Bệnh…tưởng!

Một buổi trưa, ông Hoành - nguyên cán bộ Mặt trận thấy có một chị bán hàng rong cứ đi đi lại lại trong khu tập thể mà không thấy rao bán hàng như những người bán hàng rong khác.

Ông liền cảnh giác hỏi: “Bà bán hàng hay muốn tìm ai?”. Chị bán hàng cười: “Em đang tìm để xem căn phòng 106 ở khu nhà này, thấy họ rao bán trên mạng”. “Á à. Phòng đó là nhà ông Nhung. Ông Nhung đang cần bán nhà. Nhưng nói thật nhé: Căn phòng đó đắt đấy. Bà có đủ tiền không mà dám đến xem? Hay lại môi giới kiếm vài đồng?”. Người phụ nữ bán hàng rong đỏ bừng mặt. Chị không nói gì, chỉ lặng lẽ quay chiếc xe đạp thồ rau quả đi ra.

Ngày hôm sau có chiếc ô tô đỗ xịch trước khu nhà. Một thanh niên trẻ có vẻ đại gia mở cửa bước ra. Lại gặp ông Hoành: “Chào bác ạ! Cháu hỏi thăm căn phòng 106 xin bác chỉ giùm”. “Cậu mua nhà hay đến chơi thăm chủ nhà?”. “Dạ cháu đến mua nhà”. “Ờ, cậu mua còn có lý. Chứ hôm qua một mẹ bán hàng rong đến hỏi mua căn phòng ấy làm tôi khó tin...”.

Hai tuần sau, ông Hoành được ông Nhung mời đến uống bia liên hoan chia tay. Ông Hoành nói giọng buồn buồn: “Ông chuyển đi làm khu ta mất một cây văn nghệ cự phách. Sắp tới thi văn nghệ toàn phường, tôi biết trông vào ai?”. Ông Nhung an ủi: “Khó gì, khu ta đầy người biết hát hò”. “Ối dào!” - ông Hoành trề môi - “Người biết hát thì khối, nhưng hát hay để được giải như ông thì bói không ra”.

Ông Nhung chuyển đi được 2 hôm thì xuất hiện chiếc ô tô tải Thành Hưng trước căn phòng 106. Đón chiếc xe tải ấy là người phụ nữ bán hàng rong chứ không phải anh chàng đại gia đi xe xịn. Ông Hoành gần như cứng đờ mặt khi nhìn thấy người hàng rong hôm nào đang dỡ đồ đạc từ cái xe tải kia khuân vào nhà. Vẫn chưa tin, ông liền đến hỏi han: “Bà mua căn phòng này và đến đây ở đấy à?”. Người phụ nữ ngẩng lên, lúng túng: “Em ít tuổi hơn bác, bác đừng gọi là bà. Vâng, thưa bác, từ hôm nay em là thành viên trong khu tập thể này bác ạ!”. Ông Hoành cười nhạt: “Thành viên danh nghĩa thôi chứ bà đi bán hàng suốt cả ngày, tham gia được gì đâu mà nhờ”. Người phụ nữ thanh minh: “Em bận đi bán hàng nhưng nếu có việc gì cần tham gia hoặc đóng góp, các bác cứ hô hào. Em sẵn sàng hưởng ứng”. Ông Hoành lại cười khẩy: “Vâng, đợi đấy mà các bà sẵn sàng”.

Nhưng ông Hoành thật không ngờ. Hôm nay ông vừa viết thông báo trên bảng tin việc ủng hộ quỹ “Vì người nghèo”, buổi tối đã thấy chị thành viên mới đến nhà ông: “Em đóng góp 100 ngàn bác ạ”. Chị ta về rồi, ông thầm hỏi: “Bà này bán hàng rong sao mua được nhà? Sao ủng hộ gấp mấy người khác nhỉ?”.

Mấy hôm sau đi họp Hội Cựu chiến binh, ông Hoành lại ngạc nhiên tiếp: Ô, chị ta cũng cựu chiến binh? Nhưng ngạc nhiên hơn cả là khi ông Hoành thông báo rằng khu ta phải có tiết mục dự thi văn nghệ sắp tới thì chị thành viên mới liền giơ tay: “Tôi xin đăng ký tiết mục hát chèo tự biên tự diễn với nhan đề: Hát mừng non sông đổi mới”. Thật vui mừng khôn xiết. Ông Hoành như “chết đuối vớ được cọc”.

Thế rồi không ngờ, tiết mục hát chèo của chị đạt giải Nhất toàn phường. Ông Hoành cùng các cựu chiến binh vui lắm, họ mang hoa lên tận sân khấu chúc mừng chị - bà hàng rong hôm nào ông vẫn coi thường. Và hôm nay ông Hoành càng kính phục người phụ nữ đó bởi ông được biết: Chị là vợ liệt sĩ. Sau hai chục năm làm lụng chắt bóp có món tiền và nuôi đứa con trưởng thành, chị đã trả căn nhà chồng ở quê cho chú em chồng để lên thành phố làm nghề bán hàng rong sinh sống với con. Con chị chính là chàng trai lái xe ở một cơ quan hôm nào đến hỏi mua nhà mà ông Hoành cứ tưởng nó là đại gia.

Theo Hạnh Mi
PNVN