Bệnh “kháy”

Chị Hoa (TPHCM) cùng chồng xem phim. Đến đoạn có nhân vật nam ngoại tình, chị xơi xơi: “Cái thứ đàn ông mèo mả gà đồng, trăng hoa cho lắm vô. Một vợ nằm ngủ giường lèo, hai vợ nằm chèo queo, ba vợ thì ra chuồng heo mà nằm”...

 
Bệnh “kháy” - 1


Anh Thăng (chồng chị Hoa) nóng mặt. Anh thừa biết vợ mượn nhân vật trong phim để “xoáy, nghiến, bóp” vết thương cũ của mình.

 

Một năm trước, anh đi theo công trình xây dựng ở Kiên Giang, léng phéng chút đỉnh với cô bán cà phê ở đó nhưng đã giải quyết dứt điểm. Chuyện đã qua nhưng hễ có dịp là vợ anh lại “ngoáy” cho một phát.

 

Phim đến đoạn nhân vật nữ nổi cơn ghen, anh “tung đòn”: “Cái thứ đàn bà mà ghen quá đáng như vậy, có ngày mất chồng luôn hổng hay. Thằng đàn ông mà đã bực lên rồi thì, bỏ hết, bất chấp tất cả...”.

 

Từ chỗ cùng ngồi coi phim một cách đầm ấm, bỗng chốc cả hai vợ chồng quay ra hầm hè, cố tìm ra những từ, những cách nói khiến “đối phương” càng đau càng “đã”. Từ chỗ mình mình, em em bỗng chốc biến thành cái thứ này, cái thứ nọ...

 

“Xóc óc”

 

Chuyện của anh chị chưa kết thúc ở đó. Bực mình, chị vùng vằng bỏ vào buồng, quăng lại một câu: “Coi cái phim này, khối thằng đàn ông sáng mắt ra, bồ bịch lăng nhăng thì cứ chuồng heo mà nằm”. Anh nổi điên: “Nằm chuồng heo còn hơn nằm với con đàn bà điêu ngoa. Thiệt chịu hết nổi”.

 

Một trường hợp tương tự khác. Anh Khánh tay trắng từ Vĩnh Long lên Sài Gòn lập nghiệp, cưới được chị Ngoan - con gái một gia đình khá giả - làm vợ. Mẹ ruột của anh có tính hay “bòn”, mỗi lần lên thăm gia đình con trai đều xin vài món lặt vặt trong nhà mà bà cho rằng các con “thừa”, không dùng đến. Chị Ngoan “bằng mặt chứ không bằng lòng”. Anh Khánh thì lại chẳng quan tâm đến mấy chuyện vặt vãnh đó.

 

Vấn đề là sau mỗi lần mẹ chồng ra về, Ngoan lại kháy: “Tôi ghét nhất là mấy người đến đâu cũng góp góp nhặt nhặt. Đồ nhà người ta mà cứ nghĩ là không dùng đến, xin xỏ ỉ ôi”. Anh Khánh nghe mà nổi nóng vì có cảm giác mẹ mình bị xúc phạm: “Cô muốn nói gì thì nói thẳng đi, đừng có bóng gió như thế”.

 

Chị Ngoan trêu ngươi: “Tôi nói vu vơ vậy đó. Mà ai có tật đó mới bị nhột chớ”.

 

Anh lại càng tức điên, nhưng nếu mắng mỏ nữa thì... xoàng quá, phải “kháy” lại mới “xóc óc” được vợ. Anh nhẹ nhàng: “Ừ, họ gom hết đồ của con trai về xài, còn hơn cái ngữ lén chồng, gom của nhà mình đưa về nhà mẹ. Mà nhà bà mẹ có khó khăn gì đâu, một lũ lười lao động, chảy thây ra đó...”. Đến lượt chị Ngoan tức anh ách, nhưng đành nín thinh, bỏ đi một mạch.

 

Thực ra, anh biết vợ lén “tiếp tế” cho nhà ngoại từ lâu nhưng làm thinh, vì nghĩ chuyện cũng chẳng đáng gì, nhưng khi bị vợ “nói đểu”, anh đã không dằn lòng được, “trả treo” lại. Việc vợ chồng cãi nhau không quá nghiêm trọng, bởi ngày mai rồi lại làm lành. Mất mát đáng kể hơn là bỗng nhiên trong mắt vợ, anh Khánh cũng rất... đàn bà, tức là cũng nhỏ mọn, cũng ghê gớm, cũng tinh vi...

 

Một lần khác, anh tỏ ra hào hiệp khi cho một người bạn thân vay tiền mua xe gắn máy. Biết có “xin” vợ cũng không cho nên anh “tiền trảm hậu tấu”. Sau khi nghe “tấu”, lạ lùng là chị không nổi giận hét toáng lên như thông thường mà tỏ ra dửng dưng, khinh khỉnh. Biết mình có phần lỗi, anh  bấm bụng cho qua, coi như “kết thúc vụ án”. Vậy mà một lần, chị lại bâng quơ với con: “Con cố gắng lớn lên biết khôn ra một chút, chứ đừng có khôn nhà dại chợ nha con”. Chỉ nghe câu đó, anh Khánh hất chiếc tivi bể tan, đập bẹp thêm chiếc quạt máy rồi hầm hầm bỏ đi.

 

Hố sâu vô hình

 

Khi mâu thuẫn, nếu hét toáng lên cho hả giận, hóa ra lại hay hơn nhẹ nhàng “sửa lưng” nhau, bởi việc cãi vã to tiếng sẽ sớm đi vào quên lãng, còn lời nói kháy lại gây vết thương lòng âm ỉ, dai dẳng.

 

Có lúc, “bệnh kháy” lậm đến mức một tiểu tiết bị đẩy lên thành chuyện lớn. Đơn cử, người chồng ăn bát canh thấy mặn, thay vì nói thẳng, lại bóng gió “canh nhạt nhỉ?”. Người vợ bực vì chồng “nói đểu”, tức ở chỗ đã là vợ chồng với nhau mà trao đổi không thật lòng nên thành to chuyện.

 

Không ít trường hợp hai vợ chồng ra tòa ly hôn, tuyên bố “không thể chịu được nhau”. Hỏi cặn kẽ, quan tòa mới biết, cả hai có tật mỗi lúc không bằng lòng là nói khích, nói xóc nhau. Có trường hợp còn cố đầu tư để làm sao nói một câu mà cho “đối phương” muốn nổ tung đầu ra mới hả dạ. Tình cảm xây dựng cần một quá trình lâu dài, nhiều khi chỉ một lời “bóng gió” đã tiêu tan tất cả.

 

Khi đề cập đến lỗi lầm hay tật xấu của ai đó, việc nói thẳng thường... khó hơn nói lòng vòng, mà kiểu nói lòng vòng lại dễ “biến tướng” thành nói móc, nói cạnh khóe.

 

Nói gần nói xa, chẳng qua nói thật

 

Chị Nguyễn Thanh Tâm (nhà số 014, lô H, chung cư Bình Trưng, Q.2) cũng từng là người thích nói kháy chồng mỗi lần xảy ra mâu thuẫn. Chính anh Tân (chồng chị) cũng từng dùng chiêu nói kháy vợ để trả đũa, nhưng đáng mừng là họ đã dần sửa được tật này.

 

Anh Tân chia sẻ: “Hồi mới cưới, chúng tôi cũng từng cạnh khóe nhau dữ lắm. Tôi quyết tâm sửa là vì sau mỗi lần nói kháy vợ, dù đạt được mục đích tức thời (làm cho vợ tức điên lên) nhưng sau đó ngẫm lại, thấy bản thân mình cứ hèn hèn sao ấy. Đàn ông mà lại đi dùng lời lẽ cay độc để châm chích phụ nữ, chẳng xứng mặt mày râu chút nào. Ngược lại, vợ bóng bóng gió gió, tôi cũng tức điên lên và ghét cay ghét đắng cái tật đó. Từ đó, mỗi lần vợ mở miệng ra cạnh khóe, tôi cương quyết: “Muốn gì thì nói thẳng, hoặc đừng nói gì cả”. Dần dần, thói quen nói thẳng, nói thật hình thành. Tôi vào bữa mà thấy thiếu tương ớt là nói thẳng: “Em ơi, còn thiếu tương ớt”. Hồi  còn “bệnh”, tôi hỏi: “Hình như dạo này em chăm làm đẹp quá nhỉ? Sợ ăn tương ớt nổi mụn à?”. Việc nói thẳng với những tình huống có mâu thuẫn, có thể sẽ khiến người khác mất lòng, nhưng vấn đề sẽ được giải quyết một cách rốt ráo. Nếu gặp mâu thuẫn mà nói kháy, chẳng những mâu thuẫn vẫn còn đó mà lại phát sinh khúc mắc mới, bởi lời bóng gió đa chiều, đa nghĩa, dễ gây đa... thương tích luôn”.

 

Chị Tâm chia sẻ thêm: “Ông bà bảo “nói gần nói xa chẳng qua nói thật” quả là chí lý. Cái ẩn ý, ẩn tứ, ẩn... đủ thứ xung quanh việc nói gần nói xa rất nguy hiểm. Động cơ của người nói kháy là muốn người đối diện càng tức mình càng thành công. Đã là vợ chồng với nhau, tôn trọng nhau không hết, sao lại còn đi tìm cách hạ nhục nhau như thế?”.

 

Thực tế cho thấy, người lao động ít nói kháy, có chuyện gì là “tuột gióng tre” ra ngay, nói xong quên luôn, vậy mà khỏe! Giới trí thức “trên cao” cũng không thèm kháy mà chỉ im lặng, rồi đùng một cái hành động luôn. Bệnh kháy rơi nhiều vào “tầng giữa” - những người có học thức tầm tầm.

 

Tại TPHCM, độ tuổi ly hôn đang dần được “trẻ hóa”, ngày càng có nhiều trường hợp ly hôn ở độ tuổi 30-40. Lý do chia tay vì “nhìn nhau không thấy ưa nổi” là khá phổ biến. Ở tuổi này, bệnh kháy “đỉnh” nhất, bởi họ còn trẻ, còn lanh mồm lanh miệng, lanh trí để có thể bật ra được những câu “nói đểu” cay nhất. Họ lại dư áp lực để trút vào bạn đời (vì mới lập gia đình, sự nghiệp chưa đến đâu, công việc còn khó khăn) nên dễ phát sinh nhu cầu làm tổn thương người khác cho hả dạ. Cũng ở độ tuổi này, thường thì họ chưa luyện được “tâm pháp” “thương nhau chín bỏ làm mười”, nên căn bệnh này càng dễ bộc phát.

 

Dẫu sao, nói kháy rơi vào đối tượng nào, độ tuổi nào thì cũng chỉ gây hại.

 

Theo Trần Triều

Phụ nữ online