Cả giận mất khôn...

Nhiều người trẻ hôm nay đã trút giận bằng cách tự huỷ hoại mình và con cái. Hiện tượng này đang ngày một nhiều hơn khi tính từ đầu năm 2008 đến nay, cả nước đã có 8 vụ bố/mẹ giết con rồi tự tử hay ra đầu thú vì giận vợ/chồng (năm 2005 chỉ có 1 vụ).

Giết con vì... không muốn con khổ (?)

 

Rạng sáng ngày 19/3/2008, chị L.T.T.T. đã ra công an xã Thới Hòa, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương đầu thú. Chị cho biết, đã dùng dao giết chết hai con gái của mình (4 tuổi và 15 tháng). Chị T. thuật lại mọi chuyện với vẻ mặt lạnh lùng!

 

Tiếp xúc với phóng viên, chị T.kể, chồng chị, anh N.B.N., sinh năm 1977, từ lâu đã quan hệ với người phụ nữ tên L. Chị tìm mọi cách thuyết phục, nhưng N. vẫn không chịu chia tay người tình. Trước khi xảy ra án mạng hai ngày, anh N.đã nói với chị T: "Tao sẽ không ở với mày nữa".

 

Tuyệt vọng vì không thể níu kéo được tình cảm của chồng, lại không có người thân gần gũi chia sẻ, T. trở nên bế tắc. Mất hết niềm tin, trong cơn cuồng dại, chị đã giết con vì: "Tôi không muốn tụi nó lớn lên sẽ khổ như mẹ".

 

Cùng hoàn cảnh tương tự là anh Đ.V.H ở Tây Ninh. Khi vợ anh, chị D., bỏ đi làm ăn xa do cuộc sống khó khăn, sau đó không trở về. Nghe dư luận là vợ đã "cặp và sống chung với ông chủ quán hủ tiếu ở Sài Gòn", anh bỏ việc đi tìm nhưng không gặp.

 

Về quê, tiền bạc không còn, nhìn thấy đứa con gái giống mẹ như tạc đang ở nhờ bên nhà ngoại, anh ghé xin rước về ngủ chung với con một đêm. Gần sáng, anh giết con rồi bỏ vào núi để trốn; sau đó, tự ra đầu thú. Anh Khai với công an: "Càng nhìn nó tôi càng nhớ, càng hận mẹ nó, nên mới làm vậy... để quên!".

 

Khác với vẻ lạnh và tỉnh của chị T., anh H. đã khóc khi nhắc tới vợ con và tỏ ra ân hận vì hành vi vô nhân tính của mình. Anh nói: "Nếu lúc đó có ai để tôi tâm sự... chắc tôi đã không làm như vậy!". Hàng xóm cho biết, khi rơi vào hoàn cảnh đó anh sống lầm lì, không giao tiếp nên cũng không ai dám khơi chuyện để chia sẻ!

 

Vì sao có những cơn giận kinh hoàng?

 

Vì sao những ông bố, bà mẹ đó mang sinh mạng của mình và của con cái ra làm vật hy sinh, trả thù chồng, vợ? Tại sao các mâu thuẫn lại dẫn đến hành vi man rợ một cách bất ngờ? Lẽ nào những người vợ, người chồng này không còn điểm tựa tinh thần nào khác? Họ cũng không được sự can thiệp, khuyên nhủ, hòa giải của bất kỳ ai?

 

Xem xét từng trường hợp, từng tình huống, tuy đối tượng có nhiều hoàn cảnh, trình độ khác nhau nhưng hành vi giết con, ép con tự vẫn và chính mình tự sát... đều xuất phát từ hoàn cảnh tương tự nhau: sau khi bị phản bội, cãi vã với vợ hoặc chồng. Đáng sợ hơn, trong cơn cuồng sát, họ sẵn sàng giết cùng lúc nhiều đứa con, nhiều người khác...

 

Bác sĩ Lê Quốc Nam, Giám đốc phòng khám Tâm lý y khoa - tâm thần kinh Quốc Nam cho biết: "Trong cuộc sống, sẽ có lúc chúng ta gặp căng thẳng, mâu thuẫn. Sự khác nhau trong cách nhìn nhận và giải quyết vấn đề tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố như nhân cách con người, tình trạng tâm thần, trình độ học vấn... Khi vợ chồng cãi nhau, có người sẽ tự nhìn lại mình có lỗi thì phải sửa đổi bản thân (nhiều khi chỉ cần như vậy đã giải quyết được vấn đề). Nhưng cũng có người, trong cơn xung đột chỉ nghĩ đến phần lỗi của kẻ khác, dẫn đến những hành vi thô bạo.

 

Thông thường các hành vi như tự tử, giết người... trong các trường hợp trên là do mâu thuẫn đã tích tụ từ lâu nhưng không được giải quyết thoả đáng. Việc tự tử có thể có động cơ muốn gây đau khổ hay hối hận cho người còn lại. Cũng có thể so ý nghĩ: nếu sống một mình thì cũng không thể nuôi con đàng hoàng nên thà cùng chết. Dù cách nghĩ nào thì cũng rất ích kỉ và đáng bị lên án.

 

Một số trường hợp bệnh tâm thần nặng như tâm thần phân liệt (có hoang tưởng, ảo giác...) hay trầm cảm, loạn thần kinh sau khi sinh v.v.. bệnh nhân cũng có khả năng tự tử và giết con.

 

Các trường hợp trên đã gióng lên một hồi chuông báo động về nhu cầu cần có nơi tư vấn tâm lý cho những người đang gặp các mâu thuẫn, khó khăn trong cuộc sống. Họ cần một nơi có thể tin tưởng, để trước hết là lắng nghe họ, sau đó giúp họ phân tích vấn đề của bản thân đưa ra hướng giải quyết hợp lý.

 

Do vậy tốt nhất nếu bạn đang gặp khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống mà chưa tìm ra giải pháp thoả đáng, hãy mạnh dạn nhờ bạn bè, người thân hỗ trợ hoặc đến các nhà tâm lý, bác sĩ tâm thần để được tư vấn. Đừng vì ngại ngùng mà âm thầm chịu đựng, có thể dẫn đến có những hành vi manh động đáng tiếc, hoặc có thể mắc một số bệnh tâm thần như lo âu, trầm cảm...".

 

Theo TS Nguyễn Thị Bích Đào, Giảng viên khoa TLGĐ - ĐH Sư phạm TP.HCM: "Nguyên nhân của những câu chuyện thương tâm trên thường được khái quát bằng câu nói "giận mất khôn". Qua mô tả, các ông bố, bà mẹ, người vợ, người chồng này đều hành động trong trạng thái thất vọng, cùng quẫn trước tình huống mà theo họ là không còn lối thoát! Cùng mang những uẩn khúc cuộc đời, có người đủ bản lĩnh để vượt qua nhưng có người lại rất yếu đuối, không biết hoặc không có khả năng chống chọi.

 

Đáng tiếc trong hầu hết các vụ án này, những người cuồng sát không hề có người thân chia sẻ, gần gũi để sớm phát hiện, ngăn chặn. Theo khoa học tâm lý, những người có hành vi bạo lực, đến mức chém giết, luôn có những biểu hiện báo trước như dễ nóng nảy, sinh sự... Vì thế, nếu có người thực sự sâu sát, thì có thể ngăn chặn được hành vi tội ác.

 

Nói như vậy không phải để quy trách nhiệm cho cộng đồng, nhưng đã đến lúc phải có giải pháp cộng đồng để phòng chống bạo lực. Xin đừng thờ ơ, vô tâm trước những xung đột nhỏ của người láng giềng. Quan niệm "đèn nhà ai nấy rạng" phải được thay thế một cách tích cực hơn".

 

Theo Nghi Anh

Phụ nữ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm