“Bắt thóp” những anh chàng hay tán

(Dân trí) - Ăn mặc chải chuốt, có thể tụ tập cà phê sáng, trưa, chiều, tối và nhất là có thể “bàn luận” mọi chuyện trên trời dưới bể, đó là hình ảnh dễ bắt gặp nhất của những anh chàng gặp đâu tán đó.

Tiện đâu tán đó

 

Năm học vừa kết thúc, trút được gánh nặng áp lực bài vở, Mạnh và đám bạn của cậu dành thời gian này tụ tập nghỉ hè cho đã. Tối nào cũng vậy, cứ 8 rưỡi ăn cơm xong, các cậu lại ra ngồi dãy quán cà phê đường Nam Cao hoặc Trần Huy Liệu. Các cậu đều có một sở thích chung “bình thường” giống như bao chàng trai khác: ngắm và tán con gái đẹp.

 

Mỗi lần nhìn thấy có bóng hồng nào ra vào quán là Mạnh còn “hăm hở” ra xin số điện thoại, nick chat của các bạn ấy. Cô gái vừa đi khuất, là Mạnh cùng đám chiến hữu tha hồ bình phẩm, “tám” không ngừng nghỉ:  “Em này ngon không mày?” - “Dáng được nhưng mặt hơi xấu” - một anh bạn khác tiếp lời; “91 mà trông dừ phết nhỉ, tao thích cái em mặc áo trắng đi bên cạnh hơn, có vẻ non” - Q.Khánh (18 tuổi) “chốt” lại. Sau đó các cậu truyền cho nhau số điện thoại của mấy cô bạn và cá cược xem ai sẽ là người “cưa” được trước.

 

Tiện đâu tán đó, Mạnh và đám bạn tự đặt tên cho hội của mình là “Tùy Phong”. Cái tên này được Mạnh giải thích là vì các cậu “kết” câu nói kinh điển của nhân vật cùng tên trong bộ phim “Thập diện mai phục”: Gió không ngừng thổi, thích đến đâu thì đến, dừng chỗ nào thì dừng, thế mới gọi là “Tùy Phong. Các cậu nghịch ngợm nhí nhố chuyển thành “gặp em nào tán em đó, tán em nào chết em đó”.

 

Có lần, nhóm “Tùy Phong” tán phải một nhóm các cô gái cũng không vừa. Vừa xin số điện thoại xong, tưởng các em đã đi xa không nghe thấy gì, một cậu bạn trong nhóm “bô bô”: “con ranh con này còn chắc mới học lớp 8 hay lớp 9 thôi, thỉnh thoảng tao hay gặp trong bể bơi Thành Công mà. Tí tuổi mà đã biết đong đưa rồi…”. Ai dè “con ranh con” đó nghe được, kéo tất cả đám bạn nữ đi cùng vào xỉa xói, mắng mỏ làm ầm cả quán. Có em cũng không vừa: “Hơn được bọn này mấy lớp mà tinh tướng, toàn một lũ con trai mồm như cái… vịt ấy”.

 

Bình thường vênh váo, tự đắc là thế, vậy mà hôm đó cả nhóm chả thấy ai “mạnh mồm” nữa. Không nói ra nhưng chắc hẳn các anh chàng này cũng có một bài học để bớt cái tính tiện đâu tán đó.

 

1001 chuyện để tán

 

Mới đầu chỉ là tán cho vui miệng, ngồi để “tán gái”: “Thì cũng như đi nhậu ấy, đã có bia thì phải có đồ nhắm. Bọn mình đi cà phê thì phải coi “tán chuyện” là đồ nhắm, không tán gái được thì tán những cái khác cho thêm phần gia vị”.

 

Sau rồi thành quen, cứ ngồi gọi dăm cốc cà phê, vài điều thuốc lá là các cậu có thể tán đủ thứ trên trời dưới bể. Lạ là ở chủ đề nào, các cậu đều tỏ ra vô cùng “uyên thâm” hoặc cũng “dày dặn” từng trải lắm. 16 tuổi, sang năm mới lên lớp 12 mà K.Sơn đã ngồi “phán” doanh nghiệp này, công ty nọ nên hay không mua cổ phiếu. Mẹ làm ở một ngân hàng lớn trong thành phố nên cậu cũng biết chút ít thông tin về tài chính, vài lần đèo mẹ lên “sàn” đợi phiên đặt tiền nên Sơn “tán” vô cùng “nuột”: “Mày kêu bố mày mua theo mẹ tao ấy, tháng sau chia cổ tức thì ôm vô luôn. Mà chơi vài chục triệu thì chơi làm gì, chả bõ lên xếp hàng viết giấy. Như tao, mỗi lần đặt là phải vài trăm củ”. Mấy cậu bạn nghe xong cũng có phần “nể” Sơn, nhưng có ai biết rằng, mẹ cậu toàn nhận cầm tiền hộ mấy đồng nghiệp ở cơ quan đến mua hộ cổ phiếu “chỉ đâu đánh đấy”.

 

Từ trong năm đến đầu hè vừa rồi, Quang(1988) và Sơn “chân dài”(1989) đã “kinh” qua nhiều công việc khác nhau. Bán hàng ở shop quần áo, phụ quầy bar, lại cả nhặt bóng ở sân tennis 3 tối/tuần, lương không nhiều nhưng các cậu được nghe và “học” được ối chuyện từ các “đại gia” bụng bự thích vung tiền ra mua trò tiêu khiển. Đến khi bạn bè tụ tập gặp nhau, hai cậu cứ “kẻ hứng người tung” làm cho cả những người ngồi xung quanh cũng phải “mắt tròn mắt dẹt”. Hàng hiệu nào các cậu cũng “phát giá” cực chuẩn, chỗ ăn chỗ chơi trong thành phố thì “thuộc nằm lòng”, nói chuyện ở đâu 2 cậu cũng như “chuyên gia” diễn thuyết. Vậy là trong đám con trai chơi cùng nhau, Quang và Sơn lại được tiếng là “hiểu biết rộng”.

 

Cái gì cũng biết nhưng chỉ biết nửa vời, nghe người khác thì câu được câu mất nhưng những anh chàng như trên lại rất thích “nổ”. Nhưng “kiến thức” của các cậu cũng chỉ “lòe” được vài người bạn “cùng lớp, cùng khu phố”. Như Quang và Sơn đi dự sinh nhật một cô bạn gái cùng lớp, ngồi “tán” rất hăng. Đến sáng hôm sau, cả lớp đã truyền tai nhau chuyện anh trai của cô bạn kể toàn thấy 2 cậu đi nhặt bóng và lau gậy làm 2 cậu xấu hổ và cũng “xịt” luôn, không dám “nổ” nữa.

 

Kiến thức còn nông cạn, chưa bằng ai nhưng không ít các chàng trai chỉ thích tán “một tấc đến giời”. Lúc đầu các bạn chỉ nghĩ đó là chuyện vui đùa, nói để cho “đã” mà chưa lường hết được những “tai bay vạ gió” mà “sẩy miệng” mang lại. Thói quen dần hình thành tính cách, tính cách làm nên bản chất con người. Các chàng trai đừng để trong con mắt người thân, bạn bè và cả đồng nghiệp, các cậu “được” xếp vào hàng “chuyên gia tán láo, giáo sư chém gió”.

 

Ly Vũ