"Bẫy tình" công sở
Đã mấy ngày nay, từ khi nhận được “tối hậu thư” của sếp, Nga mất ăn mất ngủ. Mấy hôm trước, khi cô đang mải mê cắm hoa hồng vào bình ở văn phòng thì chợt thấy nóng phía sau gáy, quay lại đã thấy giám đốc công ty đang nhìn mình rất lạ.
Giám đốc Cường cười: “Em cắm hoa đẹp quá, nhìn em say mê với mấy bông hoa anh chợt nhớ lại cô người yêu thủa sinh viên. Tí em lên pha giúp anh ấm trà”.
Sếp vừa quay lên, Nga tất tả theo sau, lúc cô pha trà thì Cường ôm chầm từ phía sau, hơi thở gấp gáp, nóng bỏng: “Nga, anh yêu em. Yêu từ khi em đặt chân vào cơ quan này”.
Nga hoảng hốt vùng vẫy: “Anh Cường, buông em ra. Có người vào bây giờ, em xin anh đấy. Em có người yêu rồi”. Nga vùng vẫy quá mạnh khiến chàng giám đốc gần 50 tuổi lẻo khẻo như cò hương tuột tay văng “sầm” vào bàn làm việc.
Nga cuống quýt xin lỗi, Cường gạt tay cô: “Anh yêu em là thật lòng. Anh đã ly thân, nếu em đồng ý, cuối năm sẽ cưới. Anh cũng nói thật, nếu không yêu được em thì anh không thể cầm lòng được nếu ngày nào cũng nhìn thấy em. Em có một tuần để suy nghĩ”.
Nga biết, sếp chỉ cho cô chọn một, hoặc “yêu” hoặc phải đi khỏi cơ quan. Nga đã có người yêu và đang lên kế hoạch cuối năm cưới, vậy mà… Cô biết nếu không đồng ý, cô khó lòng trụ lại được ở công ty, lại những ngày đằng đẵng đi xin việc, lại bắt đầu lại.
Chưa đến hạn phải trả lời, Nga đã lên gặp sếp. Thấy sắc mặt rất nghiêm túc của Nga, Cường hơi chờn. Nga nói mạch lạc: “Em đồng ý “tình yêu” của anh với điều kiện, chúng ta chỉ yêu chứ không cưới và không được để ai biết. Nếu không tùy anh…”. Cường cũng chỉ chờ có vậy. Nga được điều lên dạy vi tính riêng cho sếp.
19h30, phòng làm việc của sếp vẫn sáng đèn. Mọi người đã về hết từ lâu, chỉ còn lại hai người là sếp và trưởng bộ phận lễ tân, trên chiếc ghế da đắt tiền trong phòng. Bất ngờ có tiếng đập cửa ầm ầm, và giọng đàn bà chói tai: “Ông Khoa, mở cửa ngay, phen này ông chạy đằng trời. Chồng ơi là chồng… lũ mèo mả gà đồng, phen này chúng mày chết với bà”. Sếp Khoa cuống cuồng mặc quần áo, bỏ mặc người tình, trèo qua cửa bỏ “người” chạy lấy người. Bỗng "rầm", vị lãnh đạo trượt chân rơi từ tầng 2 xuống…
Bà vợ chạy ra thấy chồng gãy chân thì phát hoảng vội gọi xe cấp cứu, và dặn bảo vệ: “Chuyện này chỉ có ông biết, lộ ra đừng trách. Con kia tôi xử lý sau”. Câu chuyện rồi cũng không giấu được, dân ở phố huyện biết cả. Họ nói: “Ông này nổi tiếng về tài cưa gái, nhưng cả thèm chóng chán, cô nào lâu lắm cũng chỉ được 2 tháng. Từ ngày ngã gãy chân rồi còn bị kỷ luật mới thấy hết máu dê”. Cũng từ đó người ta gọi ông là “Khoa nhảy dù”.
Nhận quyết định làm tổng giám đốc, Đan thấy mình oai hẳn. Đan nói với tay cộng sự: “Bộ mặt của một cơ quan lớn là thư ký, ngoại hình phải được, kiến thức phải chắc, ngoại ngữ phải siêu…”. Có một điều sếp chỉ nghĩ chứ không nói, đó là tiêu chuẩn cực kỳ quan trọng: “Sếp nói phải nghe…”. Nói thế chứ trong đầu Đan đã sắp đặt đâu vào đó, và một tuần sau người ta đã thấy một “chân dài mới coong" về làm thư ký cho Đan.
Ở cơ quan X. không ai còn lạ gì sự độc đoán của sếp Đan nên mọi người chỉ xì xào chứ không ai dám lên tiếng. Vài tháng sau, lại một “chân dài” nữa được bổ nhiệm làm thư ký. Quyết định “thành lập tổ thư ký giúp việc cho Tổng giám đốc gồm 3 người” được ban hành. Thư ký mới 21 tuổi, hợp đồng ngắn hạn, ăn mặc cực “hot” ngay buổi đầu đến cơ quan nhận công việc đã xuống phòng hành chính tuyên bố: “Từ nay ai muốn gặp anh Đan phải qua tôi. Các quy định trước đây đều bãi bỏ”.
3 cô thư ký tuy tức nhau nhưng buộc phải “việc ai nấy làm”, rửa chén, lau nhà, gọi cơm, là quần áo… và thay nhau tháp tùng mỗi lúc sếp đi công tác dài ngày. Đi làm vài tháng, vậy mà cô nào cũng cưỡi trên những “con” xe gần trăm triệu đồng. Một hôm, có thanh niên mặt đỏ phừng phừng đến tận cơ quan đòi “cho thằng Đan dê già một trận”. Bảo vệ ngăn mãi mới được.
Mấy ngày sau cô nhân viên văn phòng tên Yến bị buộc thôi việc vì “không đủ năng lực”. Sự việc liền trở nên… lanh tanh bành khi Yến “loa loa” với mọi người: "ông lừa lúc em dọn phòng thì ôm chầm lấy em. Em la thì ổng dọa đuổi việc, người yêu em biết chuyện tức quá đến cơ quan làm ầm lên khiến em mất việc”.
Theo Yến, cô không phải là nạn nhân bị quấy rối tình dục duy nhất. Thông tin mới nhất mà tôi vừa nhận được từ Yến, ông Đan đang bị điều tra và có nguy cơ phải hầu tòa vì một trong những thư ký đã tố cáo ông tham ô.
Sập bẫy
Trước khi đi làm, Trang đều đứng cả giờ trước gương trang điểm. Mục tiêu Trang là phải “cưa đổ” giám đốc Trung. Trung tuy hơi “nhừ” nhưng từ ngày lên sếp bảnh bao ra nhiều. Trang cũng biết Trung để ý đến mình nhưng vốn nhát như con gái, nên chỉ đứng nhìn mà “nuốt nước miếng”. Trang cũng chạnh lòng nghĩ đến Tứ, người yêu “cù lần” và nghèo của cô, ăn mặc như nông dân, ghét nhất là mái tóc lúc nào cũng bóng mượt vì… mồ hôi dầu. Nhìn mình trong gương, cô thở dài đánh thượt, thương phận mình là bông hoa lài…
Cơ hội rồi cũng đến với Trang. Hôm ấy sau khi hết giờ làm, xe ô tô của Trung không nổ được máy. Trang nói: “Sếp để em đưa về nhé, ngồi xế hộp quen rồi có sợ đi xe máy không?”. Được lời như cởi tấm lòng, Trung đồng ý cầm lái. Trang vừa leo lên xe, người Trung như bị “truyền điện” khi Trang áp chặt vào lưng. Về qua nhà Trang, cô nói: “Anh vào nhà để em cất cái túi rồi đưa anh về”.
Vị giám đốc đi theo Trang như cái máy, cô thò tay vào mở khoá (khoá trong) nhưng bị rơi mất chìa vào trong nhà. Trung lấy gậy để kều chìa khóa cho người đẹp, phía sau Trang nghển cổ nhìn vào nhà, ngực dính chặt vào lưng sếp. Khi lấy được chìa khóa thì người Trung cũng ướt đẫm, cửa vừa mở là Trung lôi tuột Trang vào trong. Trang “không thể” cự lại được Trung. Và Trang trở thành phu nhân mới của giám đốc sau đó ít lâu.
Bữa cơm chiều được Lợi chuẩn bị rất kỹ, đặc biệt là món cà pháo trắng bóc, giòn tan để đón sếp từ Hòa Bình về. Từ ngày nhận chức Trưởng văn phòng đại diện của công ty chế biến lâm sản H. cô vẫn mong ngày này.
Lợi đã bỏ chồng, nuôi 2 con nhỏ, nhưng vẫn xuân lắm, lần trước lên công ty họp, sếp nói: “Nhất định khi tôi xuống là Lợi phải mời tôi bữa cơm đấy, thèm cà pháo Hà Nội ghê”. Cái xiết tay cùng với ánh mắt của sếp, Lợi hiểu rằng trước sau con mồi cũng “sập bẫy”
Cơm chiều xong, Lợi đưa sếp lên hồ Tây ngắm cảnh. Ông Nam đã gần 60 nhưng vẫn còn khá nhanh nhẹn, ông bảo Lợi gửi xe đi bộ một vòng quanh hồ cho thư thái. Câu chuyện giữa sếp và nhân viên chuyển sang việc riêng tư lúc nào không rõ, Lợi tâm sự: “Lấy chồng, em chẳng có lấy một ngày vui. Giờ đã ly hôn nhưng cuộc sống vẫn bộn bề những lo toan cơm áo cho các con, nhiều khi muốn tựa vào một bờ vai nhưng lại sợ…”. Như để trút hết buồn tủi dồn nén, cô bật khóc, vị giám đốc miền núi ôm lấy cô an ủi… Đêm đó cô điện thoại nhờ mẹ đến trông con vì mình “đi công việc”.
Hết đợt công tác, ông Nam trở về phố núi, hẹn sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho người yêu và không quên đưa cho Lợi ít tiền để trang trải bớt khó khăn. Lên Hoà Bình được một tháng, ông nhận được tin nhắn của Lợi, cô xin ông 100 triệu thêm vào số tiền vừa bán nhà để mua đất.
Rất yêu Lợi nhưng số tiền đó với ông cũng không hề nhỏ, ông nói sẽ cố gắng cho Lợi 20 triệu đồng. Lời qua tiếng lại, hờn dỗi không được, cô tuyên bố làm ông choáng váng: “Anh đừng chạy làng, hứa đủ thứ rồi lại quên. Em đã có bầu rồi, vì yêu anh quá mà hôm đó cảnh yêu đương của chúng mình em đã ghi lại bằng điện thoại di động. Em sao sang đĩa VCD gửi anh nhé!”.
Ông nghĩ đến bà vợ “sư tử” mà thấy gai ốc nổi khắp người. Sau đó ông buộc phải bán bớt cổ phần trong công ty để chuyển tiền cho Lợi. Lợi cũng không làm ở công ty nữa mà về mở một quán cà phê trong phố nhỏ. Mối tình một đêm chấm dứt.
Những cuộc tình nơi công sở mang màu sắc của sự vụ lợi, dù “lợi tình” hay “lợi tiền” đều không có kết quả tốt đẹp. Cũng có thể tình và tiền luôn là thứ làm cho một số người bị mê hoặc mà phớt lờ tất cả.
Trong thực tế, không ít giám đốc quyền uy là thế mà phải cay đắng cho tay vào còng vì đã đem tiền chùa ném vào những cuộc tình bạc tỉ. Cũng không ít các “chân dài” không chịu lao động, chỉ mơ ước làm giàu trong cuộc tình một đêm, để rồi không ít người trở thành nạn nhân của những bà vợ “Hoạn Thư”. Một số ít đã kết thúc cuộc đời trong khói ma tuý, trong những trại dành cho người mang bệnh ết… Chuyện về người đẹp một thành phố biển là một ví dụ. Cô từng thốt lên: “Tiền không phải là tất cả… hạnh phúc không mua được bằng tiền”.
Tình yêu bị áp đặt chỉ là thứ phù du, nhưng mất mát thì có thể là cả một đời người. Những cuộc tình chóng vánh, những sự đam mê về thể xác hay những ham muốn về tiền bạc không chính đáng không thể thay thế được hạnh phúc của một gia đình. Hãy biết dừng lại khi đã có biển báo, thế mới đúng luật.
Theo Pháp Luật & Xã Hội