Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11:

Bài học đầu tiên

(Dân trí) - Cô Đào là cô giáo lớp Một của tôi. Buổi đầu tiên đến trường tôi là đứa duy nhất trong lớp không khóc lóc hay mè nheo bố mẹ bởi cô Đào ở sát cạnh nhà tôi, tôi biết cô hiền khô, chẳng việc gì phải sợ.

 
Bài học đầu tiên


Điều khiến một con bé hiếu thắng như tôi lo sợ là việc không được làm lớp trưởng. Tôi mê chức lớp trưởng kinh khủng, từ thời mẫu giáo tôi đã xung phong làm quản lớp thế nên ngay buổi học đầu tiên tôi giơ tay xin làm lớp trưởng. Các bạn khác nhìn tôi bằng ánh mắt ngưỡng mộ và lem luốc nước mắt. Tôi thấy lòng vui như mở cờ, vui hơn cả lúc được nhận một lần hai phiếu bé ngoan.

 

Cô Đào mất gần cả buổi sáng để dỗ dành lũ học trò vừa xa bố mẹ vài tiếng đã nhớ nhung đến bần thần người và cứ run bắn lên mỗi lần cô chạm nhẹ vào vai. Khó khăn lắm mới xếp được hơn hai chục đứa lóc nhóc vào hàng lối ngay ngắn. Việc gian nan tiếp theo là dạy tôi tập hô. Cô đến khan cả giọng. Chỉ là những hiệu lệnh đơn giản như “Lớp nghiêm”, “Đằng sau quay” hay “Cả lớp chào cô giáo” mà tôi không tài nào nhớ nổi. Tuy nhiên tôi cũng không lấy đó làm buồn lòng bởi lúc ra về cô khen tôi hô dõng dạc và đã biết đứng nghiêm rất chuẩn.

 

Những ngày tiếp theo, việc học hành mới thật sự bắt đầu. Tôi đến khổ với bộ môn chính của chúng tôi - môn tập viết. Tôi thuận tay trái, những việc khác tôi làm bằng tay trái chẳng ai cấm nhưng riêng việc cầm bút thì nhà trường cấm tiệt. Cô Đào đã kiên nhẫn giúp tôi thay đổi thói quen này, cô thường cầm tay tôi nắn nót đưa từng nét. Thế nhưng lúc có cô tôi làm bộ cố gắng nguệch ngoạc bằng tay phải, cô quay lên bảng thì tôi lại hí hoáy viết bằng tay trái bởi làm như vậy thì tôi mới viết nhanh và đẹp hơn con bé ngồi bên cạnh.

 

Chẳng việc gì là lọt qua mắt cô, ngoài tôi ra còn nhiều bạn không nghe lời. Đứa thì không chịu nhớ chữ “ô” là phải thêm dấu nón, đứa thì bôi hết mực lên áo bạn. Cô biết hết nhưng chẳng bao giờ quát mắng bọn tôi. Nhìn cô chạy lui chạy tới trong lớp, mồ hôi lấm tấm trên trán và luôn miệng khuyên nhủ từng đứa, bỗng dưng tôi thấy cô rất giống mẹ tôi mỗi lần hì hục dọn dẹp hay nấu nướng cho cả nhà. Một cảm giác trìu mến ùa đến, tôi thương cô như thương chính mẹ mình thế nên tôi tự nhủ phải quyết tâm viết đẹp bằng tay phải. Thế mà lòng quyết tâm đấy không kéo dài được lâu, ngày hôm sau tôi lại nhớ phát điên tay trái của mình, lại lén lút dùng tay đấy để viết, công cuộc luyện chữ của tôi mới thật là gian nan!

 

Tôi còn thương cô Đào bởi một lý do khác. Đôi mắt cô rất buồn. Mỗi sáng đến lớp tôi thấy quầng mắt cô lờ mờ màu xanh tím, nhiều khi trên cánh tay hay bên má của cô cũng có vài vệt màu lạnh lẽo ấy. Chẳng cần ai bảo, tôi thừa biết đó là do chồng cô đánh.

 

Không có ngày nào là chồng cô khỏi say rượu. Việc ông đánh đập, chửi bới, cầm dao rượt đuổi mẹ con cô chạy quanh xóm cũng thường xuyên như cơm bữa. Bà con lối xóm và các bác cán bộ xã khuyên giải có, răn đe cũng nhiều nhưng ông ta để ngoài tai hết thảy. Cách hay ho nhất mọi người có thể nghĩ ra là “trời không chịu đất thì đất chịu trời”. Có người bạn khuyên cô Đào ly dị chồng, cô bần thần chẳng dám nghĩ tới tờ đơn ly hôn mà nghĩ ngay đến cảnh cả làng dè bỉu chuyện cô giáo bỏ chồng, chuyện các con sẽ không có cha, chuyện cha mẹ cô bị dèm pha là không biết dạy con chịu thương chịu khó.

 

Thế rồi một bận, con bé Út nhà cô ốm nặng. Chồng cô còn về nhà rút hết tiền đi trả nợ cờ bạc. Một mình cô ôm con vào bệnh viện, cả đêm cô khóc đến cạn nước mắt vì đã phải bán nốt căn nhà để có tiền chữa bệnh cho con. Sau đó cả làng tôi được một phen chấn động khi cô ra tòa nộp đơn ly hôn. Thuở đấy còn cổ hủ, cô giáo tôi đã phải chịu đựng rất nhiều lời ra tiếng vào. Tôi thì thấy cô dũng cảm vô cùng.

 

Nhiều năm sau người ta nói mãi cũng chán, mẹ con cô đã xây lại được mảnh nhà, các con cô lần lượt vào đại học. Tôi cũng đã lớn khôn và quên cách viết chữ bằng tay trái. Một lần về quê ghé qua ngôi trường làng, tôi vẫn thấy cô miệt mài đưa từng nét chữ cho các em nhỏ. Chợt nhớ bao năm rồi đến một lời cám ơn tôi còn chưa kịp nói, cám ơn cô không chỉ vì những nét chữ đầu đời mà còn bởi bài học làm người đầu tiên: Số phận do chính ta quyết định.

 

Bình Tâm