Bi kịch lỡ thì

33 tuổi, Nguyễn Thị Hạnh trở thành cô gái quá lứa lỡ thì già nhất xã MT. Sau mấy đám đến hỏi không thành, Hạnh không còn nghĩ đến chuyện sẽ làm “tập 2, tập 3” của một người đàn ông nào khác.

Biết con gái mình thuộc dạng “ế ẩm” nên từ ngày “làng lên phố”, ông bà Mùi đã cắt đất ra chia cho Hạnh 50m vuông ở mặt đường, xây thành cửa hàng vừa ở vừa buôn bán để kiếm kế sinh nhai sau khi ông bà khuất núi.

 

Nhờ có chút duyên bán hàng nên cuộc sống của Hạnh khi ra “ở riêng” không mấy khó khăn. Dù có nhà cửa, kinh tế ổn định nhưng Hạnh vẫn luôn cảm thấy cuộc sống của mình vô vị. Mỗi lần nhìn cảnh mọi người có đôi có cặp, con cái ríu ra ríu rít, Hạnh lại thấy tủi thân.

 

“Không lấy ai thì kiếm một đứa con cho vui cửa vui nhà, với lại sau này già yếu còn có người nương tựa. Anh chị em đầy đủ nhưng chắc gì đến lúc ấy mình nhờ vả được, không gì bằng con cái của mình”. Nhiều người thấy cảnh đơn chiếc của Hạnh đã “tư vấn” cho cô như thế.

 

Từ niềm khao khát hạnh phúc

 

 

Một lần nhân ngày giỗ, cả nhà sum họp đầy đủ, Hạnh e dè đưa ra ý định “làm mẹ một mình”. Cô không ngờ bị phản đối kịch liệt. Bố mẹ thì cho rằng cô làm thế là làm nhục gia phong. Mấy ông anh bà chị cũng bảo cô chẳng cần phải kiếm con ngoài giá thú cho mang tai tiếng, nhà ai cũng đông con cái và họ sẵn sàng cho một đứa sang ở cùng, phụng dưỡng cô khi về già.

 

Ban đầu Hạnh bị thuyết phục trước việc nuôi một đứa cháu ruột nhưng khi nhận ra mục đích của họ thì cô lại nhụt chí. Anh chị nào cũng muốn Hạnh nhận nuôi con mình với mục đích thừa kế luôn mảnh đất đáng giá tiền tỷ mà cô đang sở hữu.

 

Càng ngẫm nghĩ, Hạnh lại thấy lời của mấy người hàng xóm rất đúng. Suy cho cùng thì chẳng ai bằng con cái mình rút ruột đẻ ra, anh chị em cũng chỉ ở một mức độ nào đó. Từ ấy, Hạnh luôn ấp ủ dự định kiếm ngoài một đứa con. Mặc cho ai nói gì thì nói. Niềm khao khát được làm mẹ ngày càng mãnh liệt trong cô. Nói và nghĩ thì dễ nhưng “xin con” của ai, ở đâu bây giờ? Từ ngày cô có ý định “kiếm con”, không ít phụ nữ ra đường nhìn cô với ánh mắt đề phòng. Họ bóng gió xa xôi phải giữ chặt người đàn ông không có ngày lại phải đi nhận mặt con ngoài giá thú của chồng.

 

Bất cứ một người đàn ông nào tỏ ra thân mật với Hạnh đều được mọi người đàm tiếu dị nghị càng khiến việc “kiếm con” của cô gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên càng gặp trở ngại thì niềm khao khát được làm mẹ của Hạnh lại càng mãnh liệt.

 

Có người mách nước cho Hạnh, đàn ông trong làng trong xã không được thì “xin” của những người ở quê xa ra Hà Nội làm thuê, có khi như thế vừa an toàn lại đảm bảo bí mật. Nghe cũng có lý, từ đó Hạnh để ý đến những anh chàng bán hàng rong, làm thợ xây, làm cửu vạn đang ở trọ gần nhà mình. Niềm mong mỏi của Hạnh cuối cùng cũng đạt được, một người đàn ông bán hàng rong đã đồng ý giúp cô.

 

Từ ngày biết Hạnh có tin vui, người thì mừng cho cô, kẻ thì đàm tiếu. Tuy nhiên vì niềm hạnh phúc quá lớn nên Hạnh bất chấp tất cả. Thậm chí, cô còn đồng ý cho người đàn ông kia về sống cùng khi anh ta ngỏ ý muốn chăm sóc Hạnh trong những ngày bụng mang dạ chửa. Bố mẹ Hạnh đỡ băn khoăn hơn khi nghe con gái bảo cha đứa bé vốn mồ côi khi còn nhỏ, chưa có vợ con, vì gia cảnh quá nghèo nên phải tha phương kiếm sống, chuyện lập gia đình vì thế cũng khó khăn hơn.

 

Hàng ngày cảm nhận được đứa con đang lớn dần lên trong bụng, Hạnh thấy cuộc đời mình như có ý nghĩa hơn. Có lúc Hạnh nghĩ, mình đã tìm được một mái ấm đích thực dù có muộn màng một chút. Không ra pháp luật đăng ký nhưng Hạnh cũng làm một vài mâm để hợp thức hóa cuộc sống vợ chồng.

 

Đến một mái ấm không có thực

 

Đứa con chào đời chưa đầy năm, thì niềm hạnh phúc của Hạnh vơi đi một nửa khi người đàn ông kia tiết lộ bí mật đã được giấu kín bấy lâu nay. Sự thật, anh ta đã có vợ con đàng hoàng ở một vùng quê nghèo Thanh Hóa. Vì kinh tế khó khăn, ruộng vườn cày cấy không đủ tiền ăn nên phải ra Hà Nội bán hàng rong kiếm sống. Đã lâu rồi anh ta dường như bỏ quên trách nhiệm với gia đình, không biết vợ con sống chết thế nào ở quê.

 

Rồi với vẻ mặt đầy đau khổ, anh ta tỏ ra hối hận, bảo không xứng đáng làm cha của mấy đứa con ở quê lẫn đứa con hiện đang có với Hạnh. Sự dằn vặt ấy bỗng chốc lây sang Hạnh, cô cảm thấy mình là người phụ nữ tồi tệ, đang tâm cướp mất hạnh phúc của người khác.

 

Bị ám ảnh với điều ấy nên khi anh chồng bảo Hạnh đưa cho mình một ít tiền mang về quê “đền bù” cho vợ con để chuộc lỗi, cô đã răm rắp nghe theo. Sau lần đó, chồng Hạnh trở ra bảo vẫn chưa cho vợ con biết sự thật, họ vẫn tin tưởng anh ta là người chồng, người cha tốt đang đi làm ăn xa, mỗi năm về thăm nhà một lần. Không vòng vo, anh tuyên bố sẽ sống với mẹ con Hạnh và thỉnh thoảng xin cô một khoản nhỏ gửi về quê nuôi con ăn học là được. Hạnh cho biết bình thường cô sẽ chẳng bao giờ chấp nhận sống với một người đàn ông một dạ hai lòng như thế nhưng từ khi đứa con ra đời, cô sẵn sàng làm tất cả để con không thiệt thòi.

 

Và để cho đứa con trai được lớn lên trong một gia đình có đầy đủ cha mẹ, Hạnh đã ra sức chiều chuộng, đáp ứng mọi điều kiện của anh chồng, chấp nhận một năm vài ba lần đưa tiền cho anh ta gửi về quê. Cứ nghĩ với những việc làm đó, Hạnh có thể vừa giữ được cha cho con, vừa “chuộc lỗi” với người phụ nữ và những đứa trẻ đã bị cô “cướp” mất hạnh phúc. Thế nhưng cuộc đời lại xoay vần lại với Hạnh như một sự quả báo.

 

Anh chồng ngày càng trở nên tồi tệ, thay vì giúp Hạnh làm ăn thì anh chỉ chơi bời lêu lổng rồi sa đà vào chuyện cờ bạc. Gánh nặng ngày một chồng chất lên vai Hạnh, giờ cô không chỉ phải làm để nuôi con, nuôi báo cô một anh chồng vô tích sự mà còn phải trả những khoản nợ cờ bạc của anh ta.

 

Mỗi lần không được Hạnh cung cấp tiền để ăn chơi, anh chồng quay sang hành hạ đánh đập vợ thậm tệ. Hạnh bảo có hôm anh ta vừa đánh vừa chửi cô là đồ không biết điều, quá lứa lỡ thì không ai rước may được anh ta mang đến cho hạnh phúc mà không biết mang ơn. Tiền của ngày một cạn kiệt, thân xác thì bị hành hạ thường xuyên, Hạnh vẫn cam chịu tất cả vì đứa con.

 

Cho đến hôm nay, Hạnh ôm con tìm đến nhà hỗ trợ xin được lánh nạn vì không còn chịu đựng nổi những trận đòn của anh chồng vũ phu. Cô bảo mọi sự nhẫn nhịn, cam chịu đã hết giới hạn. Vì không đồng ý bán đất để trả nợ cờ bạc, Hạnh đã bị chồng đánh thập tử nhất sinh. Anh ta còn tuyên bố sẽ tự mình bán đất mặc Hạnh có đồng ý hay không. Tuy nhiên khi bố mẹ cô biết chuyện đã đưa giấy tờ hợp lệ và bảo anh ta chẳng có quyền gì dù là “quyền làm chồng” của Hạnh. Vì thực tế, cuộc hôn nhân của họ không có giá trị pháp lý.

 

Quá điên cuồng vì không đạt được mục đích, anh ta đánh đập Hạnh và đuổi cả hai mẹ con cô ra khỏi nhà. Tới nhà người thân lánh nạn thì đều bị anh chồng đến quấy rối, Hạnh đành phải ôm con tìm đến nhà hỗ trợ xin lánh nạn và làm đơn gửi đến cơ quan pháp luật.

 

5 năm bị bạo hành, Hạnh bảo thời gian đó đủ để cô nhận ra sai lầm và rút ra bài học cho bản thân. Điều day dứt còn lại đối với cô là không thể mang lại cho con mình một mái ấm hạnh phúc. Dù cô đã làm mọi cách, hi sinh cả bản thân để đánh đổi lấy hạnh phúc ấy.

 

Theo Hạ Thi

Đời Sống Gia Đình