Băn khoăn của bà nội vừa ở quê lên thành phố chăm cháu
Khác với sự hồi hộp và phấn khởi của tôi, con dâu có vẻ không thích tôi lên nhà nó. Chưa kịp chào hỏi, nó đã giao cho tôi một đống việc: Quần áo chưa giặt, bát chưa rửa, nhà chưa lau, cháu chưa tắm...
Thanh Tâm thân mến!
Tôi có chút chuyện băn khoăn nhưng không biết nên kể với ai, vì chỉ cần nói vài câu với hàng xóm ở quê là y như rằng hôm sau cả xóm biết chuyện. Việc cũng tế nhị trong gia đình thôi, nên không biết tâm sự với Thanh Tâm từ đâu nữa.
Con trai và con dâu tôi làm việc trên thành phố. Nhà có 2 đứa con trai, thì cả 2 đứa đều đi làm xa hết, chỉ có 2 vợ chồng già ở nhà. Tôi có mở một quán tạp hóa nhỏ, buôn bán để có chút thu nhập, 2 ông bà già chăm nhau, đỡ phải lệ thuộc vào phụ cấp của con cái.
Anh cả thì thông minh từ nhỏ, học hành cũng tốt nên tốt nghiệp đại học xong là tìm được việc luôn. Sau mấy năm cố gắng làm, hiện giờ nó cũng có chút địa vị trong công ty. Vợ nó là giảng viên đại học. Con dâu cả của tôi ngoan lắm, biết thu vén gia đình, chăm sóc nhà cửa. Sinh 2 đứa nhưng 2 vợ chồng nó tự thu xếp thuê được người giúp việc, không phải nhờ đến bà nội, bà ngoại trông giúp. Mỗi lần lên thăm cháu, tôi chẳng cần làm gì, chỉ có chơi cùng chúng. Mỗi lần về, con dâu cả đều mua quà biếu tôi mang về.
Thằng út cũng học giỏi, ngoan nhưng đi làm thì công việc gặp nhiều khó khăn, thu nhập cũng thấp hơn anh nhiều. Nó mới lấy vợ được 2 năm, vợ chồng nó mới có con. Chúng tính tự chăm con đến 6 tháng thì nhờ tôi lên giúp để đi làm. Tôi thấy vợ chồng nó khó khăn, vất vả, mà ở nhà cũng chỉ có cái tiệm tạp hóa nhỏ, để ông ở nhà bán cũng được nên tôi đồng ý.
Cháu gần được 6 tháng thì tôi chuẩn bị mấy bộ quần áo rồi bắt xe lên Hà Nội để trông cháu cho con dâu đi làm. Nhưng khác với sự hồi hộp và phấn khởi của tôi, con dâu có vẻ không thích tôi lên nhà nó. Chưa kịp chào hỏi, nó đã giao cho tôi một đống việc: Quần áo chưa giặt, bát chưa rửa, nhà chưa lau, cháu chưa tắm... Tôi biết là cảnh con mọn vất vả và nhiều việc nhà, nên cũng hiểu và thông cảm cho nó. Chăm con mà, bà mẹ nào cũng thế cả. Nhưng nó cẩn thận quá, việc gì tôi làm nó đều xuýt xoa: "Mẹ làm như thế này không được rồi. Mẹ rửa bình cho Bơ thì cần rửa bằng cái giẻ này và loại nước rửa này. Bát đĩa nhà mình thì mẹ rửa bằng cái giẻ này và loại nữa kia". "Ôi, quần áo của Bơ mẹ không được giặt chung như thế đâu!". "Mẹ lúc nào cũng nhầm, đây mới là loại mình ăn, loại dầu ăn này đắt lắm đấy, chỉ dành cho Bơ thôi, mẹ dùng sai thì tốn lắm đấy!"... Những điều này khiến tôi cảm thấy áp lực.
Biết rằng con dâu cẩn thận khi chăm con nhưng tôi cũng đã từng làm mẹ, nuôi 2 đứa con trưởng thành, vậy mà khi tôi làm gì đều cảm thấy con dâu không ưng ý. Mỗi lần bế cháu mà cháu khóc là con dâu lại chạy tới, không cần biết lý do, bế lấy cháu và cưng nựng như tôi vừa bí mật "véo" nó một cái ấy... Mỗi lần như thế, tôi lại cảm thấy tủi thân, đã chăm cháu không công mà còn thấy khổ hơn đi làm giúp việc.
Tiền sinh hoạt trong nhà là một việc tế nhị. Tôi rất muốn hỗ trợ chúng nó. Nhưng Thanh Tâm biết đấy, quán tạp hóa nhỏ của tôi chỉ bán trà nước lặt vặt, tôi đi vắng, ông nhà mải đi đánh cờ cũng hay đóng cửa làm mất nhiều khách. Đã vậy lên chăm cháu tôi cũng không lao động để kiếm thêm được đồng nào. Tiền vợ chồng con cả có biếu, tôi đều gửi tiết kiệm để sau còn dưỡng già. Mấy triệu mang theo khi lên chăm cháu cũng đã hết. Mà con dâu chỉ mua đồ cho cháu, đồ ăn trong nhà đa phần là tôi đi chợ từ sáng nhưng tiền thì con dâu không gửi thêm. Tôi không biết nên nói chuyện với chúng như thế nào. Chẳng lẽ mỗi lần đi chợ đều ngửa tay xin tiền. Theo Thanh Tâm, tôi nên giải quyết chuyện này ra sao?
Tôi không ngại khó, ngại khổ, thương con thương cháu, bảo sao tôi cũng làm. Nhưng 2 đứa con dâu, mỗi đứa mỗi tính, thật khiến tôi suy ngẫm quá.
Hoàng Lan (Hà Nam)
Bà Lan thân mến!
Theo Thanh Tâm, bà nên nói chuyện với cả 2 vợ chồng con út. Bà lên thành phố là để giúp các con trông cháu, thuận tiện cho việc đi làm. Ông cũng có tuổi và ở nhà chỉ có một mình, bữa đực bữa cái nên cuối tuần hay cuối tháng cần tạo điều kiện để bà về thăm ông.
Bà lên Hà Nội chăm cháu nên bị mất thu nhập ở nhà, tiền sinh hoạt trong tháng, 2 vợ chồng cần lễ phép gửi nhờ bà đi chợ giúp, chứ không được để bà tự lo liệu. Hơn nữa, bà chưa quen với cách chăm trẻ con theo cách mới thì cần hướng dẫn bà nhiều lần. Bà có tuổi rồi nên hay quên, không được tỏ thái độ. Nếu thực hiện được thì bà ở lại giúp, còn không thì 2 vợ chồng tự lo liệu, bà về quê ở với ông cho thoải mái.
Chia sẻ chân thành và thẳng thắn, Thanh Tâm nghĩ các con sẽ nhận ra điều chưa đúng của mình và thay đổi cho phù hợp. Bà đừng nghĩ ngợi nhiều, rồi so sánh giữa các con làm chúng lại buồn bà nhé. Chúc mẹ con bà cởi mở, chân thành để cuộc sống gia đình lúc nào cũng vui vẻ, thoải mái.