“Bác sĩ bảo cưới”
Ngày càng xuất hiện nhiều đám cưới, là sự tổ chức "cho rồi" của người có trách nhiệm, biến ngày vui nhất trong đời thành câu chuyện buồn, mà nguyên nhân sâu xa của nó cũng tại các cô cậu "vội ăn trái cấm".
N.A sau khi học hết phổ thông tiếp tục theo ước mơ của mình, nhưng mối tình tuổi học trò vẫn để lại nỗi nhớ ám ảnh trong tâm hồn cô. Còn N., người yêu của A., thì tiếp tục mài dùi kinh sử đợi mùa thi năm sau.
Nhưng nỗi nhớ người yêu không buộc được chân N., thế là lâu lâu cậu tranh thủ thời gian đi thăm người yêu. Mỗi lần gặp nhau là một lần tình cảm của họ lại càng thắm thiết.
Trong những cuộc gặp gỡ đó, A. và N. đã "vui vẻ" quá đà, nhưng phải đến ba tháng sau A. mới đau đớn biết được kết quả đêm hôm ấy của hai người.
Đám cưới của A. cũng được tổ chức mặc dù gặp sự phản ứng, không đồng tình của gia đình hai bên. Gia đình A. thì không muốn có một thằng con rể như N., bởi N. học hành chẳng ra gì, lấy gì đảm bảo tương lai cho con gái mình.
Nhưng họ cũng "nghiến răng" thúc cưới bởi cái bụng bầu của A. ngày càng to lên. Còn gia đình N. thì cho rằng, chắc chi "sản phẩm" đó đã phải của con mình. Vả lại, N. chỉ mới 21 tuổi, ăn chưa no lo chưa tới.
Đám cưới của A. và N. diễn ra trong không khí buồn bực của gia đình. Dù là con nhà giàu có nhưng đám cưới A. không kiếm đâu ra một tiếng nhạc, không một lời mời mặn mà từ phía gia đình. Nhìn ngày vui của A. buồn tẻ quá, bạn bè ngồi trong bàn tiệc khuấy động cuộc vui một tí bằng những tràng vỗ tay và hát tại chỗ.
Nhưng, không ngờ người thân của A. ra "dặn dò" với vẻ khó chịu: "Có vui vẻ chi mà các anh chị hát hò dữ vậy, lúc này không phải là để anh chị chúc mừng nhau". Thế là cuộc vui như đổ vỡ, mọi người không đủ kiên nhẫn ngồi nán lại, mỗi người một ngả ra về trong im lặng.
Vậy mà, không ngờ đám cưới của A. và N. là một cuộc gặp gỡ để chia tay, bởi tuần sau bạn bè được tin A. và N. đã khăn gói vào Nam sinh sống. Nghe tin mà bạn bè ai cũng xót: liệu A. và N. có vượt qua được những ngày khó khăn của đời mình không. Tất nhiên ước mơ học tập của A. cũng không còn.
Khác với đám cưới của A. và N., ngày vui của P.H.Đ và H.K trở thành ngày buồn đáng nhớ trong cuộc đời của hai đứa và là nỗi thất vọng lớn của bạn bè.
Đ. đang là sinh viên Trường trung học Giao thông vận tải, là cậu ấm trong một gia đình giàu có. Còn K., là một cô gái bán cà phê khôn ngoan trước tuổi. Thế là, thói quen "sáng sáng uống cà phê, tối tối uống cà phê" đã nảy sinh tình cảm giữa cậu sinh viên với cô chủ quán.
Mãi một thời gian, một buổi đi học còn một buổi Đ. ở luôn ở quán K. Cứ ăn dầm ở dề cả tuần, lâu lâu mới lên nhà "tiếp đạn" một lần. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, cái bụng của K. ngày càng to ra trước sự suy sụp tinh thần của Đ. Đây là cú sốc làm cậu sinh viên này choáng váng.
Chỉ còn 3 ngày nữa là đám cưới mà Đ. rối ren không biết mời những ai. Thế là cậu chuyển cho mấy đứa bạn thân, mỗi thằng vài cái thiệp. Cứ thế mà đi "phát tán" cho đám bạn bè ở xa.
Có người ngày mai ăn đám cưới mà tối nay mới nhận được lời mời qua cú điện thoại. Buồn cười hơn vì rối trí nên người bạn gái thân hồi học cấp 3 bị cậu quên luôn. Sáng lại bạn bè tới rủ cô này đi ăn đám cưới...
Nghĩ mà giận thằng Đ. nhưng ai cũng bảo: "Tha cho nó, bởi mấy ngày nay thằng Đ. "nhiều tâm trạng" lắm, có lẽ nó quên". Đám cưới chẳng được vui vẻ gì vì gia đình cậu "dị ứng" với cô dâu... Đ. vì buồn nên đã vui vẻ với bạn bè quá chén.
Dù bạn bè đã biết trước điều này nhưng cũng không thể can được. Chú rể vì say vào phòng nằm còn cô dâu ngồi một mình bên chiếc ghế. Gia đình thấy vậy, cho dừng âm nhạc cho dù tiếng hát của một người bạn đang vang lên.
Mọi người chưa ngồi tiệc được lâu, cuộc vui đã tàn mà không có lời kết, nó để lại cho bạn bè một cảm giác khó chịu. Ngày vui không được trọn vẹn, bạn bè của Đ. kéo nhau ra quán tổ chức cuộc hậu đám cưới để giải hạn cho "ngày buồn" của thằng bạn.
Không giống với hai đám cưới trên, đám cưới của K. và H. còn ngặt nghèo hơn. K. vừa tốt nghiệp CĐSP, đang chờ quyết định nhận công tác thì "ngạc nhiên" trước cái bụng mình ngày một to ra. Còn H. đang là sinh viên năm 2 trường xây dựng, ít hơn K. hai tuổi.
Mặc dù rất buồn bực nhưng gia đình K. cũng thúc bên gia đình H. sang "định" chuyện trăm năm cho hai đứa, chuyện vốn chẳng hay ho gì nhưng âu cũng là duyên phận của con cái. Song, ngặt nỗi ba mẹ H. dứt khoát không chấp nhận.
Thời gian trôi qua, cả gia đình K. sống trong trạng thái âu lo. Sau bao lần thuyết phục nhưng không được ông, bà gật đầu. Cuối cùng H. đòi làm "dại" nên chú bác bên gia đình H. đành đứng ra tổ chức đám cưới cho cháu.
Ngày mai là đám cưới, nhưng cả tuần nay K. như người mất hồn. Cô chẳng chuẩn bị gì cho mình trong ngày đại lễ. Trong gia đình K. không mấy ai mặn mà với công việc cưới xin. Mọi việc từ trang phục ngày cưới đến mời bạn bè đều nhờ tay mấy đứa bạn thân thời sinh viên.
Có một điểm chung là ngày vui nhất trong đời của những đôi uyên ương này, không được gia đình và người thân hai bên ủng hộ. Ngày cô dâu đẹp nhất trong đời con gái, mà chẳng ai để ý đến khuôn mặt, chỉ tập trung con mắt vào cái bụng của cô dâu, xem nó to nhỏ thế nào. Một điều thật chua xót!
Bây giờ người dự đám cưới ngày càng chứng kiến nhiều hơn kiểu đám cưới "chạy", cho "rồi việc" của những người có trách nhiệm, trong đó có những bậc làm cha làm mẹ. Đây là một bài học lớn với những cô cậu còn ngồi trên ghế nhà trường đã vội "ăn cơm trước bữa".
Nhưng, thiết nghĩ những đám cưới... buồn có một phần lỗi rất lớn của những người có trách nhiệm, những người làm cha làm mẹ. Lúc này, dù sao "chuyện cũng đã rồi" nên cũng đừng quá dồn ép con cái, đừng làm cho không khí ngày vui thêm căng thẳng, mà cần có thái độ cư xử, động viên lúc tinh thần con cái đang khủng hoảng. Đừng biến ngày vui nhất trong cuộc trăm năm của con cái thành ngày buồn trong cuộc đời.
Theo Trần Trung Thông
Thanh Niên