“Bệnh lạ” của cậu ấm, cô chiêu
Không nghiện hút, phá phách, lêu lổng nhưng nhiều cậu ấm cô chiêu vốn lại vướng vào một căn “bệnh lạ” chỉ nhằm thỏa mãn cơn “nghiện chôm đồ”.
Là cậu ấm trong một gia đình khá giả, bố mẹ đều đang công tác tại những ngân hàng lớn tại Miền Bắc, không ai nghĩ B có thể bị đuổi ra khỏi công ty với tội danh ăn cắp. Từ ngày B vào làm việc, công ty thường xuyên xảy ra việc mất trộm đồ từ những thứ vật dụng thiết yếu nhỏ nhất đến những đồ công.
Tình trạng này được duy trì càng lúc càng thường xuyên, đặc biệt là phòng của B khiến cho mọi người thực sự thấy lo lắng hoảng sợ. Không ít người đặt nghi ngờ nhưng rồi lại tự ngạt bỏ bởi họ không dám nghĩ một công tử như B lại có thể thò tay lấy những thứ đó làm gì.
Nhưng rồi sự nghi ngờ càng ngày càng lớn, một cậu bạn thân trong phòng của B đã tìm cách tới nhà B lánh nạn sau vở kịch căng thẳng với vợ để có thể kiểm chứng chính xác. Và tới lúc này mọi người mới ngã ngửa khi anh báo cáo chính xác mã seri chiếc máy chiếu mà công ty vừa mới mất.
Nhưng điều bất ngờ hơn nữa là khi mọi người chỉ bóng gió việc cho cậu thành thật đưa ra những gì đã lấy thì chỉ 15 phút sau, B khệ nệ lôi từ trên gác xép xuống 8 cái laptop, 5 cái ĐTDĐ và vô vàn những cái nhỏ nhỏ khác từ cái chặn giấy bằng pha lê của một bạn nữ, cái đồng hồ đeo tay của con một sếp. Từ đồ lưu niệm của phó Tổng Giám đốc khi đi công tác mang về, đến một loạt bút bi, thước kẻ, băng keo...... những đồ dùng văn phòng phẩm. Thậm chí tới cả 4 cuộn giấy vệ sinh rồi 300 nghìn lấy ở ví bạn cùng trực ca, 500K của đồng nghiệp ngồi bên cạnh khi cậu bạn ra ngoài đi vệ sinh.
Chỉ có điều không giống những tên trộm chuyên nghiệp khác một mớ đồ đạc “chôm” được B chỉ để đấy không bán cũng chẳng sử dụng nên mọi người cũng thông cảm cho qua nhưng đến khi B bị bắt tận tay khi đang ăn trộm xăng tại ngay bãi gửi xe của cơ quan ngay lập tức B nhận án phải ra khỏi công ty. Thói nghiện chôm đồ của người khác được bạn bè thực sự thông cảm nhưng họ không thể liều lĩnh để “sống trong sợ hãi”.
Cũng sinh ra trong một gia đình khá giả, nề nếp, học giỏi giao tiếp tốt nhưng Thanh cũng mắc phải chứng “nghiện ăn cắp đồ”. Bắt đầu có biểu hiện từ khi chỉ còn là một cô bé 5 tuổi đến nay khi đã 30 tuổi Thanh vẫn không kìm chế được hành động của mình khi nhìn thấy sự sơ hở của người khác.
Đã từng bị công an sờ gáy rồi xử phạt nhưng đã là cơn nghiện ngấm vào trong máu Thanh không thể đừng được chỉ cần có cơ hội là Thanh “chộp” lấy. Rất nhiều lần nhìn mẹ vật vã khóc lóc cầu xin, vẫn biết rõ là mình sai nhưng rồi Thanh vẫn không thể kiểm soát được hành vi trộm cắp ấy của mình.
Loay hoay tự vấn
Không chỉ B hay chị Thanh mà với những người trong gia đình hành động của họ là một nỗi hổ thẹn đáng xấu hổ nhưng họ cũng chỉ biết loay hoay tự vấn chính con cái mình và than cho sự oái oăm mà con họ trót mang cái “nghiệp”.
Đã từng tiếp xúc và điều trị cho khá nhiều những trưởng hợp như vậy Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Kim Quý chia sẻ: “Mọi người vẫn quy kết họ vào hành vi trộm cắp nhưng thực chất họ đang mang trong mình chứng bệnh rối loạn hành vi. Thường thì sự rối loạn này được bộc lộ khá sớm từ khi họ chỉ là một đứa trẻ nhưng bố mẹ lại không mấy để ý hoặc chỉ cười trừ nhắc con thậm chí còn che dấu cho con vì sợ xấu hổ. Chỉ đến khi họ thực sự thấy hoang mang thì lúc ấy cả gia đình mới cuống cuồng tìm đến bác sĩ rồi chuyên gia tư vấn”.
Cũng có không ít những trường hợp bố mẹ không nhận thức được bản chất trong hành vi của con lại “răn” con bằng những trận đòn hay thậm chí cô lập con bằng sự ghẻ lạnh.Như trường hợp của Bảo (Thanh Xuân) khi cậu đang theo học lớp 6 ở một trường công lập bố mẹ đã phải xin cho con chuyển sang một trường tư chất lượng cao cũng chỉ vì ở trường cũ cậu hay ăn cắp đồ vật của các bạn cứ hở ra là lấy.
Hy vọng con bước sang môi trường mới sẽ không còn giữ thói ăn cắp nữa nhưng ở môi trường toàn con nhà giàu, có nhiều đồ đẹp hành vi ăn cắp của cậu lại càng có cơ hội thực hiện. Mẹ Bảo tâm sự: “Lâu lâu mở cặp của con lại thấy cả một mớ những đồ dùng mới dù trước đó gia đình không hề mua cho con”.
“Gia đình có phải thiếu thốn gì đâu sắm cho đầy đủ không thua bạn kém bè đến một ly, tôi nói mãi, chồng tôi cũng đánh không biết bao nhiêu trận nhớ đời mà con vẫn không chừa được tính ăn cắp. Mà đồ lấy về con cũng chẳng làm gì chỉ để vứt đầy ngăn kéo” – Chị than thở
Đánh giá về vấn đề này Tiến sĩ Nguyễn Kim Quý cũng nhận định: “Với những người bị rối loạn hành vi bản thân họ đã thực sự cảm thấy rất hoang mang và bất lực nếu người thân gia đình và những người xung quanh càng cô lập thì lại càng làm họ lún sâu vào sự rối loạn thậm chí còn dẫn đến sự hoang tưởng. Liệu pháp tốt nhất với họ chính là liệu pháp tâm lý. Đặc biệt sự quan tâm của cha mẹ ngay từ đầu thận trọng với hành vi biểu hiện của con sẽ là một điều tích cực để giúp trẻ thay đổi”.
Theo Vietnamnet