Bi kịch của “nội tướng”

Dù học cao nhưng nhiều phụ nữ vẫn lui về nội trợ, toàn tâm, toàn ý chăm lo gia đình. Có những chị em đã phải gánh chịu nhiều nỗi thiệt.

 
Bi kịch của “nội tướng” - 1

Minh họa: Người Lao Động
 
“Hy sinh” rồi bị tâm bệnh…

 

Nhờ giỏi tiếng Nhật lại sử dụng tiếng Anh lưu loát nên Hạnh, tốt nghiệp ĐH loại giỏi, nhanh chóng vào làm việc cho một công ty nước ngoài. Chỉ sau một năm, gặp anh doanh nhân hào hoa, giàu có, Hạnh đã lên xe hoa.

 

Gia đình chồng khá nổi tiếng với những ngôi biệt thự và những căn hộ chung cư sang trọng nên không mấy quan tâm đến khoản tiền lương “còm cõi” của con dâu. Sau một thời gian sinh con trai đầu lòng, Hạnh tiếp tục đi làm. Những khi đi sớm về trễ thấy con nhỏ khóc ngằn ngặt, Hạnh không khỏi xót xa.

 

Thấy vậy, mẹ chồng bảo: “Con không cần phải ra ngoài bôn ba vất vả. Ở nhà, con không phải lo chuyện nội trợ, chỉ cần chăm con thôi. Để cháu cho người giúp việc trông coi, mẹ không yên tâm”. Cuối cùng, cô quyết định nghỉ việc, ở nhà chăm sóc con trai kiêm luôn làm quản gia cho nhà chồng.

 

Từ nhỏ đến lớn, chỉ quen việc đèn sách nên khi làm “nội tướng” thay mẹ chồng, Hạnh thường khiến bà nổi giận. Lên thực đơn ngày ba bữa cho cả nhà, cô cũng làm không xong. Ra chợ chọn mua hoa về cúng bàn thờ gia tiên, Hạnh cũng phải hỏi mua hoa gì… Tính Hạnh hay tự ái nên mỗi khi mẹ chồng nhắc nhở, góp ý là cô lại mặt sưng mày sỉa khiến quan hệ mẹ chồng-nàng dâu ngày càng căng thẳng. Đã vậy, chồng Hạnh còn không biết quan tâm, chia sẻ, luôn bận việc công ty, thường vắng nhà. Không có người để tâm sự, lâu dần, Hạnh như một chiếc bóng.

 

Từ một phụ nữ năng động, lanh lợi, duyên dáng, sau một thời gian ở nhà nội trợ, Hạnh trở nên ít nói, luôn cảm thấy buồn rầu, chán nản. Thấy con dâu sút cân, thỉnh thoảng có biểu hiện bất thường, mẹ chồng đưa Hạnh đi khám bệnh và vô cùng lo sợ khi nghe bác sĩ kết luận Hạnh bị trầm cảm đã khá lâu, nếu không điều trị kịp thời có thể sẽ tự tử. Sau một thời gian điều trị nghiêm túc, Hạnh được đi làm lại và dần tìm được niềm vui trong cuộc sống.

 

Mang tiếng ăn bám

 

Trường hợp của Thu (huyện Bình Chánh - TPHCM) còn đáng thương hơn. Gặp lại Thu trong ngày họp lớp, không ít bạn học ngỡ ngàng. Cô hoa khôi xinh đẹp ngày nào, giờ sau hơn 10 năm đã xuống sắc thảm hại. Hỏi ra mới biết, Thu mới ly dị chồng. Ngày trước, Thu làm kế toán cho một công ty lớn, thu nhập rất khá, cuộc sống cũng ổn định. Sau khi kết hôn, nhất là khi chồng thăng quan vù vù, chuyện nhà bề bộn lại thêm con mọn, Thu quyết định lui về chăm sóc việc nhà để chồng yên tâm lo công danh sự nghiệp.

 

Suốt ngày, Thu đánh vật với chuyện bếp núc, học hành của con cái. Theo thời gian, nhan sắc xuống cấp nhanh chóng. Thế mà chồng cô lại không nhận ra sự cần mẫn và hy sinh của vợ, còn có bồ nhí. Hơn 10 năm nay, mỗi tháng, Thu quen với việc “nhận lương” từ chồng; mỗi khi làm chồng phật ý là khoản tiền chi tiêu sinh hoạt lại bị cắt giảm...

 

Lo hai con sống thiếu thốn nên Thu đành ngậm bồ hòn làm ngọt, không dám hé răng cật vấn nửa lời. Được thể, chồng Thu càng sỉ vả nặng lời: “Mười mấy năm nay, cô như cái tàu há mồm, chỉ biết ăn bám”. Dù cho vợ cố nhẫn nhịn chịu đựng, chồng Thu vẫn quyết ly hôn để theo tình nhân trẻ đẹp.

 

Ở tuổi 40, Thu cầm hồ sơ xin việc đi khắp nơi nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Thu thở dài tâm sự: “Nếu ngày ấy, mình đừng nghỉ việc ở nhà nội trợ thì giờ đây, mình đâu đến nỗi lận đận như vầy”.

 

Theo chuyên viên tư vấn, khi đi làm, việc giao tiếp, có bạn bè sẽ giúp con người linh hoạt, năng động và tự tin hơn. Một công việc ổn định còn đem lại thu nhập, khẳng định sự độc lập và giá trị bản thân với mọi người. Vừa đi làm vừa lo chuyện nhà quả là vất vả, phụ nữ nên nhẹ nhàng trao đổi để chồng hiểu, chia sẻ việc nhà và giúp các chị có cơ hội thăng tiến trong công việc.

 

Để xây dựng và bảo vệ tổ ấm, không nhất thiết phụ nữ phải ở nhà nội trợ. Hơn nữa, về mặt tâm lý, nội trợ lâu ngày, phụ nữ sẽ ngột ngạt, bức bách, dễ dẫn đến stress, trầm cảm.

 

Theo Nga Nguyễn

NLĐ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm