"Bênh" vợ trước mặt mẹ

Đến bữa ăn, anh Minh thường kiếm cớ “hoạnh họe” vợ, và mỗi lần như thế, mẹ anh đều chằm chặp bênh con dâu.

“Nếu sống chung với bố mẹ, bí quyết để bênh vợ, bảo vệ vợ trước các cụ là không bênh ra mặt”, anh Minh, 28 tuổi, sống ở Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội, kết luận. Anh tự hào vì có một “chiêu độc” để bố mẹ mình chẳng những không hoạnh họe con dâu mà còn chăm chút, quan tâm đến cô. 
 
"Bênh" vợ trước mặt mẹ - 1

 

Minh là con út trong gia đình có nhiều con gái, hình thức lại trắng trẻo xinh trai nên dù đã lấy vợ, anh vẫn là cục cưng của bố mẹ. Hồi còn độc thân, bạn bè thường nói sẽ rất khó cho cô gái nào về nhà anh làm dâu. Rồi khi anh có người yêu, một cô kế toán tên Loan, phán đoán trên lại càng được đưa ra thường xuyên hơn bởi Loan được Minh chiều từng ly từng tí, thậm chí có phần lấn lướt người yêu. Chính Minh cũng lo rằng, khi lấy nhau, bố mẹ anh sẽ “ngứa mắt” nếu thấy con dâu hớp hết hồn vía cậu ấm.  

 

Vì thế, ngay từ khi Minh mới cưới vợ, bố mẹ anh đã mắt tròn mắt dẹt khi thấy cậu con trai “bé bỏng” của mình tỏ ra là một ông chồng hắc xì dầu. Hễ Loan làm món gì là anh nhăn mặt: “Sao em lại nấu thế này? Em nên nhờ mẹ hướng dẫn cho…”.

 

Nhiều lần Minh cố ý chê theo kiểu “sao không hâm nước mắm” trước mặt phụ huynh khiến bà Hải mẹ anh bật cười. Nhìn cô con dâu vốn sắc sảo nhưng vẫn chớp chớp mắt nghe chồng chê bai, không dám cãi nửa lời, tự nhiên bà thấy thương. Thế là mỗi lần nghe con hoạnh họe vợ, bà đều bênh chằm chặp. Hễ làm món gì ngon, bà đều háo hức hướng dẫn tỉ mỉ cho con dâu.

 

“Tôi áp dụng chiêu này vì biết tâm lý phụ nữ, nếu thấy con trai lúc nào cũng chăm chút vợ thì tự nhiên ác cảm với con dâu, nhưng nếu con trai ra vẻ gia trưởng một chút là lập tức nảy sinh sự đồng cảm, rồi thông cảm. Được cái vợ tôi thông minh, chồng không cần bàn trước nhưng vẫn biết phối hợp rất ăn ý trong vụ này”, Minh cười.

 

Còn anh Thiên, sống ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, lại có cách khác để “bắc cầu tình cảm” giữa mẹ và vợ. Lần đầu tiên về quê ra mắt mẹ chồng tương lai, Yến, vợ anh, đã nhận thấy bà cụ không ưa mình. Xét đi xét lại, thấy mình chẳng có gì không phải hay kém xứng đáng với Thiên, cô thấy  bực bội và cũng sinh ác cảm với bà.

 

Thực ra, sự kém niềm nở của mẹ Thiên chẳng qua do bà quá e ngại khi thấy con đưa về một cô gái Hà Nội xinh đẹp, sang trọng, kiểu cách, khác hẳn với kiểu chân quê của bà, rồi từ e ngại đâm ra xa cách. Chỉ vì thế mà cả hai người không có cảm tình với nhau, điều này càng rõ khi Thiên đón mẹ lên Hà Nội sống chung.

 

Thế nhưng vài năm gần đây, hai người phụ nữ ngày càng yêu mến và gắn bó với nhau hơn. Họ cảm kích về nhau mà không biết rằng, tất cả bắt nguồn từ sự “dối trá”, “có ít xít ra nhiều” của Thiên. Một đêm, anh thủ thỉ với vợ: “Anh xin lỗi vì gần đây em mệt mà anh không biết để chăm chút. Lúc chiều mẹ hỏi tại sao đợt này em gầy thế, anh đang chưa biết nói sao thì mẹ mắng là vô tâm, không biết quan tâm đến vợ. Mẹ cứ nói quá, thực ra bao giờ anh chẳng quan tâm đến em”.

 

Nghe thế, Yến thực sự cảm động, vì dạo này chị quả thật hơi mệt, nhưng biểu hiện không quá rõ rệt mà mẹ chồng vẫn nhận ra. Tự nhiên, chị cảm thấy lâu nay mình nghĩ không đúng về bà. 

 

Với mẹ, Thiên bảo: “Vợ con nói dạo này thấy mẹ buồn buồn, hay mẹ nhớ quê? Cô ấy cứ giục con xin nghỉ phép cùng đưa mẹ về thăm các bác, bác dì ít bữa, tiện thể thăm mộ bố, nhưng con bận quá”.  Mẹ Thiên thấy lòng chùng xuống, nghĩ: “Đúng con trai là chúa vô tâm, mẹ buồn cũng vợ nhắc mới biết”. Sau nhiều lần tương tự, mẹ Thiên dần dần thấy mình thương nàng dâu như con gái. Bà nói với họ hàng: “Trông cái Yến ăn chơi thế thôi chứ nó biết nghĩ lắm”. 

 

Thiên cho biết bây giờ thì anh không phải bịa đặt với cả hai bên nữa, vì tình cảm và sự quan tâm mà mẹ và vợ anh dành cho nhau là điều có thật.

 

Những mẹo khơi gợi tình cảm của mẹ đối với vợ của Thiên và Minh đều xuất phát từ việc hiểu rõ những tính tốt, chỗ yếu trong tình cảm của mẹ để tìm cách “đánh” vào đó. Mặt khác, giữa hai người phụ nữ chưa có mâu thuẫn sâu sắc. Với trường hợp gia đình anh Lực, quận Tây Hồ, Hà Nội, tình hình khó hơn rất nhiều, và cách anh áp dụng cũng trái ngược với Minh: bênh vợ ra mặt. 

 

Mẹ Lực rất ghê gớm, từng làm cho chị dâu anh bị trầm cảm vì quá sức chịu đựng. Bà tỏ ra ghét Hạnh, vợ anh, ngay từ đầu, trong khi cô cũng không phải tuýp người nhẫn nhục. Trước khi cưới, anh cam kết với vợ: “Khi em và mẹ có chuyện, trước mặt mọi người, anh sẽ luôn đứng về phía em dù em đúng hay sai, sau đó hạ hồi phân giải”. Tuy nhiên, anh cũng yêu cầu Hạnh không phản ứng gay gắt khi có xung đột, mà nên nói lại với chồng để anh làm cầu nối. 

 

Với thỏa thuận đó, Hạnh không phải ra mặt “cãi nhau” với mẹ chồng, khiến bà ít có cớ để bắt bẻ, gây sự với cô như với nàng dâu cả. Hạnh cũng đồng ý với chồng rằng, bố mẹ không phải là đối tượng để cãi lý hay phân định rạch ròi ai đúng ai sai, chỉ cần trong nhà yên ổn là tốt rồi. Mẹ Lực tuy cũng muốn thể hiện quyền uy nhưng trước thái độ bênh vợ  rõ ràng của con trai đã không dám làm quá, nhất là anh cũng tuyên bố rõ rằng Hạnh không được hỗn láo với mẹ.

 

Theo bà Trần Thị Hồng Hà, Trung tâm tư vấn Tình yêu, hôn nhân và gia đình, câu chuyện của ba người đàn ông này chứng tỏ một điều, người chồng có vai trò quan trọng đối với mối quan hệ giữa mẹ chồng - nàng dâu khi họ sống chung. “Anh ta là người đứng giữa, là người chiếm được tình yêu của cả hai người phụ nữ. Vì vậy khi có mâu thuẫn, người đàn ông có trách nhiệm hòa giải rất lớn. Khi không có mâu thuẫn, anh ta là chiếc cầu giúp mẹ và vợ hiểu nhau, gần gũi nhau hơn”, bà Hà nói. 

 

Tuy nhiên, cách hòa giải, làm cầu nối như thế nào lại phải tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, như tính cách của người mẹ, người vợ, mức độ tình cảm hay mâu thuẫn giữa họ… “Một biện pháp tuyệt vời với gia đình này lại có thể gây hỏng việc khi áp dụng cho gia đình khác, vì vậy các ông chồng sẽ không thể tùy cơ ứng biến hay vạch ra những “chiến thuật” hợp lý nếu không thực sự quan tâm, gần gũi để hiểu rõ người thân của mình.

 

Theo Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm