Bi hài chuyện ăn Tết nhà người yêu

(Dân trí) - Năm mới không chỉ là dịp quây quần họ hàng, làng xóm mà còn là dịp thể hiện tình cảm của những đôi yêu nhau. Thế nhưng quanh chuyện đến nhà người yêu dịp Tết cũng lắm màn cười ra nước mắt.

Luống cuống quá hoá nhầm

 

Yêu nhau gần hai năm nhưng Tết con chuột này Vy mới dám đưa Dũng về ra mắt. Chẳng là Dũng cũng “đầu hai đít chơi vơi”, còn Vy sang năm tới tính tuổi mụ là 25, vừa đẹp để lấy chồng.

 

Làm việc trong viện nghiên cứu nên Dũng không được năng động hiện đại như ai, bù lại anh hiền lành, chân thật và yêu chiều Vy hết mực, khiến cô cảm thấy an ủi khi so về thu nhập của chồng sắp cưới với những người bạn có chồng làm kinh doanh.

 

Biết con gái Tết này dẫn người yêu về ra mắt, gia đình Vy không quên chọn ngày lành tháng tốt rồi thông báo cho họ hàng, làng xóm biết để đến xem mặt chú rể.

 

Y hẹn, mùng 3 Tết Dũng ăn mặc chỉn chu đến nhà người yêu. Biết nhà nàng đông con nhiều cháu, Dũng chuẩn bị khá kĩ một loạt phong bao lì xì để lấy lòng lũ trẻ.

 

Chẳng biết lần đầu ra mắt ông bà nhạc, hay do tính đãng trí của người làm khoa học mà bao lì xì bọn trẻ nhà người yêu anh lại để lẫn với phong bao mừng tuổi con sếp và con những vị có chức sắc ở cơ quan. Mừng tuổi cho đứa này, thấy ánh mắt háo hức của đứa kia chả lẽ lại không, nên dù biết cái bao này dành cho con sếp Tổng, cái kia dành cho con trưởng phòng mà Dũng vẫn không thể không rút.

 

Sau khi chàng rể tương lai ra về, quan viên hai họ nội ngoại nhà Vy ngồi bàn bạc về hình dáng, tính cách chàng. Lũ trẻ cũng nhân tiện khoe bố mẹ về số tiền được chú Dũng lì xì.

 

Thấy chàng rể là người hào hiệp, cả họ không khỏi chúc mừng Vy có con mắt tinh đời, kén được chồng vừa tốt nết lại thu nhập cao. Ông trưởng họ muốn mát mặt gia đình nên tuyên bố xanh rờn: “Cả đời mới có một lần. Nó lắm tiền thì tiếc gì không tổ chức một đám cưới hoành tráng để thiên hạ thấy cháu mình có giá”.

 

Thế là, người đề nghị đám cưới nên thêm cái này, người ý kiến bổ sung mục kia để thêm phần hoành tráng cho đám cưới. Chỉ khổ cho Vy, vừa bực mình vì tính hay quên của người yêu, vừa không biết thanh minh với họ hàng về thu nhập không lấy gì làm cao của anh để bình thường hoá đám cưới của hai người xuống.

 

Khi bố vợ hợp cạ con rể

 

Là dân mĩ thuật, sẵn có máu văn nghệ trong người, nên nghe tin được bố vợ tương lai vốn là nhạc sĩ nghiệp dư mời đến nhà ăn Tết, Khánh không khỏi mừng thầm vì có cơ hội lấy lòng hậu phương.

 

Sau màn chào hỏi thông thường, bố vợ và con rể đàm đạo chuyện làng văn, làng nhạc. Câu chuyện vào cầu, bố vợ quyết định mời con rể mấy chén rượu cho thêm phần sôi nổi.

 

Biết tửu lượng mình kém, nhưng trước sự nhiệt tình của bố vợ, Khánh vẫn vui vẻ hầu rượu ông.

 

Rượu vào lời ra, những kỉ niệm thời bé của cô con gái rượu được bố Hoa kể không chút giấu giếm. Ông cũng không ngại kể cho con rể tương lai nghe chuyện những mối tình cũ từ thời “xưa như trái đất” mà mẹ con Hoa đã thuộc từ lâu.

 

Được bố vợ “bật đèn xanh”, chàng rể cũng “được lời như cởi tấm lòng”, bao chuyện tình yêu từ thời cắp sách đến trường Khánh miêu tả chi tiết để chứng tỏ chàng “đào hoa” không kém bố vợ. Thậm chí, bức tranh vẽ cô bạn này, lần đi sáng tác bị em kia hớp hồn cũng được Khánh tâm sự cùng nhạc phụ.

 

Khỏi phải nói ánh mắt Hoa sắc thế nào khi từng lời Khánh thốt ra. Thậm chí, cô còn lấy điện thoại ghi âm để khi tỉnh rượu Khánh “hết đường chối cãi”.

 

Bố vợ uống rượu ngủ say, tỉnh dậy quên hết, nhưng Hoa thì không. Lúc tỉnh rượu cũng là khi Khánh phải tường trình về những thiên tình sử trong lúc bay bổng cùng hơi men anh đã cả gan dốc bầu tâm sự.

 

Không dừng lại ở đó, cứ mỗi lần giận dỗi là mỗi lần đoạn băng ghi âm được Hoa tua đi tua lại để thấy cô đã thiệt thòi thế nào khi là người đến sau.

 

Năm mới đến nhà người yêu chúc Tết sẽ làm xích lại tình cảm giữa hai bên. Nhưng hồi hộp đến mức nhầm lẫn, hoặc nể nang bố vợ để rượu vào lời ra thì thật đáng tiếc. Nên tùy vào điều kiện và khả năng của mình để chọn cách ứng xử phù hợp, tránh làm mất vui hay gây ra những hiểu lầm không đáng có mỗi dịp Xuân về.

 

Thanh Tâm