Bi hài chuyện con dâu nựng con dọa đánh cả mẹ chồng
(Dân trí) - Làm dâu không hề dễ dàng, nhất là khi con dâu so với nhà chồng quá khác nhau về hoàn cảnh và điều kiện sống. Em về nhà chồng vốn đã không được mẹ chồng hồ hởi đón nhận. Mặc cảm mình nghèo khó, sợ con dâu cậy có của khinh người chính là điểm yếu của mẹ chồng em, nhưng hình như em lại không để tâm đến điều đó.
Mẹ chồng cố tình làm khó em, chị nghĩ không phải vì ghét bỏ, mà là vì em cư xử vốn cũng không được khéo. Nhà còn mẹ chồng đó, muốn mua sắm sắp đặt thay đổi cái gì, sao không thể hỏi ý kiến mẹ chồng một câu. Mẹ chồng thích ăn món gì, khẩu vị của bà ra sao, em tiếc chi một câu thăm dò ý tứ mà lại cứ mua theo ý thích của mình để bà hờn trách?
Em sinh con, vì mẹ ruột bận làm ăn nên chỉ một tay mẹ chồng trông lo giúp đỡ. Bà không có của nhưng bà có công. Việc em nói mẹ mình bận nên không trông giúp, con bất đắc dĩ mới để bà nội trông, chính là thâm tâm em cũng có thành kiến với mẹ chồng.
Còn chuyện cái câu nựng con của em, “con ở nhà không ngoan thì mẹ về đánh cả bà lẫn cháu” không cần biết nó là vô tình hay cố ý, nhưng xét toàn diện thì nó là sai. Ngay người ngoài như chị đây nghe câu nói ấy còn thấy chướng tai, huống chi người nghe lại là mẹ chồng em, lại còn vốn không ưa em nữa. Cái câu nói ấy, ngẫm cho kỹ chẳng phải là em có ý cho rằng bà ở nhà có mỗi việc trông cháu mà không xong thì coi chừng, đúng không? Chị hiểu nó là như vậy.
Lỡ sai rồi thì nhận lỗi, nhưng cái cách em xin lỗi mẹ chồng cũng không hề có thành ý. “Nếu mẹ thấy con nói vậy không được thì coi như con sai”, tức là em cũng không hề cho rằng câu nói ấy là vô lễ, mà do mẹ chồng chấp nhặt, khó khăn với em. Lại còn hỏi mẹ chồng thấy con trai đánh con dâu như vậy đã hài lòng chưa. Thật tình, chị không biết em đang nghĩ cái gì nữa.
Chồng em đánh em là không đúng. Là cậu ấy cũng có chút gia trưởng, cũng đứng về phe mẹ nhiều hơn. Đúng ra cậu ấy nên đợi em về, ba mặt một lời nói cho rõ ràng rồi hạ hồi phân xử. Thực ra thì chồng em cũng giống mẹ em, mang tâm lý mình là kẻ nghèo hơn, lúc nào cũng sợ vợ coi thường khinh khi. Chính cái thái độ không khéo của em càng khiến họ có suy nghĩ như vậy.
Em với gia đình chồng có thể có nhiều chỗ chưa hiểu nhau, chưa hòa hợp, bản thân em hình như cũng chưa cố gắng bằng tấm chân tình của mình. Hôn nhân nghĩa là người ta phải học cách sống chung, học cách chấp nhận nhau. Mới chút mâu thuẫn đã thấy mình thiệt thòi, đã nghĩ mình sai lầm lạc lối, thì chẳng có cơ sở gì để mong tương lai sẽ êm ấm tốt đẹp cả.
Thật ra chị thấy, bản thân em cũng luôn tự thấy mình thiệt thòi. Em nghĩ mình con nhà giàu, chịu lấy chồng nghèo, làm dâu nhà nghèo thì họ phải thương em, phải cảm kích em, phải tốt với em. Khi không được vậy thì em thấy không công bằng dẫn đến bày tỏ thái độ không đúng mức. Là chính em cũng đưa em vào thế khó.
Quan trọng nhất là em nên nói chuyện với chồng, nói thế nào để chồng em hiểu em không hề có ý coi khinh nhà chồng hay thế này thế nọ. Hai người yêu nhau rồi mới lấy chứ chẳng ai ép buộc gì, chăc chắn cũng có chút hiểu, chút thương nhau. Em đã không được lòng mẹ chồng, nay còn làm cho chồng em nghĩ này nghĩ nọ không tốt về em. Cuối cùng em là người thua không bàn gỡ. Mẹ chồng không bênh đã đành, đến chồng cũng không bênh mình, thì em thử xem lại xem, có đúng là do mình thiếu sót không?
Còn nếu như em thấy bản thân mình cố gắng lắm rồi, là vợ hiền dâu tốt rồi mà mẹ chồng cứ gây khó khăn, chồng cứ bạo lực kiếm chuyện thì hãy nghĩ đến đường lui cho mình. Thời buổi giờ, không sống chung được thì đường ai nấy đi, đó cũng coi như là một cách giải quyết.
Phản hồi của độc giả Thanh Mai
Mời bạn tham gia bình luận gỡ rối cho các bài viết trong chuyên mục "Chuyện của tôi" bằng cách nhập "Nội dung bình luận" phía cuối bài và ấn nút "Gửi bình luận". Các bình luận thú vị, có giá trị sẽ được chọn đăng trên chuyên mục Tình yêu - Giới tính và nhận nhuận bút từ Tòa soạn.
Trân trọng!