Bi hài "emxi" tiệc cưới quê

Nhà trai, nhà gái đang chúc tụng nhau, MC bắt đầu: “Trăm năm trăm nẳm trăm nằm, đêm nay chắc chắn hai cằm chạm nhau. Cằm chạm nhau... cái đó cũng chạm nhau".

Chọc vui quá đà

 

Tôi đi dự đám cưới đứa cháu ruột ở Nho Quan, Ninh Bình. Đám cưới phải nói là to nhất nhì làng, thuê được MC hoạt náo và có kinh nghiệm. Nhưng đến phần vào buổi lễ, quan viên hai họ, đặc biệt là bố mẹ chú rể phải đỏ mặt tía tai vì xấu hổ.

 

Bởi trong khi nhà trai, nhà gái đang chúc tụng nhau những điều tốt đẹp thì trên sân khấu MC bắt đầu: “Trăm năm trăm nẳm trăm nằm, đêm nay chắc chắn hai cằm chạm nhau... Rồi thì cằm chạm nhau và... cái đó cũng chạm nhau. Bên này là giường đôi uyên ương trẻ, phòng bên kia là giường đôi uyên ương già. Đôi uyên ương già cũng sẽ không ngủ được vì cái chạm nhau đó làm họ rộn ràng, xao xuyến...”.

 

Đã thế, anh chàng MC này còn đế thêm câu: “Tôi nói thế có đúng không ạ, nếu được thì xin quan viên hai họ một tràng pháo tay. Xin cảm ơn, xin cảm ơn!”.

 

Tôi giật áo một người trong ban tổ chức, nói là lên nhắc MC đừng thô quá, thì anh này cười: “Ở quê em nó thế, MC mà chọc vui, làm cho mọi người cười được thì đám mới hay. Mà có chuyện gì làm người ta cười hơn là chuyện nói tục đâu bác”.

 

Năm ngoái, tôi dự một đám cưới ở TPHCM, MC là người khá hoạt náo, từng làm cho nhiều đám cưới người Việt ở Mỹ. Màn kịch bắt cô dâu tìm... trứng đã khiến cho cả hội trường cười chảy nước mắt. MC lấy một quả trứng chim bỏ vào ống quần chú rể. Rồi ông bắt cô dâu lấy tay đẩy quả trứng lên cao và hỏi xem có mấy trứng ở chỗ ấy. Việc tìm trứng khiến cô dâu xấu hổ, nhà trai lúng túng vì nó không có trong kịch bản.

 

Chưa hết, đến khi chú rể rót sâm panh, anh chàng còn hét oang oang: “Quý vị hãy quan sát và cho ý kiến nhé, để xem công lực của chú rể có xịt ra mạnh không! Ra rồi quý vị ơi, rất mạnh, chú rể quả là người chồng tuyệt vời. Xin quý vị một tràng pháo tay ạ!”.

 

Sợ nhất là màn “môi chạm môi”

 

Một lần khác, tôi dự một đám cưới ở Hà Tĩnh mà phải suy nghĩ mãi, không biết có nên khuyên cô dâu chú rể phạt MC hay không. Số là khi giới thiệu gia đình chú rể, anh chàng MC cứ: “Cha chú rể là ông... Mẹ chú rể là bà...”. Trong khi cả hai gia đình đỏ mặt tía tai vì nghĩ mình bị chửi đểu thì sau buổi tiệc, anh chàng MC thanh minh “phải giới thiệu cho mới lạ, đám cưới mà người ta không cười hô hố thì... giống đám tang à”.

 

Có cặp vợ chồng cưới xong kể lại là họ đã sợ nhất cảnh MC bắt “môi chạm môi” giữa bàn dân thiên hạ. Có cô dâu chú rể vừa hôn xong, MC bồi tiếp: “Ai muốn hâm nóng tình yêu cứ tự nhiên như cô dâu chú rể ấy, nhưng chú ý là đừng nhầm người ngồi bên cạnh”. Mọi người được một trận cười, trên sân khấu anh MC như cảm thấy mình vừa làm được việc gì đó vĩ đại lắm.

 

Nhiều người, nhất là người già cho rằng, đi đám cưới bây giờ phong bì, phong bao tốn kém đã đành, không cẩn thận lại bị tăng hoặc tụt huyết áp vì mấy ông MC. Thông thường, người dự phải ngồi chờ ít nhất một tiếng rưỡi mới đến giờ làm lễ. Trong lúc làm lễ, người dự tiệc luôn bị “đau cái tai bên phải, ngứa con mắt bên trái” bởi cách nói năng dẫn dắt của MC. MC nói không kịp thở, nói quá nhiều nên đôi khi họ đã nói luôn cả những điều không biết rõ, những điều không nên nói và lắm khi vô duyên.

 

Nghề “sộp” ở quê

 

Đang là mùa cưới, các MC đám cưới bận liên miên. Nếu ở Hà Nội và các thành phố lớn, phòng cưới phải đặt trước hàng tháng trời thì ở nhà quê, muốn mời MC cũng phải đăng ký trước hàng tháng để họ xếp lịch. Anh bạn tôi ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội vừa gọi điện báo tin đám cưới của cậu con cả phải lùi lại một tuần vì chưa tìm được MC.

 

Ở đây, bình quân mỗi đám cưới MC thu 5.000.000 đồng, trong khi đầu tư cho nghề MC gồm một bộ loa đài khoảng 10.000.000 đồng, một bộ phông màn và 24 chữ cái bằng xốp trắng, hai con chim bồ câu, hai trái tim lồng vào nhau, cũng bằng xốp trắng, tất cả khoảng 3.000.000 đồng. Tất cả chỉ thế thôi. Còn diễn văn thì toàn là bài vở có sẵn, đám cưới nào cũng hôm nay là ngày lành tháng tốt, khi giới thiệu đại diện nhà trai, nhà gái lên phát biểu ý kiến thì bao giờ cũng bắt đầu: “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.

 

Bạn tôi kể, một MC dẫn đám cưới ở Phúc Thọ, Hà Nội ngọng líu ngọng lô: “Nghĩ tới ơn sinh thành, nòng mỗi chúng ta lại nâng nâng xúc động”. Và: “Công cha như lúi Thái Sơn”... nhưng vẫn không bao giờ hết việc làm.

 

Nói về chuyện này, nhiều người than thở: Bây giờ rất khó tìm thấy một đám cưới đúng thuần phong mỹ tục của làng quê Việt. Có đám trẻ nhỏ chăng dây tơ hồng trước đoàn rước dâu, có những bà mẹ chồng bối rối ném muối trắng ra ngõ để đón nàng dâu, cầu mong “muối ba năm muối đang còn mặn”, có bà ngoại cài cây kim băng lên mái tóc cô dâu, có những người già phúc hậu trải chiếu trên chiếc giường cưới cầu mong cho đôi vợ chồng trẻ có con trai, con gái và sống với nhau hạnh phúc cho tới lúc “đầu bạc - răng long”. Đám cưới bây giờ là phụ thuộc vào MC, vui hay không do MC, sang hay không cũng do MC và tất cả đều phụ thuộc vào số tiền đặt cọc.

 

Theo Gia đình & Xã hội