“Bệnh” lo dễ…lây!

Bà có ba người con, nhiều cháu trai nhưng chỉ có hai cô cháu ngoại. Gia đình sống theo kiểu “tứ đại đồng đường” nhưng không đụng chạm lắm bởi có đất rộng, bà chia phần con cái cất nhà chung quanh. Bà thích “quán xuyến” chuyện gia đình các con, đám cháu nội, ngoại.

 
“Bệnh” lo dễ…lây!


Cháu trai bà không lo, nhưng cháu gái thì bà để ý từng chút một. Nuôi nấng, chăm sóc hai cô từ nhỏ nên bà biết tính ý từng cô thế nào. Một cô bà cho là nhanh, tạm gọi là cô Nhanh, một cô bà kêu là chậm, gọi là cô Chậm. Hai cô Nhanh, Chậm bà thương như nhau nhưng mức độ lo lắng thì không đồng đều.

 

Với cô Nhanh, bà nói, nó mồm miệng đỡ tay chân, không lo lắm. Lỡ có làm sai, nó biết cách nói lấy lòng người khác bớt giận. Cô Chậm, đã chậm thì chớ, còn ít nói, không khéo nói. Bà lo lắm, cho rằng sau này khó thành công bởi suốt ngày ngậm hột thị, hỏi mới nói, ai sống cùng người ta cũng chán. Nói đã, bà kết luận một câu nghe phát mệt: “Giống tánh cha nó, suốt ngày im im, nói một câu như cóc mở miệng”.

 

Hai cô cháu ngoại đi học xa, bà càng lo dữ. Mỗi khi lo, bà hay nói chuyện với mẹ hai cô, nhiều khi chuyện không có gì, nhưng bà lo quá làm mẹ hai cô cũng phát sốt theo. Riết rồi, cả mẹ cô Nhanh hay mẹ cô Chậm đều lây theo cái lo của bà. Tuy nhiên, mẹ cô Nhanh dù sao cũng ít lo hơn mẹ cô Chậm, vì có thổ lộ tâm tư đang lo lắng, cô Nhanh khéo nói, biết cách làm cho mẹ an tâm. Riêng cô Chậm thì chẳng nói gì cả. Mẹ nói gì cô cũng dạ, dặn gì cô cũng vâng, không ai đoán biết cô suy nghĩ gì, và cô tiếp thu những lời dạy đó bao nhiêu phần trăm (điều này khác với cô Nhanh, chính việc thởi lởi của cô khiến người khác luôn tin rằng cô sẽ thực hiện được lời căn dặn đó).

 

Hè vừa rồi, cô Nhanh xin mẹ cho đi Thái Lan chơi cùng với nhóm bạn thân, theo tour du lịch. Cô khéo nói lắm nên bà ngoại và mẹ chỉ phản đối lấy lệ kiểu không khuyến khích, cũng không ngăn cản. Chuyến đi “thành công tốt đẹp” cả mẹ cô và bà ngoại đều hí hửng: “Con này lanh, đi ra ngoài không sợ. Kệ cho nó đi mở mang kiến thức, biết đây, biết đó với người ta. Ở nhà ru rú biết ngày nào khôn!”.

 

Một hôm, cô Chậm xin mẹ cho đi Vĩnh Long chơi với lớp, người phản ứng đầu tiên là bà ngoại. Nghe tin bà đứng lên, ngồi xuống không yên: “Má lo lắm, nó chậm chạp, ăn nói câu cú không ra hồn, đi chơi chi cho xa, ở thành phố học mấy năm rồi kéo về nhà. Con gái con đứa thả ra đường sao mẹ thấy liều quá!”. Nghe vậy, mẹ cô Chậm cũng nhấp nhỏm theo. Nói là vậy chứ mẹ hay ngoại ở xa làm sao cản được bước chân bọn trẻ? Vậy là cô Chậm lên đường. Ngày cô đi chơi, bà ngoại ở nhà cứ nhìn cái đồng hồ, thỉnh thoảng giục mẹ cô nhắn tin qua di động xem giờ nó đang làm gì, ở đâu… Khốn nỗi, cô Chậm vốn là người không muốn kể lể dài dòng. Có khi mẹ nhắn tin, cô không nhắn tin lại. Thậm chí, mẹ cô sốt ruột quá, gọi điện thoại, cô chỉ trả lời vắn tắt rằng cô đang vui chơi với các bạn, thôi nhen… Làm mẹ cô càng thấy lo thêm!

 

Nỗi lo chuyền sang bà ngoại. Bà lại suy diễn lung tung bao tình huống. Chuyện đi chơi của cô Chậm bỗng dưng trở thành sự nặng nề bao trùm căn nhà. Mẹ suốt ngày cầm cái di động thì chớ, bà ngoại cũng không rời một bước cái điện thoại bàn! Mọi chuyện cũng chưa thở phào nhẹ nhõm khi ngày hôm sau cô Chậm nhắn tin cho mẹ là đã về nhà rồi, bởi cô còn nhắn thêm là mẹ đừng gọi điện thoại giờ con đi ngủ đây, tối hôm qua bọn con chơi qua đêm. Thế là bà  ngoại thắc mắc, làm gì mà đi tới qua đêm.

 

Từ suy diễn này đến suy diễn khác, bà ngoại chép miệng, có đứa con gái chậm chạp cho học gần nhà cho rồi, đi xa chi thêm lo. Sai lầm, hai đứa bây sai lầm! (ý là bà nói cha mẹ cô Chậm). Lúc này ba cô Chậm mới chậm rãi lên tiếng, bà ơi, mười tám tuổi con đã đi bộ đội rồi, còn mẹ nó cũng đã rời khỏi vòng tay bà vào ở ký túc xá rồi. Hồi đó làm gì có điện thoại với chả di động hay chat để mẹ quản lý con. Hồi đó, cô ấy đi đâu, làm gì làm sao bà biết được? Vậy mà có sao đâu. Giờ bà ngồi đây lo, có làm được gì hay chỉ tổ rối thêm. Đời có số hết! Lớn rồi, cho nó thoải mái chút đi!

 

“Cóc mở miệng” mà nói câu chí lý. Ừ, bà ngồi một chỗ lo sao được khi con chim đã bay ra khỏi tổ. Bầu trời rộng thênh thang ngoài kia chim muốn bay đi đâu thì bay, mỏi cánh quay về nhà… Nghĩ như vậy, nhưng bà vẫn lo, nó chậm chạp quá, ít nói quá sợ người ta ăn hiếp. Nghĩ chán bà đâm giận con rể, ừ tôi lo là lo cho con anh chứ tôi già rồi, sống nhiêu nữa đâu mà lo được đến hết đời nó. Anh chị giờ quá chìu con, muốn gì được nấy! Lần này “cóc” không mở miệng nữa, nhưng “cóc” nghĩ trong bụng, bao lâu nay mình ít nói nên bị mẹ và vợ ăn hiếp? Thôi thì, nhịn quen rồi, giờ nhịn nữa cũng không sao. Nhưng, nghĩ cho cùng, đàn bà chỉ lo vớ, lo vẩn, chẳng làm được gì thì lo làm chi, chỉ tự rước khổ vào mình!

 

Lúc này, mẹ cô Chậm mới chịu nghĩ thêm một chút, đàn ông họ khác phụ nữ là cái gì lo được họ mới lo, họ nghĩ thoáng nên họ trẻ lâu, phụ nữ nghĩ nhiều mau già rồi lại trách đàn ông vô tư. Mình lo lắm, mai mốt ra đường không khéo thành chị Hai ổng chớ chẳng giỡn!

 

Theo PNO

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm