Bỏ đói chồng
Nhiều bà, chị có quan niệm sở hữu: Lấy chồng về rồi, đã thành "vốn" của mình, muốn làm thế nào cũng được. Thực tế, lắm người "xài" chồng rất phí khiến đức lang quân thì hao mòn trầm trọng, mà tình cảm hai người chẳng được củng cố thêm.
Như chị Mỹ Đào, giai đoạn yêu đương thì chiều chàng lắm, nhưng từ khi kết hôn, chị nghe răm rắp bí kíp giữ chồng của mẹ:
"Vồ vập chồng quá nó sẽ đâm lờn mặt. Nó biết mình cần nó nên sớm muộn gì cũng mau chán. Thấy mấy con "mèo" không, lâu lâu nháng qua nháng lại, lén lén lút lút mà mấy ông ấy chết mê chết mệt!".
Nghe lời mẹ, chị ngày càng lơ là với chồng, ăn nói thì cụt ngủn, chăm sóc cũng chẳng ra gì: Quần áo chỉ cho hai bộ, sợ chồng bảnh quá có "con" khác dụ.
Chồng bị bệnh mấy tháng, chị cũng chỉ hỏi đúng một câu: "Đi bác sĩ chưa?"… Đối tượng thu hút mọi quan tâm của chị Mỹ Đào là bầy chó nhà. Con nào đẻ mấy con, tên gì, mấy tháng tuổi chị rành lắm, trong khi chồng bị viêm gan B, cữ ăn cữ uống ra sao thì chị mù tịt.
Còn chị Hồng Anh, nghe bạn bè và gia đình xúi, nên lấy chồng sớm để chuyên tâm phát triển sự nghiệp, không bị phá đám bởi đám trai lơ, nên chị kết hôn với anh bạn cùng lớp khi vừa tốt nghiệp đại học. Cưới xong, chị quy ước với chồng: Chưa vội có con để tập trung kiếm chỗ làm tốt, sau đó phấn đấu có một chức danh cao.
Chị mải phấn đấu hết danh nọ đến chức kia, thấm thoát đã hết 4 năm trời. Anh chồng thì mong con mòn mỏi, nhưng vợ lại nhất quyết không chịu đẻ, vì chị đang tiếp tục kiếm cái bằng cao học để có chức cao hơn.
Chị lý luận với anh: "Con cái thì đẻ lúc nào chẳng được, còn cơ hội lên chức tước chỉ có một lần!". Cả ngày chị đi làm, tối đến hôm thì đi học, hôm lại ôm máy tính, chồng có muốn tâm sự gì thấy cảnh vậy cũng phát nghẹn họng.
Còn chị Ly, trước khi lấy chồng đã nghiên cứu rất nhiều sách báo rồi rút ra kết luận: Không nên chăm chồng như con, chồng sẽ hư mà còn chán mình, yêu khoa học nhất là để anh ấy phát triển tự nhiên! Ban đầu, anh chồng rất khoái, vì thấy vợ mình cực tiến bộ trong việc quản chồng. Anh đi muộn về sớm thoải mái, không bị vợ ca cẩm gì.
Nhưng dần dà, chị ngày càng giống bạn trai của anh hơn là vợ: Chồng đi công tác, vợ cũng xách túi đi chơi, nhà cửa không chăm nom gì. Chuẩn bị đồ cho chồng đi nước ngoài thì chị làm qua quýt có lệ, khiến anh tới nơi thiếu đồ tùm lum. Anh chồng bị đói sự chăm sóc đến nỗi đâm ra thèm cái cảm giác bị vợ kìm kẹp như cậu bạn.
Trong các kiểu bỏ đói chồng thì phổ biến, "dã man" và cũng dễ dẫn đến tan hoang nhà cửa nhất là kiểu "cấm vận" của các chị sau khi có con. Theo rất nhiều bà vợ, sinh con xong thì lịch sử vợ chồng đã sang trang, chuyện "tình tang" là xâm phạm vào quyền bà mẹ và trẻ em.
Nhiều cô cho chồng "chay tịnh" suốt mấy tháng mang bầu, tiếp tới là "ăn kiêng" dài hạn khi nuôi con bằng sữa mẹ. Họ không ngó ngàng gì, để chồng tự thân vận động trong cả chuyện chăm sóc bản thân lẫn nhu cầu tình cảm. Nhiều ông chồng quá ngán ngẩm cái cảnh tối tối bà vợ leo lên giường ôm con ngủ trong tư thế phòng thủ chồng đánh úp, nên đã nảy sinh nhu cầu thèm "phở".
Bên cạnh đó, chuyện dồn tất cả quy trình chăm chồng cho người giúp việc còn là điểm chung của nhiều cô vợ hiện đại hoặc mẫu vợ đảm việc nước, hỏng việc nhà. Cho nên không lạ gì thời gian gần đây xuất hiện nhiều cuộc tình tai tiếng giữa chủ và cô sen, khi các ông chồng qua thời gian dài bị vợ bỏ đói tình cảm đã tìm thấy nguồn dinh dưỡng dồi dào từ các nàng ôshin trong nhà.
Theo các chuyên viên tư vấn, trong đời sống gia đình, đàn ông thiên về quyền lợi, trong khi phụ nữ lại thiên về nghĩa vụ. Bỏ đói chồng đồng nghĩa với quyền lợi các ông chồng bị cắt xén, dẫn đến việc họ phản kháng. Điều này cực kỳ nguy hiểm nếu chị em không có chiến thuật khôn khéo.
Cách bỏ đói khôn nhất là các bà vợ không cho chồng thấy toàn bộ "năng lượng" của mình, cho chồng ăn đủ "chất" nhưng vẫn còn để lại vài cái cho họ thòm thèm muốn nữa. Đó là mồi câu chồng mà cũng là mồi lửa để bếp gia đình luôn ấm áp.
Theo Tuổi Trẻ