Buồn chán sau “yêu”
Các cặp vợ chồng đều mong muốn có một đời sống gối chăn thỏa mãn, nhưng không phải lúc nào họ cũng được như ý.
Vợ chồng chị bất hòa trong cách chi tiêu. Anh phóng tay chi tiêu, chẳng để ý đến những khó khăn mà chị hằng ngày phải chi li tính đếm từng đồng lương công nhân đạm bạc. Hễ có chuyện là anh bảo chi tiền ra để… “người ta không đánh giá vợ chồng mình keo kiệt”. Chị đã trao đổi rất nhiều lần về sự phóng khoáng ấy nhưng anh vẫn chứng nào tật nấy. Mỗi khi chị nhắc đến, anh lại tỏ ra khó chịu, bực bội và thế là xảy ra chiến tranh lạnh. Chị dần mất niềm tin, không còn xem anh là chỗ dựa tinh thần, là người chia sẻ tâm tư và rồi dần sao nhãng cả chuyện vợ chồng.
Trong khi chồng rất nồng nhiệt thì chị lại chẳng chút hân hoan! Mỗi lần anh “muốn”, chị cố chiều nhưng sự chịu đựng có giới hạn. Bên anh, chị không chỉ thấy tẻ nhạt, khó chịu mà còn luôn căng thẳng và không biết tự lúc nào, chị cảm thấy sợ “yêu”.
Chị chẳng mấy khi ham muốn nhưng… muốn “gần” chồng chỉ một thì chị lại muốn được anh chia sẻ, đồng cảm các vấn đề trong cuộc sống gấp năm, bảy lần. Nỗi buồn phiền và mong muốn ấy luôn thường trực trong suy nghĩ, khiến chị từ một người vui vẻ, hòa nhã, yêu đời bỗng trở thành người cáu bẳn, hay quên, luôn có những lời lẽ bi quan, chán chường và thiếu sức sống. Có lần vừa lái xe vừa mải nghĩ về những tranh cãi với chồng, chị suýt tông vào ô tô. Sau lần chết hụt đó, chị đến gặp nhà tham vấn để tìm cho mình một lối thoát.
2. Anh Bằng Dũng (32 tuổi, ở Tây Hồ, Hà Nội) lại có những ấm ức, khó chịu sau mỗi lần “giao ban” vì mỗi khi anh chạm đến, vợ anh cứ đơ như khúc gỗ. Biết đặc điểm này của vợ nên mỗi khi “yêu”, anh đều rất nhẹ nhàng nhưng cũng phải mất hàng giờ khởi động. Dù sau lâm trận, anh thường cảm thấy hài lòng nhưng do phần mở màn quá dài nên anh rất mệt mỏi, phải cắt bớt suất “yêu”, phần nào làm vơi đi nỗi buồn của riêng mình. Khi vợ chồng anh đến gặp chuyên gia tư vấn, anh mới biết vợ anh cứng đơ là do ám ảnh từ lần suýt bị hại đời con gái khi vừa bước vào tuổi teen...
Qua thực tế tư vấn hôn nhân - gia đình, các chuyên gia tâm lý ghi nhận có khoảng 30% cặp vợ chồng tìm đến các nhà tư vấn vì chuyện gối chăn có rắc rối, khiến họ rất buồn và hụt hẫng. Phần lớn những đối tượng có nỗi buồn sau “yêu” là phụ nữ. Mỗi người một tâm trạng, một hoàn cảnh nhưng nhìn chung bắt nguồn từ một số nguyên nhân như thiếu tế nhị giữa vợ chồng; bị chi phối quá nhiều giữa gia đình, sự nghiệp và các nhu cầu khác trong cuộc sống; bị cưỡng dâm; bị bạo lực trong quan hệ, chênh lệch về tuổi tác, “ham muốn”; bị bỏ mặc hoặc “bỏ đói” chuyện gối chăn, lên lịch cho chuyện “yêu”… Những điều này dễ làm cho con người cảm thấy thất vọng, căng thẳng tâm lý và tạo nên nỗi buồn dai dẳng sau chuyện ấy.
Tạo năng lượng phòng the "Để vứt bỏ nỗi buồn sau “yêu”, cần tạo năng lượng cho đời sống vợ chồng, bằng cách thảo luận để nắm bắt quan điểm về tình dục, nhu cầu và nguyện vọng của nhau; xóa bỏ cái tôi ích kỷ và điều hòa ham muốn cho phù hợp; bỏ thói quen xấu, khởi động sự lãng mạn, sáng tạo trong cách yêu và làm đẹp không gian yêu… Ngoài ra, cũng cần thu xếp để có thời gian gần gũi, chăm sóc cho nhau, đồng cảm và chia sẻ trách nhiệm. Trong thực tế, có rất nhiều trường hợp chỉ cần được lắng nghe, chia sẻ, thấu cảm là đã có thể tự giải phóng hết nỗi buồn; nhưng cũng có trường hợp rơi vào khủng hoảng, cần sự trợ giúp từ các chuyên gia như nhà tình dục học, chuyên gia tâm lý và thực hiện các bài tập trị liệu mới đem lại kết quả tốt đẹp" - Thạc sỹ Mã Ngọc Thể. |
Theo Nguyễn Chính
NLĐ