Bệnh “bỗng dưng điếc” của chồng
Trong bài thở than vẫn vang lên đều đặn của các bà vợ thì đức lười của chồng luôn được đặt lên hàng đầu. Nhưng đàn ông lười cũng phải có thủ thuật mà “bỗng dưng điếc” lại là chiêu thức của hàng cao thủ.
Một nhận xét hữu lý đã cho ta thấy sự khác nhau trời vực của người yêu và người chồng, từ siêu thị bước ra nếu người đàn ông cầm đồ thì người phụ nữ đi bên cạnh họ là người yêu, còn nếu người phụ nữ cầm đồ thì người đàn ông đi cùng là chồng.
Nhiều cô gái đã tưởng mình bị một vố lừa khi bỗng nhiên anh chàng vốn chẳng từ nan một công việc gì mà cô yêu trước đây bỗng hoá thành ông chồng lười nhác, chưa từng biết cái chổi nhà mình dài ngắn thế nào.
Lần thứ nhất bạn nói: “Anh ơi, quần áo bẩn anh cho vào máy giặt đi”. “Vẫn sạch mà, anh mới mặc có buổi”. Lần thứ hai, sau đó vài ba hôm anh ta chần chừ: “Ừ, tí nữa đã, đang bận”. Lần thứ ba, một thời gian sau nữa, bạn nói và anh ta không nghe thấy gì hết, không ừ hữ, chẳng lần lữa. Sự điếc của anh ta được bạn diễn dịch lại có nghĩa là: “Thế đấy, muốn làm sao thì làm”. Và bạn đành mang chúng đi giặt và ghi vào sổ nhớ bệnh lười.
“Anh ơi, con nó léo nhéo gì ngoài kia thế, anh ra xem thế nào”. Nếu bạn can đảm: “Anh nút lỗ tai rồi à, hay mèo nó tha mất lưỡi, mà không ừ hử lấy một tiếng?”, anh ta sẽ giật mình kinh ngạc với vẻ ngây thơ không thể nào trách được: “Cái gì, em bảo gì cơ?”.
Bốc thuốc cho bệnh lười
Một điều tra riêng cho thấy, đàn ông bỗng dưng bị điếc trong những hoàn cảnh sau: việc nhà, tiền lương và vợ muốn về nhà ngoại.
Không dễ để trị bệnh cho những lãn ông hiện đại này, bởi theo như những triệu chứng lâm sàng thì bệnh điếc có điều kiện này khi kết hợp với chiêu lỳ và chứng bỗng dưng lại quên khiến bệnh càng trầm trọng và khó chữa khỏi tận gốc.
Nhưng “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, bệnh này không phải đã hết thuốc chữa nếu bạn là một bà lang mát tay. Trước hết hãy kiểm tra mức độ bệnh của chồng và phải quán triệt trước tinh thần chữa không khỏi không thôi, người thua cuộc là kẻ bỏ cuộc trước.
Ở mức độ nhẹ, nếu như khi bạn đề nghị chồng làm việc nhà lần thứ nhất, anh ấy ngãng tai không phản ứng, lần thứ hai anh ấy vẫn không nghe thấy gì và lần thứ ba thì điếc hẳn, hãy tự nhủ chắc mình đã nói quá nhỏ và chồng mình là tay tập trung cao độ cùng với các đường bóng trong tivi thì hãy vặn to volume, hãy nói to lên, chắc chắn anh ta sẽ quay lại thảng thốt “gì vậy?”. Quan trọng nhất là đừng giận dỗi, hãy nói ngay ý định của mình. Anh ta sẽ không thể điếc thêm lần nữa.
Mức độ nặng hơn là dù bạn đã vặn to volume, anh ta vẫn coi như không nghe thấy. Bạn hãy đặt cái chổi nếu muốn chồng quét nhà, dúi đống quần áo vào tay anh ta nếu muốn chồng đi giặt…. Đứng đối diện với một mớ lỉnh kỉnh đó, anh ta sẽ không thể giả vờ vừa điếc vừa đui được.
Nặng nhất là khi chồng bạn đã học được chiêu lỳ và thêm tính hay quên. Anh ta ừ hữ với bạn không quên lần lữa “để sau”, “đợi một chút”, “chờ một lát”… rồi quên luôn. Vậy nên sai chồng phải sai liền tay chớ để khất lần. “Anh đưa tiền lương đây”, “Hãy chở mẹ con em về ông bà ngoại”. Tất cả và ngay lập tức, nếu bạn không triệt để, bệnh tình sẽ tái phát nặng hơn.
Căn bệnh này là phổ biến, chị em nào cũng than thở, bài thuốc cũng sẵn, dễ nhớ, dễ áp dụng nhưng tại sao kết quả khó duy trì. Ấy là vì tâm lý chị em hay sốt ruột, dễ buông xuôi, chưa làm đã tính: “Ôi giời, nói thế bằng để tự mình làm lấy cho xong”, hay: “Các ông ấy làm một lại bày mười, mình làm lại chỉ tổ tốn công”. Sự dung túng ở phái nữ chính là lý do khiến các lãn ông ngày càng nhiều hơn.
Và khi các bà ca, các ông lại bỗng dưng muốn điếc.
Theo Gia đình & Trẻ em