Góc tâm hồn
Bài học nấu ăn
(Dân trí) - Đã đến lúc phải học hỏi bí kíp gia đình. Những điều đặc biệt sẽ chẳng bao giờ được ghi lại trên giấy hay dù chỉ là truyền miệng. Sự im lặng này cần được phá bỏ và tôi sẽ dồn mọi can đảm để tiếp cận mẹ.
Tôi 19 tuổi, đã đính hôn. Là chị cả lớn nhất trong 3 chị em gái, tôi sẽ là người đầu tiên rời tổ. Tuy nhiên, tôi sẽ không ra đi khi chưa biết được những điều bí truyền. Vậy nên tôi ngồi xuống cạnh mẹ, hít một hơi thật sâu và thốt lên, “Con muốn học công thức nấu nước sốt spaghetti của mẹ”.
Vậy đó, những lời nói đã được thốt ra. Nhưng điều kinh khủng nhất vẫn chưa tới. Tôi sợ lời đáp của mẹ vì tôi biết bà sẽ nói gì. “Chẳng có công thức gì đâu. Nó ở trong đầu mẹ thôi”.
Chúng tôi chọn một ngày để truyền đạt bí kíp: tối thứ năm. Mặc dù sự kiện này chẳng ảnh hưởng gì tới an ninh quốc gia, nhưng chắc chắn nó rất quan trọng trong thế giới của tôi. Món nước sốt làm sẵn không xứng đáng với tình yêu của đời tôi. Anh ấy rất đặc biệt và điều đó có nghĩa, anh ấy xứng đáng được hưởng những bữa ăn đặc biệt - những bữa ăn nấu ở nhà - với các nguyên liệu như món nước sốt nổi danh thế giới của mẹ. Đây là sự kiện đáng để tôi gạt bỏ mọi kế hoạch và tiếp cận mẹ.
Tôi ước gì nó chỉ đơn giản là chuyện quan sát mẹ trong khi bà nấu nướng. Mẹ là người đầu bếp tài giỏi nhưng không thích có kẻ dính mũi vào việc của bà trong bếp. Mẹ thích ở đó một mình hơn và những đứa con gái chúng tôi hiểu rõ rằng tốt hơn là đừng làm phiền trong khi bà giải quyết việc bếp núc. Ngay cả cha tôi cũng lảng đi khi bà đang làm việc. Kế hoạch của tôi là ngồi trong bếp và ghi chép cẩn thận từng bước một khi bà chuẩn bị cho món nước sốt, và điều đó cũng giống như việc dấn thân vào vùng nước nguy hiểm chưa từng được khám phá.
Ngày thứ 5 đã tới trong tâm trạng đề phòng gia tăng. Tôi vội vã rời nơi làm việc về nhà, nhanh chóng thay đồ và ngồi trên chiếc bàn trong bếp với tập giấy và chiếc bút. “Mẹ đừng lo. Con sẽ không làm vướng chân mẹ đâu. Thậm chí mẹ sẽ không biết có con ở đây nữa cơ”.
Mẹ nhìn tôi ý nói, “Tôi đã biết cô ở đấy rồi mà”. Mẹ đặt chiếc nồi không lên bếp lò và bắt đầu thái hành. Tôi quan sát và hỏi câu đầu tiên: “Hành đó to thế nào hả mẹ?”
“Ý con là gì cơ, to thế nào hả? Nó là hành mà”.
Mẹ đang quay lưng về phía tôi nhưng tôi chắc bà đang nhướng mắt lên.
“Con biết đó là hành, nhưng nó là hành nhỏ, trung bình hay cỡ lớn?”
Mẹ thở dài: “Ta bảo đó là hành cỡ trung bình”.
Tôi ghi xuống: một ít hành cỡ trung bình, thái miếng xinh xắn.
Thế rồi bà lại với lấy củ tỏi, gỡ ra vài tép và nghiền nát chúng.
“Mẹ cho bao nhiêu tép?”
“Hai… trừ khi chúng nhỏ, còn không con chỉ cần 1 tép thôi”.
Tôi viết y hệt như thế xuống giấy.
Mẹ đổ một ít dầu ô liu vào nồi, rồi thêm hành, thêm tỏi.
“Mẹ chờ đã nào! Mẹ dùng bao nhiêu dầu ăn thế?”
“Mẹ không biết. Đủ dùng cho nồi sốt thôi”.
Tôi phớt lờ vẻ bực bội đang dâng lên trong lời nói của bà. “Vâng, nhưng mà là bao nhiêu ạ?”
“Điều đó phụ thuộc vào cỡ cái nồi. Miễn sao đủ để phủ toàn bộ đáy xoong thôi. Con phải tự ước lượng”.
Tôi không muốn phải ước lượng. Tôi muốn có một công thức mà.
Mẹ trút một hộp cà chua nghiền vào hỗn hợp trong nồi. Sau đó mẹ thêm hỗ hợp đó với hành.
Tôi cầm cái hộp rỗng và ghi lại kích cỡ. “Nhưng sao mẹ lại mất công trộn cà chua đã xay nhuyễn nhỉ?”
“Bởi vì đó là cách mẹ làm. Con ở đây để dạy mẹ nấu nước sốt hay để học đây?”
Rồi mẹ đổ từng phần súp cà chua, nước sốt cà chua và bột cà chua vào hỗn hợp. Tôi ghi lại cỡ của từng hộp rỗng sau khi bà đổ xong.
Trong khi tôi viết, mẹ lấy ra một bó mùi tây và bắt đầu thái. Bốc một nắm mùi tây đã thái, bà rắc nó lên hỗn hợp.
“Mẹ chờ đã! Tôi nhảy lên và nắm cổ tay bà. “Mẹ đã cho vào cà chua bao nhiêu mùi tây thế ạ?”
“Một nắm”.
“Nhưng mẹ ơi, một nắm là bao nhiêu chứ? Bàn tay mẹ nhỏ hơn tay con mà!”
Tôi cầm một cái muỗng đo lường và trút số mùi tây của bà vào đó, ghi lại số lượng. Sau khi trộn mùi tây và cà chua, bà đổ hỗn hợp đó vào nồi. Tôi có thể nghe thấy bà bắt đầu lầm bầm gì đó, nhưng thật may dường như mọi chuyện cũng sắp kết thúc. “Mẹ ơi con quên chưa hỏi. Mẹ sẽ nấu hành trong bao lâu trước khi thêm những thứ khác vào?”
“Khi dầu bắt đầu nổi tăm, giữ sôi trong khoảng 5 phút”.
Rồi bà đổ một ít bột bạc hà vào lòng bàn tay rồi tới bên bếp lò, một lần nữa tôi ngăn bà lại. Tôi cẩn thận đổ toàn bộ số bột trên tay mẹ vào chiếc thìa đo lường. “Á à, chỉ là một thìa cà phê”. Tôi chạy lại tập giấy và ghi xuống.
“Vậy đó. Đun sôi tất cả mọi thứ trong khoảng 1 giờ đồng hồ”.
“Vâng… nhưng mẹ ơi? Đây là lần thứ hai mẹ nói “đun sôi”. Chính xác nó có nghĩa là gì ạ?”
Mẹ cố kiềm chế trước khi trả lời. “Nó có nghĩa đun với ngọn lửa nhỏ”.
Nồi nước sốt đang sôi lên và mẹ cũng vậy.
Tôi chờ một lúc rồi mới mạo muội hỏi nốt câu cuối cùng. “Chúng ta xong rồi hả mẹ?”
“Phải, xong rồi. Bây giờ cứ đun - để sôi - trong một giờ đồng hồ. Sẽ chẳng còn gì để con ghi chép nữa đâu, vì thế xin con ra khỏi bếp trước khi làm mẹ phát điên lên”.
Một giờ sau đó, tất cả chúng tôi ngồi vào bàn ăn tối. Em gái tôi là người đầu tiên phát biểu ý kiến. “Mẹ? Món sốt hôm nay không ngon như mọi lần mẹ làm. Mẹ đã nấu kiểu khác ạ?”
“Tất nhiên là không rồi. Nó có đủ những thành phần mẹ vẫn thường làm mà, à chờ chút nào”. Mẹ làm bộ nhăn nhó rồi nhìn tôi cái nhìn đầy ngụ ý. “Mẹ quên đường… và muối và hạt tiêu nữa”.
Cả nhà phá lên cười còn tôi thì muốn ngồi lọt thỏm xuống ghế.
Tôi đã học được bài học quan trọng hôm đó: Một loạt hướng dẫn tuần tự từng bước cho việc chuẩn bị các nguyên liệu bạn quên mua, trong những dụng cụ nấu ăn bạn không có, sẽ làm nên món ăn mà đến chú cún cũng chẳng muốn xơi.
Giờ đây chúng tôi đã lấy nhau được hơn 30 năm, và người chồng rất đặc biệt của tôi luôn được phục vụ món nước sốt spaghetti đặc biệt nhất.
Dương Kim Thoa
Lược dịch theo Ava Pennington