Bên bếp lửa hồng
(Dân trí) - Chiều cuối đông thi thoảng lại gặp những nhóm người ngồi bên ánh lửa. Những thanh củi khô được người mưu sinh bên đường nhóm lại, cháy bập bùng, mùi khói bay chỉ ngửi thôi cũng thấy ấm áp lạ.
Hình ảnh những đám lửa cháy bập bùng khiến tôi nhớ quê, nhớ nhà nhiều hơn. Ngày xưa, bố mẹ tôi vào những dịp cuối Chạp rét mướt như thế này đêm đêm vẫn ngồi hơ mình bên bếp lửa được đốt lên bởi những gốc tre già.
Những buổi tối như vậy, thường sẽ có vài ông bà hàng xóm sang chơi. Mẹ tôi khi thì om sẵn ấm chè xanh, luộc thêm nồi khoai hay rang vài đĩa lạc. Tiếng cười tiếng nói, tiếng kể chuyện cứ thế râm ran khu bếp nhỏ nghèo nàn.
Khi đó tôi còn là học sinh, mỗi lần học bài xong thường xuống ngồi hóng chuyện. Tôi đưa hai bàn tay lạnh ngắt của mình hơ trên bếp lửa. Những ánh lửa bập bùng, lúc vàng, lúc xanh. Có những khi khói đùn ra mịt mù từ một gốc tre còn ẩm ướt.
Tôi thích nghe các ông bà kể chuyện yêu đương hồi trẻ. Chuyện từ thời cố can, từ thời chiến tranh, từ thời đi gặt còn chấm công theo hình thức hợp tác xã. Chuyện tình yêu trong veo, thuần khiết đến lạ kì. Và cả những cuộc hôn nhân bắt đầu chẳng có chút tình cảm nào nhưng lại có thể chung sống ấm êm bên nhau đến khi răng long đầu bạc với con đàn cháu đống.
Mỗi khi nhìn thấy một bếp lửa được ai đó nhóm lên, tôi thường nhớ nhiều về những ngày cuối năm. Thời điểm nhà nhà ai cũng tất bật chuẩn bị cho những ngày đón tết. Ấy là khi những chiếc bánh chưng, những cây giò đã được gói xong, xếp ngay ngắn vào một chiếc nồi to, kê ba chân kiềng bằng những viên gạch nung và bắt đầu nhóm lửa.
Nhà tôi thường luộc bánh vào tối 28 hoặc 29 tết. Bánh được gói từ sáng, ngâm nước đến chiều mới bắt đầu luộc. Sau này người ta tính giờ, nhưng ngày đó mẹ tôi hay thắp một cây hương trầm ở bếp, tính xem mấy cây hương như vậy cháy hết là bánh chín.
Tôi nhớ những tối thức muộn canh nồi bánh chưng. Bên bếp lửa hồng cả nhà quây quần trò chuyện. Người lớn bàn chuyện tết nhất, trẻ con vui niềm vui của trẻ con. Mấy chị em tôi nhân những lúc than trong bếp đượm đỏ hồng liền lùi vào đó những củ khoai, củ hành. Lúc nào nghe mùi thơm thì dùng que củi khều ra, rón rén bóc từng lớp vỏ cháy sém mà hít hà vừa ăn vừa thổi.
Mấy hôm trời rét đậm, tôi gọi điện về nhà hỏi bố có đốt lửa sưởi ấm cho bớt tê tái hay không. Bố bảo bố mẹ giờ già rồi, bố lại bị viêm xoang, không chịu được mùi khói nữa. "Mà già rồi ngồi lâu cũng đau lưng con ạ. Thôi cứ ăn xong lên giường quấn chăn nằm cũng ấm".
Thời gian tàn nhẫn như vậy đấy. Nó lấy đi của con người ta tuổi trẻ, sức khỏe và cả những kí ức thơ ngây ngọt ngào. Cha mẹ ngày một già yếu đi, con cái như chim bay muôn ngả. Muốn một lần được cùng cha mẹ và anh chị em ngồi bên bếp lửa, cùng ăn cơm, cùng trò chuyện vui đùa bỗng trở thành một niềm ước mong xa xỉ.
Hơn mười năm xa quê, tôi không còn được hưởng cái không khí gia đình cùng nhau quây quần bên ánh lửa bập bùng những đêm đông gió về. Vậy nên đôi khi đi trên đường, thấy ai nhóm lên một bếp lửa, hít hà mùi khói cũng thấy thơm, cũng quay quắt nôn nao nhớ quê nhà khôn tả.
Mùa đông, có ông cụ nhóm lên một bếp lửa hồng, ngồi tĩnh lặng giữa phố phường, nghĩ về những điều xưa cũ?