Bàn về hai tiếng kiềm chế
(Dân trí) - Gần đây liên tiếp xảy ra các vụ án nghiêm trọng liên quan đến mâu thuẫn vợ chồng, cha mẹ, con cái, kết thúc là những cái chết thương tâm. Điều đáng tiếc xảy ra do mâu thuẫn tích tụ đến đỉnh điểm và người trong cuộc không kiểm soát được bản thân, dù họ đều là trí thức, có địa vị trong xã hội.
Hẳn chưa ai quên vụ anh T. cùng con trai nhảy lầu tự tử, tại lô D, chung cư P.V.C, quận Bình Thạnh TPHCM; tại Kiên Giang một bác sĩ trong lúc tức giận đã đánh vợ đến chết; tại Phú Yên, thượng úy quân đội bắn chết mẹ vợ là trung tá công an… Tất cả đều là hậu quả của việc không biết kiềm chế.
Vai trò của kiềm chế trong đời sống gia đình
Khả năng kiềm chế là một trong bảy tiêu chí đánh giá chỉ số EQ - chỉ số xúc cảm. Đây là chỉ số quy định sự thành đạt về lối sống trong cuộc đời, là khả năng hòa nhập gia đình và cộng đồng.
Ngay cả trong cư xử với con cái cũng rất cần kiềm chế. Khi con phạm sai lầm, bố mẹ vội quát tháo, la mắng thì khó có thể dạy con biết kiềm chế. Đứa con sẽ dễ phủ nhận, cãi lại. Chính sự không kiềm chế của bố mẹ dẫn đến sự không kiềm chế của đứa con.
Trong gia đình, chỉ phụ nữ mới cần kiềm chế?
Đàn ông thường nóng tính hơn phụ nữ. Nhưng đó mới là nói đến số đông, còn trong xã hội có nhiều gia đình ngược lại, bà vợ rất nóng tính, ông chồng lại có khả năng kiềm chế tốt hơn.
Bạn hẳn cũng đồng ý rằng: Tất cả mọi người tùy từng hoàn cảnh cụ thể đều cần biết cách kiềm chế, kiềm chế cả đôi bên khi xảy ra xung đột chứ không phải một bên cứ tiến còn bên kia mãi lùi.
Hai bên cãi nhau, nếu thấy bên này quá nóng thì bên kia phải lùi. Trong mọi mặt của cuộc sống, trong quan hệ với con cái, bạn bè, đồng nghiệp…, ta cũng cần theo nguyên tắc đó.
Kiềm chế là bản năng hay kết quả quá trình rèn luyện?
Có người sinh ra bản tính đã ôn hòa, hiền dịu. Họ là những người có khả năng kiềm chế tốt. Nhưng kiềm chế cũng có thể rèn luyện được nếu như mỗi người tự ý thức được sự cần thiết của nó đối với bản thân.
Kiềm chế đối ngược với nóng nảy. Kiềm chế, đó là sự điềm đạm, nhẫn nhịn.
Điềm đạm là cái tính thản nhiên bình tĩnh, không để cho ngoại vật động đến tâm của mình. Người điềm đạm làm chủ được tình cảm và ý chí của mình.
Người nóng nảy thường do hai nguyên nhân:
Thứ nhất, có thể người nóng nảy là người thông minh, học một hiểu mười cho nên nhiều khi vô tình đòi hỏi người khác phải giống như mình và rồi đâm ra tức tối, nóng giận khi không toại nguyện.
Thứ hai, người hay nóng nảy tức giận có thể là người đang bị giằng co trong cuộc sống hoặc nơi thể chất, thể xác hoặc trong đời sống tâm linh.
Người nóng nảy có thể học kiềm chế được.
Học như thế nào?
Thấu hiểu và điều khiển được cảm xúc
Nhớ rằng cảm xúc giận dữ là chuyện bình thường, ai cũng có lúc giận dữ. Tuy nhiên, cách thể hiện cảm xúc ấy như thế nào, chấp nhận được hay không chấp nhận được mới là điều đáng nói.
Muốn vậy, đầu tiên, ta cần hiểu nguyên nhân nào làm ta giận dữ. Khi bạn bắt đầu giận hãy cố gắng tự hỏi cái gì làm mình giận. Do sự việc đang diễn ra hay do nguyên nhân sâu xa từ những bức xúc của ta về thể xác và tinh thần? Như vậy ta đã cho ta cơ hội bình tĩnh lại.
Đôi khi ta bực tức chuyện ở cơ quan, nhưng về nhà lại giận dữ với vợ con vì những lý do vớ vẩn. Trong trường hợp này, điều cần thiết là thư giãn, nghỉ ngơi, tĩnh tâm hoặc chia sẻ tâm sự với ai đó.
Đừng đáp lại cơn giận bằng sự giận dữ
Có ai đổ thêm dầu vào lửa không? Sự bực bội của bạn sẽ làm tăng cơn giận của cả bạn và người đối diện. Tình trạng căng thẳng sẽ không kiểm soát được.
Hãy kềm chế cơn giận của chính mình trước, cố gắng giữ giọng ôn tồn, bình tĩnh, không chỉ trích, không miệt thị. Làm được thế ta sẽ điều khiển được hành động và cảm xúc của ta và người đối diện.
Làm nguôi cơn giận
Khi có dấu hiệu cho thấy bạn hay người kia bắt đầu nổi nóng hãy nhanh chóng đi ra khỏi môi trường căng thẳng đó, uống ly nước, hít thở sâu, nghe nhạc, đi chơi… sẽ giúp bạn thoát khỏi rắc rối. Rồi khi cơn giận qua đi, chúng ta giải quyết vấn đề trong sự bình tĩnh, chắc chắn sẽ có kết quả tốt hơn.
Phạm Thị Thúy - Nguyễn Thị Kim Cúc
Chuyên san Trí Tri