Bi kịch đem tiền cho trai

Tôi biết tin Tâm cưới vợ từ chính cô em gái của anh ta. Thoạt đầu tôi không tin vì trước đó chưa lâu chúng tôi còn đi nghỉ mát với nhau ở Đà Lạt.

 
Bi kịch đem tiền cho trai
Hình chỉ có tính chất minh họa

Lần đó Tâm bảo tôi, ba má anh ta đang đi coi thầy để xem năm nay có tổ chức đám cưới cho chúng tôi được hay không? Thế mà đùng một cái, Tâm cưới vợ. “Em tức lắm nên mới báo cho chị”- cô em gái của Tâm ấm ức. Tôi vẫn chưa hết sững sờ: “Thế còn… ba má nói sao? Dù gì thì tụi chị cũng đám hỏi rồi mà?”. Cô em gái của người yêu tôi lắc đầu: “Ba má khuyên can không được nên cũng bó tay. Giờ không biết ăn nói làm sao với bên nhà chị”.

 

Tôi và Tâm quen nhau đến nay đã gần 10 năm, từ khi hai đứa còn học chung cấp III. Vào đại học, hai đứa cũng học chung trường dù khác khoa. Ra trường, tôi ở lại TPHCM làm việc hơn 2 năm thì anh Hai gọi về: “Má yếu rồi, anh lại đi công tác xã hoài, thôi thì em hi sinh, về ở với má, chăm sóc má dùm anh. Anh Hai sẽ không để em thiệt thòi”.

 

Tôi nghĩ đến mẹ đã ngoài tám mươi mà không khỏi chạnh lòng. Vậy là tôi về Vĩnh Long. Anh Hai cho tôi một cửa hàng bách hóa để “buôn bán cho đỡ buồn” dù tôi chẳng thiết tha gì với công việc ấy. Được chừng 3 tháng thì Tâm từ Sài Gòn về, thủ thỉ: “Anh muốn mở cửa hàng sửa chữa điện thoại di động nhưng không có vốn”. Tôi ngạc nhiên: “Anh học Luật, biết gì sửa chữa điện thoại mà mở cửa hiệu?”. “Anh hùn với mấy người bạn”.

 

Thế là tôi lén mẹ, lén anh Hai gom góp tiền đưa cho Tâm 200 triệu. Nhưng chưa được bao lâu thì Tâm lại chạy về: “Anh cần thêm khoảng 300 triệu nữa vì có một người bạn rút vốn. Với lại anh cũng muốn vừa sửa chữa, vừa buôn bán thêm thì mới có lời nhiều…”.

 

Lần này tôi đành thú thật với anh Hai và mẹ. Sau một hồi suy nghĩ, mẹ tôi nói: “Thôi kệ, dù sao thì tụi nó cũng đã làm đám hỏi, coi như vợ chồng rồi. Con giúp gì được cho nó thì giúp. Của chồng công vợ; mai mốt má trăm tuổi già, con muốn lên trên đó sống thì cũng có nơi, có chỗ…”.

 

Đến lượt mẹ và anh Hai tôi gom góp hết tiền bạc, thế chấp nhà để đưa cho Tâm. Có tiền mở mang việc kinh doanh rồi, Tâm ít về Vĩnh Long với lý do “nhiều việc quá”. Tôi lại phải bỏ công ăn việc làm, mỗi tháng lên thăm một lần.

 

Một trong những lần ấy, tôi thấy một cô gái rất trẻ ngồi ở quầy tính tiền. Tâm giới thiệu đó là Yến, em gái một người bạn.  Yến trẻ trung, xinh đẹp, ăn nói ngọt ngào nên tôi rất có cảm tình và dần dần cũng xem như em út trong nhà. Thế mà giờ đây chính cô ta là người sắp sửa làm đám cưới với người yêu tôi!

 

Mẹ tôi buồn nên ngã bệnh, không bao lâu thì mất. Tôi hận nên nhất quyết gặp Tâm để đòi lại tiền. Thoạt đầu anh ta còn hứa hẹn “em cho anh thời gian để gom hết tiền nợ”. Nhưng chờ mãi chẳng thấy, tôi lại gọi điện thoại cho Tâm. Lần này anh ta không nghe máy.

 

Mấy hôm sau tôi lại gọi thì người bắt máy là Yến. Cô ta sừng sộ: “Chị là ai mà cứ gọi cho chồng tôi? Chị muốn gì?”. Tôi giận rung: “Không ngờ cô lại tráo trở như vậy. Các người tưởng lấy tiền của tôi rồi thanh thản mà sống sao? Cứ chờ đấy!”.

 

Tôi giận thì dọa thế thôi chứ không nghĩ ra cách nào để lấy lại được cả tình và tiền. Lần gần đây nhất, khi đến hạn trả nợ ngân hàng, tôi lại gọi Tâm để năn nỉ anh ta trả lại tiền để tôi trả nợ, lấy lại giấy tờ nhà đã thế chấp. Tâm trả lời: “Tôi không nợ nần gì ai cả. Cô có bằng chứng gì mà dám nói tôi thiếu nợ? Coi cừng mắc tội vu khống đó”.

 

Tôi không ngờ Tâm lại cạn tàu ráo máng như vậy nên nổi điên: “Tôi sẽ kiện anh ra tòa, tôi sẽ nói cho tất cả bạn bè biết bộ mặt thật của anh!”. Tưởng nói vậy Tâm sẽ sợ, không ngờ anh ta lại bật cười: “Con kia, mày đừng có làm phiền tao nữa. Mày mà chưa chịu thôi thì tao sẽ làm cho mày mang nhục. Mày quên là trước đây tụi mình đã sống chung với nhau như vợ chồng sao? Tao sẽ tung hết ảnh của mày lên mạng cho cả thế giới biết. Đồ đàn bà ngu!”.
 

Tôi chết lặng. Đúng là tôi ngu thật. Giờ tôi chỉ còn biết ôm hận và tự trách mình: Có tiền cho trai, tôi không chỉ mất tiền mà còn mất cả đời con gái!

 

Theo Nguyệt Phương

NLĐ