Bao lâu rồi ta không chia sẻ vui buồn với nhau...
(Dân trí) - Có phải cuộc hôn nhân nào cũng vậy? Đến một thời điểm, người trong cuộc bỗng nhận ra quan điểm của hai người quá khác biệt nhau.
Vốn có ngoại hình ưa nhìn, con nhà gia giáo, hồi con gái em có không ít người theo đuổi. Ngày ấy trong mắt em, anh nổi trổi hơn những người đàn ông khác dù anh không đẹp trai nhất, không có thu nhập cao nhất, là vì anh có cùng sở thích âm nhạc và đọc sách với em, vì anh tỏ ra rất tinh tế, quan tâm đến từng cảm xúc nhỏ nhặt của em.
Lúc mới yêu thật vui biết bao nhiêu, khi em tâm trạng không vui, từng cái nhíu mày, từng ánh mắt buồn bã của em cũng được anh nhìn thấu. Anh tìm mọi cách an ủi, động viên em, khiến em vui bởi những hành động rất đáng yêu như tặng một bó hoa xinh, đưa em đi ăn món yêu thích.
Vậy mà khi đã nên vợ thành chồng, sự quan tâm, tinh tế của anh cứ vơi dần rồi biến mất hẳn. Có phải cuộc hôn nhân nào cũng vậy? Đến một thời điểm, người trong cuộc bỗng nhận ra quan điểm của hai người quá khác biệt nhau. Em đề cao sự gắn kết, chia sẻ trong hôn nhân. Còn với anh, chỉ cần bình thường, không cãi vã, ai làm việc người nấy, kinh tế ổn định là đủ.
Em không chỉ cần một đối tác trong hôn nhân, em còn cần một người chồng đúng nghĩa. Em cần anh chia sẻ lúc vui vẻ, đồng cảm lúc suy sụp, buồn bã. Nhưng anh tỏ ra mất kiên nhẫn với những điều ấy, anh bảo rằng chỉ có những cô gái mới lớn mới đa sầu đa cảm như vậy. Em đâu có giận hờn vô cớ, đâu có bắt anh phải chiều chuộng như bà hoàng, chỉ là em không vô cảm được như robot.
Hôm qua lại một lần nữa em “trượt” phỏng vấn. Thời buổi COVID kinh tế khó khăn, em vừa xin đi làm lại sau 6 tháng nghỉ sinh em bé, em gửi đơn đi rất nhiều công ty, chỉ được vài nơi gọi điện mời phỏng vấn, nhưng đều không thành, chỗ thì trả lương quá bèo, chỗ yêu cầu quá cao, chỗ thì từ chối ngay khi biết em đang nuôi con mọn. Anh bảo em hãy ở nhà anh nuôi, nhưng em không muốn như vậy, phụ nữ dù chồng có đủ sức nuôi, vẫn nên tự chủ kinh tế.
Em hoang mang lo sợ kiến thức, kinh nghiệm của mình tụt hậu sau thời gian bầu bí, sinh con, em rất buồn vì cứ hy vọng một cơ hội sắp đến rồi lại thất vọng khi họ thông báo em chưa phù hợp. Vậy mà anh đã không một lời động viên thì thôi, còn cười mỉa mai: “Anh đã bảo em mà không nghe”. Anh đánh em mà không cần động tay động chân, anh đánh vào hy vọng, sự tự tin, lòng tự trọng của em.
Dạo này, niềm vui duy nhất của em là con. Anh đi làm cả ngày không có thời gian ở cạnh con nhiều nên anh vừa về nhà là em sẽ tíu tít kể chuyện con đã học được những kỹ năng gì, hôm nay con cười như thế nào, khóc như thế nào, làm nũng ra sao. Anh chẳng phản ứng gì ngoài đáp lại “thế à” đầy dửng dưng. Khác với những ông bố khác sẽ sà vào ôm hôn con ngay sau đi làm về, việc đầu tiên anh làm khi về nhà là nằm kềnh ra sofa, tay cầm điện thoại lướt facebook và nhờ em mang cho cốc nước mát.
Em không biết anh không hề có chuyện buồn, vui gì ở cơ quan hay là anh không muốn kể với em, nhưng mỗi lần em hỏi anh dạo này thế nào anh đều đáp lại như máy: “Thế nào là thế nào, bình thường thôi”.
Giữa chúng ta ít có cãi vã, vì em không hay gây sự, anh cũng không thích to tiếng. Nhưng không phải vì thế mà em thấy cuộc hôn nhân này không dậy sóng, em đang cảm nhận thấy những cơn sóng ngầm mà chắc anh không thể hiểu hoặc không muốn hiểu.
Em thấy những xa cách ngày càng lớn dần, em thấy sự kết nối giữa hai ta ngày một lỏng lẻo. Em phải làm sao để anh của ngày xưa quay về?