về tiền bạc không chỉ là điều kiện ngẫu nhiên, đó là một thói quen được truyền lại từ các thế hệ trước. Điều quan trọng là phải học cách sống cuộc sống của mình, không lo lắng vô căn cứ.

Anh chị không chỉ muốn tận hưởng cuộc sống và đáp lại bằng lòng biết ơn mà còn muốn làm một tấm gương lành mạnh hơn cho chính con cái của mình. Rốt cuộc, lo lắng về tiền bạc không giúp ích được gì cho gia đình, nhưng việc tin tưởng vào một kế hoạch tài chính an toàn thì có.

Theo giaoducthoidai.vn