Báo động đỏ nạn bạo hành gia đình

Nhiều vụ bạo lực gia đình liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây đã một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về vấn nạn này.

Bạo lực gia đình xuất hiện ở tất cả mọi nơi 

 

Theo báo cáo của Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em, 30% số phụ nữ bị đánh đập, lạm dụng cưỡng bức bằng nhiều hình thức do người chồng gây ra. Đến năm 2007, nạn bạo hành trong gia đình vẫn tiếp tục gia tăng, gây bức xúc lớn trong dư luận xã hội.

 

Thống kê cho thấy 97% nạn nhân của các vụ bạo hành đều là người phụ nữ. Nạn nhân - những người vợ, người mẹ trong gia đình phải chịu bao uất ức, tủi hờn cả về thể xác lẫn tinh thần bởi đủ mọi lý do từ phía các đức ông chồng của họ: ghen tuông, nát rượu, mâu thuẫn gia đình,...

 

Một cuộc khảo sát ở Hà Nội, Phú Thọ và Thái Bình vào năm 2007 chỉ ra rằng có đến 40% những người phụ nữ được hỏi thừa nhận có bạo lực trong gia đình mình. Con số này chắc chắn không thể bằng con số thực tế bởi quan niệm về bạo lực gia đình ở mỗi người một khác, chưa kể có những trường hợp e ngại không dám nói thật.

 

Những vụ bạo hành vẫn liên tiếp diễn ra ở khắp mọi nơi, và gần đây nhất là chuyện vì ghen tuông bóng gió mà Nguyễn Công Chính (SN 1967) ở Tu Hoàng, Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội đã nhốt vợ mình vào chuồng chó gây xôn xao, phẫn nộ trong dư luận suốt thời gian qua.

 

Nhiều người còn mơ hồ về khái niệm “bạo hành gia đình”

 

Một nghiên cứu gần đây cho thấy, nguyên nhân trực tiếp gây ra bạo lực gia đình rất phức tạp, có thể từ rượu và mượn rượu 60%, kinh tế 60%, cờ bạc 20%, ngoại tình-ghen tuông 16%, học vấn thấp 13%, ma tuý 10%, thiếu hiểu biết pháp luật 5%, nguyên nhân khác 17%.

 

Trên thực tế, còn quá nhiều người mơ hồ về khái niệm “bạo hành gia đình”. Trong xã hội đã từng một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, việc chồng “dạy” vợ là lẽ thường tình khiến nạn bạo hành càng có cơ hội để hoành hành. Thêm vào đó, nhiều khi người bị bạo hành không ý thức được quyền lợi của mình nên cứ tiếp tục cam chịu. Còn người gây ra bạo hành thì không nhận thức được hành vi sai trái của mình, nên cứ “hồn nhiên” vi phạm pháp luật.

 

Có thể chia những hành vi bạo hành làm bốn dạng: bạo lực thể chất (đánh đập), bạo lực kinh tế (đập phá, cắt thu nhập), bạo lực tình dục, bạo lực tinh thần. Nói chung có muôn hình vạn trạng với các dạng bạo hành trên.

 

Như chị Ng L. (Gia Lâm, HN) từng bị chồng là kĩ sư xây dựng cấm bước chân ra khỏi nhà, cả đi chợ cũng là việc của mẹ chồng. Có những lần chị ra ngoài xin việc, khi về nhà hàng tháng trời chồng chị không thèm nhìn mặt, không ăn, không ngủ cùng, cũng không đưa tiền tiêu cho vợ. Việc hành hạ tinh thần khiến chị không thể chịu nổi, 1 lần chị đánh liều về nhà mẹ đẻ, ngờ đâu bị chồng lấy giá giày đánh vỡ đầu, rách đuôi mắt, gãy 1 đốt sống, mất hoàn toàn sức lao động, có nguy cơ bị liệt sau phẫu thuật.

 

Trường hợp khác là chị T.Đ. cũng bị chồng hành hạ bạo ngược mà không biết kêu ai. Chị từng là cán bộ một xã ở Phú Thọ, sau phải bỏ việc về phục dịch cho người chồng bạo ngược ấy, thỉnh thoảng anh ta lại dọa giết vợ...

 

Đã đến lúc cần có những biện pháp mạnh hơn để khắc phục tình trạng bạo lực gia đình liên tiếp xảy ra bởi đây là vấn đề vi phạm nghiêm trọng đến quyền con người, đến nhân phẩm, danh dự thậm chí cả tính mạng của nạn nhân. Luật Phòng chống bạo lực gia đình có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/7/2008 sẽ góp phần vào việc xử lý nghiêm khắc các đối tượng mang máu côn đồ trong gia đình.

 

Theo Thúy Nga

Sức khỏe & Đời sống