Binh pháp chàng đại lãn

(Dân trí) - Đàn ông không lười, họ chỉ không thích làm những việc không mấy “nam tính” như giặt giũ, bếp núc... Tuy nhiên không dễ gì an nhàn chung sống với “lũ”, họ - những ông chồng đại lãn - đang đưa ra những “binh pháp”ngày càng “hoàn thiện” hơn.

Làm đúng nơi

 

Mọi người không hiểu tại sao những bà vợ may mắn này lại suốt ngày kêu ca phàn nàn về “đức lang quân” của mình, họ chăm chỉ, chịu khó, không nề hà bất cứ công việc gì từ lớn đến nhỏ.

 

Tuy nhiên, họ chỉ “chịu khó” đúng nơi cần thiết, nơi mà công việc của họ được tất cả mọi người công nhận, dĩ nhiên là trừ ở nhà.

 

Chưa lần nào đi thăm bạn bè hay về quê chơi mà Mai không được mọi người khen là tốt số lấy được anh chồng chịu thương chịu khó. Bao giờ Kiên - chồng Mai cũng lấy được cảm tình của mọi người bằng lối nói hài hước, có duyên đồng thời không ngại “lăn vào bếp” giúp đỡ chị em. 

 

Được mọi người khen, Mai chẳng biết nói gì, không lẽ lại vạch áo cho người xem lưng: “Anh ấy lười như hủi tẻ”. Lâu dần như vậy, giờ đây hễ muốn kêu ca gì với mọi người là Mai lại cảm thấy như “há miệng mắc quai”.

 

Chỉ có Mai mới hiểu được Kiên lười tới mức nào. Về đến nhà là “cắm mặt” vào cái TV, lại vô cùng luộm thuộm: “Anh ấy mà nhớ được đã để đôi tất chỗ nào thì tôi cũng cảm thấy hạnh phúc lắm rồi, nói gì đến chuyện cơm nước giặt giũ”.

 

Đã có vợ và hai con nhưng Kiên vẫn “ham chơi” lạ thường. Kiên có thể chơi điện tử thâu đêm suốt sáng. Xem bóng đá, đọc báo, lướt web…là những việc được Kiên cho là “nam tính”, những việc còn lại thì khỏi “bàn bạc” cho mệt.

 

Tuy vậy, Kiên lại rất khéo “ngoại giao” nên rất được lòng mọi người, Mai có than thân trách phận thì cũng chỉ kêu trời một mình chứ chẳng biết “ngỏ” cùng ai.

 

Không ít lần về nhà vợ, Kiên một mình lo cơm nước cho cả mười mấy người ăn. Kiên nấu nướng ngon, làm lụng rất nhiệt tình lại luôn miệng nói chuyện hài hước nên anh chị em đằng vợ rất quý. Chẳng ai tin người như Kiên lại lười việc nhà, có mà Mai quen tính đành hanh, nhỏ nhặt, ích kỷ của “đàn bà” thì có.

 

Chăm đúng lúc

 

Cũng như Kiên, Khánh là một trong những “ông vua” của làng đại lãn. Ấy vậy mà hàng xóm lại luôn tấm tắc ngợi khen. Nhiều bà còn luôn miệng so sánh chồng mình với Khánh, họ chỉ cầu cho chồng mình được phân nửa của Khánh là mát mày mát mặt lắm rồi. Chỉ có Thoan, vợi Khánh là luôn ấm ức: “Các anh, các chị có sống trong chăn đâu mà biết chăn có rận”.  

 

Khánh không chỉ lười, đôi khi còn vô tâm trước công sức của vợ, chắc tại quen tác phong nghề nghiệp “nước sông công lính” rồi.

 

Nhiều hôm Thoan giặt cả một đống quần áo cao ngất, đi làm thấy trời mưa, gọi điện về bảo Khánh cất. Về nhà thấy quần áo vẫn “yên vị” ướt sũng trên dây còn chồng thì đang mải mê xem bóng đá. Nước mắt trào ra trách móc chồng, Khánh chỉ quay lên: “Ôi dào lắm chuyện, mai nó khắc khô”.

 

Đối với Khánh, nhà chỉ là chỗ ăn, ngủ và xem bóng đá, mọi công việc khác đều là của “đàn bà”. Nếu Thoan có than thở gì, ngay lập tức Khánh gằn giọng: “Tôi có bắt cô làm gì đâu, nếu không thích làm thì cứ vứt đấy”.

 

Tuy vậy, những hôm nào nhà có khách thì Thoan lại sướng như bà hoàng. Khánh tự tay đi chợ, vào bếp, trang trí phòng ăn, dọn dẹp nhà cửa… khiến khách nam phải cúi đầu nể phục còn khách nữ thì lườm nguýt chồng với ý: “Nhìn đấy mà học tập”.

 

Lâu lâu Khánh lại mời bạn bè, đồng nghiệp về nhà “làm một bữa”. Những hôm như thế, Khánh chủ động qua chợ mua đồ ăn, không quên mua thêm bó hoa tươi và ít nến về để vợ trang điểm bữa ăn thêm phần ấm cúng và lãng mạn.

 

Ăn uống xong, khi mọi người đang vui vẻ chuyện trò thì Khánh lại là người “bưng bê dọn dẹp”. Tuy nhiên khi khách về rồi, nếu Thoan không rửa thì đợi khi nào nhà có khách Khánh sẽ làm tiếp.

 

Những hôm phải đón con ở trường, Khánh bao giờ cũng gọi điện hẹn gặp cô giáo chủ nhiệm để hỏi thăm tình hình học tập của con.

 

Tuy nhiên, ngồi chưa được 5 phút là cáo lỗi phải về để giúp mẹ cháu chuẩn bị “bữa tối”. Cô giáo thầm ngưỡng mộ người đàn của gia đình này mà không hay rằng hai bố con sẽ vào một quán bia nào đó gần nhà cho đến khi mẹ gọi về ăn cơm. 

 

Ra ngoài, đến những nơi công cộng, mọi người luôn phải ghen tị với Thoan. Khánh có thể kiên trì đi shopping cùng vợ, xách lỉnh kỉnh trăm thứ bà rằn. Lên xe máy Thoan không bao giờ phải nhắc nhở chồng gạt cái để chân… Nhưng về đến nhà thì “cuộc chơi” tạm dừng, hai người sẽ trở về với thực tại mà ở đó Khánh là “ông chủ” còn Thoan là “ô sin” mang tên “Vợ”.

 

Nói chung những “ông chủ” này có thể làm tất cả, nhưng họ chỉ làm khi có mặt kẻ thứ 3.

 

Và những “đòn” tâm lý

 

Nhiều quý ông sinh ra trong thời hiện đại nên ít nhiều cũng hiểu được nỗi khổ của người làm những công việc không tên, tuy nhiên họ “hiểu luật” để “lách” chứ không phải để thực hiện. Họ luôn có những “đòn”, những “mánh” trốn việc rất hoàn hảo. Từ lời ăn tiếng nói đến hành động, tất cả đều một mục đích: “Tăng việc nước, giảm việc nhà”.

 

Tuấn, một thành viên gương mẫu trong Câu lạc bộ “Những ông chồng lười” rất tự đắc về “chiến thuật” của mình. Tuấn không lười làm cái gì cả, mà thậm chí luôn hăng hái giúp vợ. Tuy nhiên, làm gì Tuấn cũng “cố gắng” hậu đậu hết mức có thể, nhất là hôm nào có thứ gì mới trong nhà.

 

Thảo, vợ Tuấn vừa mua được chục bát rất đẹp, biết vợ rất hài lòng về chúng nên Tuấn “xung phong” đi rửa. Tuấn rửa rất cẩn thận, sạch sẽ, tuy nhiên đến khi bê lên trạm bát thì… xoảng, chục “chú” ra đi trong sự “thương tiếc” của Thảo. Cứ như thế các vật dụng trong nhà sẽ được “hóa kiếp” nếu Tuấn phải đụng tay vào.

 

Thảo vừa mua được cái áo rất ưng ý, Tuấn xung phong là hộ vợ và cho đến khi Thảo ngửi thấy mùi khét thì nó không còn là cái áo nữa, thậm chí cũng không được làm một cái giẻ tử tế.

 

Cứ như thế chỉ sau vài lần thử nghiệm, giờ đây công việc của Tuấn sau mỗi ngày trở về từ công sở là ngồi xem TV, đọc báo và không ngớt mồn khen vợ đảm, khéo tay.

 

“Cao tay ấn” hơn Tuấn, Đoàn còn “lặn lội” khắp nơi để xin cho bằng được một loạt giấy tờ chứng nhận bệnh tật, nào là đau cột sống, thấp khớp, đau nửa đầu…và một danh sách dài dằng dặc những thứ phải kiêng khem: Không được cúi nhiều, hạn chế vận động, tránh tiếp xúc với xà phòng…

 

Cứ như vậy, mỗi ngày đi làm về, không những không phải động tay vào bất cứ công việc gì, ngược lại, Đoàn luôn trong chế độ “an dưỡng”. Tuy nhiên, Đoàn luôn che đậy “bản chất” bằng những lời thuyết phục: “Hay em để anh làm cho”, và như thế cả đêm đấy Đoàn sẽ mất ngủ vì đau lưng, đau khớp hay một thứ gì na ná như thế…

 

Còn nhiều lắm những “nghệ thuật” lười của cư dân làng đại lãn: Bận việc công sở, phải tiếp đối tác, sếp gọi đi tiếp khách v.v., mà lí do nào cũng chính đáng, không tin chị em cứ việc kiểm chứng vì chính sếp cũng muốn trốn việc nhà nên hẹn nhân viên ra quán bia “tiếp khách”.

 

Đàn ông, những người có thể làm tất cả nhưng lại không muốn làm tất cả. Họ chỉ muốn làm thứ gì đó được gắn mác “đàn ông” và được đánh giá cao.

 

Các chị em “đầu tắt mặt tối” thân mến, các chị đừng ngày đêm kêu than chồng lười, hãy đánh giá cao anh ấy và gắn một cái mác đàn ông chính hiệu vào việc nhà đi, lúc đấy đảm bảo phái yếu sẽ hết việc để làm.

 

Tuy nhiên không thể một sớm một chiều mà thay đổi quan niệm của những anh chàng lười này được, tình yêu và đức hy sinh cao cả của các chị là thứ duy nhất khiến chồng con chia sẽ những công việc không tên cùng các chị thay vì “tiếp khách” tại quán bia.

 

Thanh Phong