Bi kịch của những cô gái Nepal bán da kiếm tiền ở Ấn Độ

3 năm trước, chị Sushill Thapa trốn thoát khỏi nhà thổ ở Mumbai (Ấn Độ). Trở về quê hương Nepal, chị không quan tâm đến vết sẹo khổng lồ trên lưng mình. Đối với chị, còn sống về gặp bố mẹ là quan trọng nhất.

Đầu năm 2013, vì túng tiền, nghe nói ở Ấn Độ có thể bán da kiếm sống, chị Sushill lặng lẽ trốn bố mẹ, rời Nepal sang “miền đất hứa”. Tại một cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, sau khi tách bóc mảng da khoảng 130 cm2 trên lưng, chị được trả 10 nghìn rupees (tương đương 3,5 triệu đồng).

Song vì vay nợ nhiều, chỉ thời gian ngắn, chị lại nhẵn túi. Chính tay nhân viên đại lý thu mua da người ngày nào đã nhiệt tình “giới thiệu” cho chị “việc làm mới, nhàn hạ và thú vị, dễ kiếm tiền”.

Những người phụ nữ nghèo ở Nepal thường bị bán sang Ấn Độ làm gái mại dâm hay bị ép bán thận, bán da
Những người phụ nữ nghèo ở Nepal thường bị bán sang Ấn Độ làm gái mại dâm hay bị ép bán thận, bán da

Rơi vào “tổ quỷ”

Kẻ môi giới đưa Sushill đến một tiệm massage tại Thamel, khu phố du lịch của thành phố Kathmandu. Hắn giao kèo chị phải trả cho hắn tiền công bằng 3 tháng “thu nhập”.

Nhìn đám khách hàng là những gã đàn ông thản nhiên sàm sỡ, trêu ghẹo mấy nhân viên massage ăn mặc hở hang giữa ban ngày, Sushill biết mình đã dấn thân vào công việc hành xác nguy hiểm.

Song chị không có sự lựa chọn nào khác. Sushill chỉ tiếc rẻ, nếu tấm lưng không bị biến dạng xấu xí sau phi vụ bán mảng da, chị có thể kiếm được nhiều tiền hơn trong điều kiện hành nghề an toàn hơn.

Biển hiệu “Salon Massage” chỉ là vỏ bọc bên ngoài. Sự thật, Sushill Thapa đầu quân cho ổ mại dâm. Các nữ nhân viên thỏa mãn nhu cầu tình dục chủ yếu cho đàn ông thuộc các quốc gia Nam Á.

Chính vì phải phục vụ đối tượng đặc biệt bảo thủ này, các nữ nhân viên rất dễ bị khách hàng quỵt khoản tiền 300-500 rupees (tương đương 100-180 nghìn đồng) nếu yêu cầu “thượng đế” sử dụng bao cao su.


Phụ nữ Nepal đang trở thành mục tiêu của đường dây buôn người

Phụ nữ Nepal đang trở thành mục tiêu của đường dây buôn người

Hàng ngày, sau 21 giờ tối, các câu lạc bộ đêm bắt đầu mở cửa. Đội ngũ nhân viên môi giới thường là những bé trai 14-15 tuổi, hồn nhiên chèo kéo du khách và mời chào mọi người sử dụng “dịch vụ tươi mát” sẵn có trong các câu lạc bộ đêm.

Công khai dịch vụ bán... da

Nữ tác giả bài phóng sự hỏi một nhân viên môi giới trẻ: “Anh có da bán cho thiếu nữ đại gia sắp lấy chồng, để xử lý nhiều vết sẹo bỏng trên người?”. “Có thể giải quyết với 50 nghìn rupee”. Và hắn yêu cầu tấm ảnh người mua, để chọn gam màu da thích hợp. Sau 2 ngày, nhân viên đại lý gọi điện thông báo đã có “mẫu hàng”.

“Đã vài năm, da người là mặt hàng giá cao, nhu cầu tiêu thụ lớn. 100 inch vuông (khoảng 650 cm2) da đẹp được bán với giá từ 50 nghìn đến 100 nghìn rupee ở New Dehli hoặc Mumbai. Các nhân viên đại lý đưa phụ nữ đến tận biên giới Nepal - Ấn Độ.

Từ đó, đại lý khác đưa “con mồi” sang Ấn Độ và chuyển cho đại lý tiếp theo. Đại lý thứ 3 thực hiện công đoạn tách bóc da. Người phụ nữ phải ký cam kết “tự nguyện cho hiến da”.

Phụ nữ và trẻ em Nepal cần được bảo vệ
Phụ nữ và trẻ em Nepal cần được bảo vệ

Hành động bán tạng người, kể cả da người, ở Nepal bị coi là việc làm phạm pháp. Tại Ấn Độ, việc buôn bán này cũng bị cấm. Chứng nhận hiến tặng là con đường duy nhất có được tạng người hợp pháp. Và có thể dễ dàng làm giả giấy tờ này.

Việc kinh doanh mặt hàng đặc biệt “hái ra tiền” phát triển đến mức, ngày càng có nhiều người tham gia công việc này. Những đại lý cấp cao bán da phụ nữ cho những phòng thí nghiệm nhỏ, cơ sở chuyên tái tạo mô.

Mô đã tái chế sẽ được chuyển đến mạng lưới những phòng thí nghiệm lớn, một số có thương hiệu nổi tiếng, hoạt động công khai, có giấy phép xuất khẩu các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ sang Mỹ.

Tại Mỹ, chúng được tái chế để sử dụng cho những sản phẩm mỹ phẩm đặc biệt như Alloderm, mặt hàng phục vụ cho những ca phẫu thuật thẩm mỹ như làm nở ngực hoặc làm mọng đôi môi. Gần đây, Ấn Độ cũng là thị trường bùng nổ những dịch vụ này.

Từ bán thận đến bán thân

“Người phụ nữ nào đã bán da, hoặc cơ quan nội tạng dám tố cáo hành vi tội ác? Chúng tôi đã đặt chân đến những địa bàn, nơi mạng sống không đáng giá 1 xu. Tôi đã tận mắt chứng kiến những người phụ nữ từ chối phục vụ khách hàng hoặc định trốn chạy khỏi nhà chứa bị sát hại dã man.

Một nạn nhân nói về mức giá của những mảnh da trên cơ thể
Một nạn nhân nói về mức giá của những mảnh da trên cơ thể

Thi thể họ sau đó bị quăng xuống cống thoát nước thải thành phố. Con trai 2 tuổi của tôi bị khách làng chơi dụi điếu thuốc lá đang hút dở vào lưỡi. Năm nay nó 7 tuổi, vẫn chưa thể phát ngôn bình thường”, chị Rekha, 30 tuổi, người phụ nữ ban đầu bán thận, sau đó trở thành nạn nhân buôn bán người, rơi vào nhà thổ ở Mumbai và Kolkata, lau nước mắt kể.

“Những người phụ nữ tự nguyện bán da thường bị tiêm chích ma túy hoặc thuốc mê, trước khi nhân viên kỹ thuật tách bóc lớp da”, chị Rekha nói thêm. “Đó cũng là khởi đầu dẫn dắt các nạn nhân chúng tôi dấn sâu hơn vào những hang cùng tăm tối và kinh hoàng”.

Theo Vinh Thu
Phụ Nữ Việt Nam