Bi hài chuyện đi lấy con...“giống”!

Rụt rè gõ cửa, nam thanh niên giọng thỏ thẻ, ngại ngùng:“Không lấy được bác sĩ ạ!”. Bác sĩ lắc đầu nói với cả chúng tôi và chàng trai: “Đấy! Cái ở trong mình, mình còn không lấy được thì phải làm sao?”.

Chàng trai kia quay lại phòng lấy tinh trùng, hạ quyết tâm một lần nữa… Quả thật ở trung tâm hiếm muộn, nhiều câu chuyện vui, buồn lẫn lộn vẫn diễn ra.

Phòng xét nghiệm tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện. (Ảnh: Gia đình & Xã hội).
Phòng xét nghiệm tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện. (Ảnh: Gia đình & Xã hội).

Quyết không bỏ khẩu trang vì sợ... lộ mặt

Với mong muốn có được đứa con, nhiều cặp vợ chồng đã vượt qua biết bao nhiêu khó khăn rào cản. Chị Hiền (ở thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã có “thâm niên” 8 năm đi hết trong Nam, ngoài Bắc chữa hiếm muộn. Chị Hiền kể: “Các ông chồng vào đây chẳng còn ngại ngùng gì. Lúc nào rồi mà còn ngại. Bác sĩ bảo các ông đi lấy tinh trùng là răm rắp vào phòng tự lấy. Có anh ngoài 40 tuổi, đi vào rồi lại ra mấy lần không được. Ai cũng vừa buồn cười vừa tội nghiệp. Rồi có mấy thanh niên trẻ hơn bày cho ra nhà nghỉ, nhờ “chân dài” lấy hộ. Cuối cùng bác phải làm theo phương án đó thật”.

Ngồi sụp xuống hành lang của Bệnh viện Phụ sản Trung ương sau khi nhận được kết quả xét nghiệm tinh trùng, anh Hoàn (ở Việt Trì, Phú Thọ) mặt rầu rĩ, miệng không nói nên lời. Còn vợ anh ngấn lệ. Kết quả xét nghiệm cho thấy, tinh trùng của anh Hoàn rất kém. Anh không hiểu những thuật ngữ chuyên môn kiểu “tiến tới nhanh 0%, tiến tới chậm 1%, không di động 94%” nhưng anh biết được một điều rằng, khả năng có con tự nhiên ở anh là không thể.

Trước đó, trải qua gần 2 giờ đồng hồ ngồi chờ kết quả xét nghiệm tinh trùng của chồng, vợ anh Hoàn không giấu được vẻ lo lắng. Cả hai vợ chồng không nói với nhau một lời, có lẽ vì quá căng thẳng. Anh chị kết hôn đã gần 3 năm mà vẫn chưa có con. Bao nhiêu loại thuốc bổ dưỡng từ Đông y đến Tây y, cả hai người đều đã uống, vậy mà chị vẫn chưa thể mang bầu. Trước khi biết mình khó khăn trong việc thụ tinh, anh Hoàn đã bỏ hẳn rượu. Nghề kinh doanh của anh bỏ hẳn rượu đã là nỗ lực lớn. Tuy nhiên, thành công vẫn chưa mỉm cười với anh.

Ngồi cùng hàng ghế với vợ chồng anh Hoàn là chị Linh và chồng (ở Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội) cũng đứng ngồi không yên. Chị Linh bảo: “Vợ chồng tôi kết hôn đã năm rưỡi rồi mà vẫn chưa có con. Gia đình hai bên sốt ruột cứ gọi điện giục liên hồi, nhưng chồng mình xấu hổ, sợ đi khám cái này người ta đánh giá nên không chịu đi. Bây giờ sốt ruột quá mới chịu đi khám. Khổ nỗi suốt từ hôm đến viện để khám và xin tư vấn cho đến nay, anh ấy lúc nào cũng đeo chặt cái khẩu trang, không chịu bỏ ra”. “Đã vào đến đây thì ai chẳng giống ai, có gì mà phải xấu hổ” - vừa nói, chị vừa liếc chồng một cái sắc lẹm. Nhưng kệ, anh chồng vẫn ngồi cúi mặt.

Đặt tên con theo tên... bác sĩ!

“Được bác sĩ cho biết mình đã có thai mà có lúc vẫn giật mình thảng thốt: Liệu có đúng là mình mang bầu thật không? Các bác sĩ ở đây đã cho mình niềm hạnh phúc quá lớn là được làm mẹ”, đôi mắt ngân ngấn lệ, chị Nguyễn Thị Nga (39 tuổi, ở Yên Sơn, Tuyên Quang) giọng lạc đi vì xúc động khi nói về đứa con đang lớn lên trong bụng, kể từ khi chị làm IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) thành công tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Bưu điện Hà Nội).

Suốt 8 năm ròng rã chạy chữa, 8 lần chuyển phôi, kể cả trữ phôi lạnh, cuốn đi của gia đình chị hàng trăm triệu đồng. Tiền nhà, tiền đi vay cứ “đội nón ra đi” mà kết quả vẫn là con số 0. Sự chờ đợi mỏi mòn, sự tuyệt vọng sau những lần thụ tinh ống nghiệm thất bại dường như cướp đi cả khao khát làm mẹ của chị.

Tình cờ biết người bạn làm thụ tinh ống nghiệm thành công tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản nói trên được 1 trai, 1 gái, vợ chồng chị Nga quyết định thử vận may. Cuối cùng chị đã được toại nguyện.

Câu chuyện của chị Nga khiến chúng tôi nhớ lại tâm sự của chị Trần Thị Hải Vân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ở ngưỡng tuổi 40 nhưng chị chưa được làm mẹ bao giờ. Sau khi thụ tinh ống nghiệm thành công, lúc thai nhi trong bụng chị được 6 tuần tuổi thì dọa sẩy. “Bước lên bàn siêu âm, tôi hoang mang, run lẩy bẩy. Lúc ấy BS Nhã - Phụ trách Trung tâm Hỗ trợ sinh sản đã cầm lấy tay tôi, bảo: “Ông trời phù hộ cho Vân không làm sao!”. Mình ấn tượng mãi, nhớ mãi câu nói đó bởi cô ấy không còn là bác sĩ mà như người thân của chúng tôi. Bất kể có dấu hiệu gì bất thường, mình đều gọi điện cho BS Nhã và được bác sĩ hướng dẫn, an ủi, động viên”, chị Vân chia sẻ.

Trò chuyện với chúng tôi, BS Nhã cười hạnh phúc: “Nhiều đôi thành công từ đây rồi. Có cô khi hay tin đã có bầu sung sướng nói với tôi, đứa con này trai hay gái gì thì em cũng sẽ đặt tên là Nhã. Quả thật, sau khi sinh con ra vợ chồng nhà ấy đặt tên con là tên mình thật”. Được biết hiện nay, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Bưu điện Hà Nội đã triển khai hầu hết các kỹ thuật như IVF, IVF/ICSI (thụ tinh trong ống nghiệm với kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng), kỹ thuật PESA/ICSI (thụ tinh trong ống nghiệm bằng tinh trùng lấy từ mào tinh hoàn)… Do đó, đã mở ra hy vọng thành công cho hầu hết các nguyên nhân vô sinh mà trước kia tưởng chừng như bó tay, như trường hợp tinh trùng quá yếu, xét nghiệm không thấy tinh trùng trong mẫu tinh dịch… Tỷ lệ thành công hiện nay của Trung tâm được thống kê tháng thấp nhất là 41%, tháng cao lên tới 51%.

Vợ “cầm tay chỉ việc”

“Lần đầu đi khám như thế này nên anh ấy xấu hổ lắm, đi đến đâu cũng cứ sợ người ta nhìn rồi đánh giá. Thậm chí vào đây còn đeo khẩu trang. Lúc bác sĩ đưa cho cái lọ thủy tinh bảo đi lấy tinh trùng, anh ấy còn mặt đỏ tía tai, luống cuống vì không biết phải làm thế nào. Sau em phải rỉ tai chỉ cách rồi động viên thì anh ấy mới tự tin”.
(Tâm sự của vợ anh Hoàn ở Phú Thọ)

Theo L.Mỹ- H.Phương
Báo Gia đình & Xã hội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm