Bệnh "ở ẩn" của đàn ông
"Có những lúc chồng em đi làm về là buông xuôi tất cả, đọc sách, xem ti vi một mình hoặc chui vào phòng chơi game; hỏi gì cũng ậm ừ cho qua chuyện. Gặng mãi thì anh ấy bực dọc, quát mắng, có khi còn đùng đùng đi khỏi nhà....".
Con "bệnh"
Chị Thu Minh khẳng định: "Phải giận nhau mới không thèm nói chuyện với nhau". Vì vậy, chị ngày càng lo lắng mỗi khi thấy chồng chẳng buồn nói một câu với mình dù trước đó chưa hề "bùng nổ chiến tranh".
Chị để ý, anh xuất hiện "triệu chứng" chui vào phòng một mình khoảng 1 tuần/lần. Chị vào, thấy anh nằm ghế đó, đọc một đống sách báo, chán lại đánh cờ tướng với... máy vi tính, trong khi vợ con đang vui vẻ ngoài phòng khách.
Khi chị gặng hỏi: "Anh buồn vợ con chuyện gì à?", anh vẫn dán vào tờ báo, trả lời hờ hững: "Có gì đâu". Chị vặn hỏi thêm: "Không có chuyện gì sao anh lại trốn vào đây?". Anh nổi cáu: "Mệt quá, không lẽ anh không được làm những gì theo ý mình?". Chị Minh oà khóc: "Mẹ con em không quan trọng đối với anh nữa mà, anh muốn làm gì thì làm", rồi bỏ ra khỏi phòng.
Còn với chị Lan Anh thì: "Thỉnh thoảng anh ấy lại "trở trứng". Có khi nằm cạnh vợ mà anh ấy gác tay lên trán, nhìn trần nhà trong khi tôi đang kể những gì đã xảy ra trong ngày ở nhà. Lay mãi, anh ấy mới giật mình, trả lời vài câu chẳng ăn nhập gì đến chuyện vợ đang nói.
Hỏi "Anh đang nghĩ gì vậy?" thì thấy anh tỏ vẻ khó chịu "Có nghĩ gì đâu", "Không nghĩ gì sao không nói gì với em cả? Bình thường với mọi người, anh nói nhiều lắm mà. Chẳng nhẽ anh không có chuyện gì để kể em nghe?". Anh nổi giận: "Đâu phải lúc nào anh cũng có chuyện để kể cho em nghe. Đâu phải lúc nào anh cũng phải tập trung nghe em nói. Anh lấy vợ hay bị cầm tù vậy? Không thoải mái với nhau một chút được sao?".
Chị Thanh Trúc cũng nặng trĩu một tâm sự: "Thứ bảy trong tuần, tôi đi làm về, mệt lả người còn phải ghé chợ, chuẩn bị bữa cơm cho cả nhà, trong khi anh ấy làm việc cơ quan nhà nước nên được nghỉ hai ngày cuối tuần. Gồng mình lo cho chồng con bữa tối, tắm rửa xong đã 9h. Tôi mở cửa, chưa kịp kể những chuyện "quan trọng" như chuyện ở công ty, chuyện học của con... thì anh ấy đã dán mắt với trận bóng đá ngoại hạng Anh. Tôi càng kiên nhẫn, gợi chuyện thì anh lại càng thờ ơ.
Tôi cố gắng thử thêm một lần nữa: "Tiền điện tháng này... ". Anh ấy lại ngắt lời bằng một câu chẳng ăn nhập gì với lời tôi đang nói: "Trời, khung thành trống mà còn đá không vô thì làm ăn được gì". Tôi gào: "Anh bị làm sao vậy? Anh có còn sống trong gia đình này nữa không?". Lúc này, anh tỏ vẻ khó chịu: "Thì anh còn ngồi lù lù một đống đây chứ mất đi đâu, chẳng lẽ anh không được tự do xem một trận đá bóng? Có chuyện gì, ngày mai chủ nhật rảnh rang rồi nói". Tôi không còn biết nói gì hơn, chỉ biết ngậm ngùi tự hỏi, chẳng lẽ gia đình tôi sẽ đi đến đổ vỡ khi chồng quá xem nhẹ chuyện nhà".
Bốc "thuốc"
Khi phụ nữ stress, họ thường có nhu cầu được nói thật nhiều và cần người nghe; ngược lại, khi người đàn ông stress, họ muốn được im lặng, tìm một chốn riêng, làm những gì mình thích mà không muốn bị ai quấy rầy, kể cả vợ con.
Thực tế, nếu hai vợ chồng cùng có nhu cầu được xả stress sẽ xảy ra trường hợp: chồng muốn trốn vào góc riêng, vợ thì bám theo để "làm phiền", vậy là xảy ra xung đột. Khi đó, người vợ dễ hiểu lầm là bị chồng bỏ rơi, thờ ơ với mình. Không ít trường hợp còn nghi ngờ chồng đã chuyển mối quan tâm đến... một phụ nữ khác, sự việc càng thêm rắc rối.
Khi người chồng tức giận hoặc căng thẳng, bức bối một chuyện gì đó, họ ít khi hé răng cho vợ biết lý do, cũng không trút gánh nặng lên vợ con mà có xu hướng rút vào "khoảng trời riêng" nằm, nghiền ngẫm một mình. Chỉ đến khi tìm được giải pháp khả thi, họ mới khoan khoái bước ra. Nếu chưa nghĩ ra, họ sẽ kiếm cái gì đó như báo, sách, ti vi, thể thao... để nhanh chóng quên đi chuyện lùm xùm trong đầu.
Nếu tình trạng "trầm trọng quá", có xu hướng họ sẽ đóng sập cửa phòng và không muốn ai quấy rầy trong một thời gian dài. Khi ở trong "hang", càng ít bị quấy rầy bao nhiêu họ sẽ càng sớm ra khỏi "hang" bấy nhiêu.
Nhu cầu ở một mình, không muốn ai quấy rầy của các ông chồng trong một số thời điểm nào đó là một nhu cầu có thật và rất cần được người vợ tôn trọng. Tuy nhiên, không vì thế mà chị em bị thiệt thòi. Khi được "vào hang" một cách hiệu quả cao, lúc trở ra, chồng bạn sẽ tỏ ra khoẻ khoắn, yêu đời và thương vợ con hẳn lên. Có người còn hứng chí tự động dọn dẹp nhà cửa và mua hoa tặng vợ!
Mới đây, chị Phúc Hậu, một "nạn nhân" của việc bị chồng thỉnh thoảng lạnh nhạt mà không hiểu nguyên do, bộc bạch: Sau khi cả hai vợ chồng được tư vấn, họ đã "ngộ" ra vấn đề "vào hang". Chị cảm thấy thoải mái khi hiểu chồng mình chỉ cần tìm chốn thư giãn riêng chứ không phải đó là dấu hiệu của bội bạc. Chị đã biết chấp nhận những thời điểm đó vì hiểu anh đang bị strees hành hạ. Khi đang nói mà linh cảm thấy chồng lơ đễnh, chị ý nhị ngưng ngay. Khi ông xã giam mình trong "hang", chị cũng không lấy thế làm khó chịu. Chị xử sự như vậy, anh cảm thấy mình được tôn trọng và sớm "bò" ra.
Riêng với anh, anh cũng không tự cho phép mình vào "hang" bất cứ lúc nào mà còn phải quan sát vợ. Nếu vợ đang quá khủng hoảng về tinh thần, cần được sẻ chia, anh sẽ tạm nén nhu cầu riêng để quan tâm đến vợ hơn. Anh cũng học cách lắng nghe và vỡ lẽ: một khi vợ được lắng nghe thì sẽ bớt bám víu, "làm phiền" người khác!
Thạc sĩ Võ Văn Nam (khoa Tâm lý, ĐH Sư phạm TP.HCM) chia sẻ: "Người đàn ông nào cũng cần có lúc được ở một mình. Đó là những lúc mà theo ngôn ngữ của đạo Phật gọi là "quán chiếu", tức được nhìn nội tâm để đối chiếu với cuộc sống. Qua đó, họ được hướng thượng, hướng thiện và sẽ yêu đời, yêu người và quan tâm đến người thân trong gia đình hơn".
Một triết gia đã nói: "Khi ta đi đến sâu thẳm tận đáy lòng mình, ta sẽ bắt gặp một cộng đồng xã hội". Trong cộng đồng xã hội đó có cả vợ, con anh ta. Khi tìm một góc riêng, ngoài việc để đối diện với chính mình, tìm ra mối tương quan với người thân, người đàn ông còn thoả mãn nhu cầu xả hơi.
Người vợ cần tôn trọng nhu cầu chính đáng này của chồng. Nếu không làm được điều này, nguy cơ đổ vỡ rất cao vì một khi người đàn ông đang "vào hang", họ rũ bỏ hết mọi mối quan hệ. Ngược lại, người chồng cũng cần lưu ý đến liều lượng "sống một mình" và điều chỉnh cho hợp lý.
Theo Trần Triều
Phụ Nữ