Bà vợ Hoạn Thư đỏm dáng
Hẹn trao đổi công việc lúc 8 rưỡi sáng ở một quán cà phê nhỏ, nhưng kim ngắn đồng hồ nhích dần sang con số 10 mới thấy chị uyển chuyển đi tới. Ăn vận phấn son lòe loẹt, chiếc áo cổ trễ gợi cảm, cung cách của một người lắm tiền nhiều của.
Hẹn trao đổi công việc lúc 8 rưỡi sáng ở một quán cà phê nhỏ, nhưng kim ngắn đồng hồ nhích dần sang con số 10 mới thấy chị uyển chuyển đi tới. Ăn vận phấn son lòe loẹt, chiếc áo cổ trễ gợi cảm, cung cách của một người lắm tiền nhiều của.
Chị hách dịch gọi một ly đen đá, ngúng nguẩy lôi từ chiếc túi da đen bóng tập tài liệu, hất hàm: “Anh về nhà xem qua, có gì thắc mắc a lô cho tôi, tôi sẽ kể chi tiết cho rõ”. Rồi vừa nhấp ngụm cà phê đen, chị “tường thuật” lại những trái khoáy của chồng chị - người đàn ông tên Thư.
Sau buổi gặp gỡ thân chủ hôm đó, luật sư H tìm hiểu, thu thập thông tin về vị thân chủ đài các của mình. Hàng xóm xung quanh mỗi lần nhắc đến Huệ đều lắc đầu, lè lưỡi: “Cô ấy khiếp lắm. Người đâu mà kì cục”. Mãi sau luật sư H mới hiểu “kì cục” của họ mang hàm nghĩa gì.
Hai vợ chồng chị Huệ và anh Thư lấy nhau được 8 năm, bản tính ân cần, chu đáo, anh Thư chiều vợ hết mực, được thể chị Huệ càng lấn tới. Có lần chị đi nghỉ mát cùng công ty, để tạo bất ngờ cho vợ, anh ở nhà thay mới rèm cửa, trang hoàng lại đồ đạc trong nhà với hi vọng mang lại niềm vui cho chị.
Nào ngờ chị về nhà bù lu bù loa, nói anh không tôn trọng vợ, chê ỏng chê eo cái rèm cửa màu xanh ngọc xấu xí, lạc điệu hoàn toàn với ngôi nhà theo kiến trúc kiểu Pháp, tường treo vài bức tranh rẻ tiền, mất thẩm mỹ. Như bị hắt gáo nước lạnh vào mặt, anh Thư nín nhịn bỏ lên tầng.
Tưởng thế là xong, chị chạy thốc tháo lên phòng, nói anh khinh thường chị, vợ đang nói mà chồng lẳng lặng bỏ lên trên. Rồi có bao nhiêu đồ đạc trong nhà chị đáp thẳng xuống đất. Không chịu được cách hành xử vô lối của vợ, giận quá, anh ôm gối xuống phòng khách nghỉ. Đêm hôm khuya khoắt, chị lôi đứa con gái 6 tuổi ra thuê khách sạn nghỉ vì nhà ngoại mãi tận Nghệ An, nếu không chắc chị cũng tìm đường về quê ngoại.
Biết tính vợ đỏng đảnh, làm gì anh cũng lựa, tránh xung đột vợ chồng. Tưởng thế là yên thân nhưng Huệ chẳng để yên. Hơn nữa, vợ có tính ham mê shopping, dăm ba ngày lại vác về nhà một đống quần áo mới, toàn hàng hiệu đắt tiền. Quần áo thừa mứa mặc không hết, có cái vợ mới xỏ một lần lại vứt xó, xót ruột, Thư góp ý với vợ nên tiết kiệm, chị được đà suy diễn: “anh tiếc tôi dăm ba đồng bạc lẻ”.
“Ngày xưa bảo tôi thích gì làm nấy, nay tôi mua vài bộ quần áo anh mắng mỏ, cấm đoán tôi”, rồi chị lôi xềnh xệch cô con gái ra khách sạn nghỉ, đợi vài ngày sau chồng ra xin lỗi lại về. Chưa hết, Huệ lại có tính ghen bóng, ghen gió dù chồng rất mực nghiêm cẩn, đứng đắn. Mỗi lần chồng đi làm về, chị lại săm soi xem trên áo có vương sợi tóc, dấu son nào không. Chán nản cuộc sống vợ chồng, anh Thư đề nghị ly hôn, chị mắng anh ruồng rẫy vợ con, nghi kị anh theo bồ trẻ. Chị còn lớn tiếng: “nếu ly hôn thì tôi phải là người đệ đơn chứ không phải anh” và chị tìm tới luật sư H để “tìm công bằng”.
Nghe người hàng xóm mục sở thị hoàn cảnh gia đình chị Huệ, luật sư H nghe mà toát hết cả mồ hôi. Ông nhớ tới lời thân chủ của mình trước rời khỏi quán cà phê hôm trước: “trong cuộc hôn nhân này, tôi là người bị hại. Tôi hi sinh tất cả vì chồng vì con vậy mà bị đối xử tệ bạc. Anh phải đòi lại công lý cho tôi”. Vị luật sư lắc đầu: “hú hồn, chả biết ai mới là người “bị hại”. Anh xin rút khỏi vị trí luật sư trong cuộc ly hôn này, bởi ngay từ đầu thân chủ đã không thành thật với anh, đồng tiền quan trọng nhưng đạo đức nghề nghiệp còn quý giá hơn.
Theo Đang yêu