Nhân Ngày của Cha:

“Ba, con tha thứ cho ba”

(Dân trí) - Tôi bước lên thềm, ba tôi đã ngồi ở đó. Tôi chào ba, ba nhìn tôi. Thật lâu sau ba cười thật hiền rồi nói: “Chào chị, chị mới sang chơi”. Nước mắt tôi rơi. Ba đã quên tôi, quên con gái của ba thật rồi.

“Ba, con tha thứ cho ba” - 1

Tôi sinh ra ba đã sống xa nhà. Suốt tuổi thơ mấy anh em tôi hầu như chỉ biết có mẹ. Ấn tượng trong tôi hồi nhỏ chính là mỗi năm ba về một hai lần vào dịp tết hoặc vài ngày phép, mang theo cho mỗi đứa một manh áo mới, rất nhiều những viên đường phèn, đường phổi. Áo của ba thường có một mùi rất thơm, rất đặc trưng, sau này lớn lên mới biết, đó là mùi nước hoa.

Tôi là con gái duy nhất trong nhà, được ba khá chiều chuộng. Những ngày ít ỏi ba về, ba thường chở tôi trên chiếc xe đạp ra cửa hàng ngoài thị trấn. Khi thì ba mua cho tôi đôi giày, khi thì chiếc bờm tóc xinh. Tuy nhiên, với ba, tôi chưa từng có cảm giác gần gũi như các bạn có cha ở nhà cày ruộng.

Năm tôi mười lăm tuổi, tôi mới biết ba tôi có bồ. Nói là bồ, họ đã sống chung nhiều năm như vợ chồng, chỉ là do số mệnh nên không có con. Trước đây, tôi vẫn nghe người làng xì xào, tôi ghét họ vì nghĩ rằng người ta nói xấu ba. Nhưng đêm hôm ấy, nghe ba mẹ cãi nhau vì chuyện này, lòng tôi buồn như ai xé. Điều đáng buồn hơn, mẹ tôi đã biết điều đó từ lâu rồi.

Một đứa con gái ở tuổi mới lớn ẩm ương, thật chẳng dễ dàng gì chịu đựng được chuyện đó. Nhất là mỗi khi ra đường nghe người ta hỏi han một cách vô duyên: “Này D., ba mày có bồ trong Nam hả”. Tôi hận là mình không thể biến mất, hận không thể khâu miệng người ta lại.

Tôi ghét ba. Tôi không thể không tỏ thái độ, tôi nói những lời hỗn láo. Ba mắng tôi mất dạy. Ba chửi tôi, còn nói không có đưa con gái này. Tình cảm tôi dành cho ba dần như làn khói mỏng. Ba có vẻ như cũng không thương tôi nữa. Tôi viết trong nhật ký của mình: “Ước gì con có thể chết đi”. Ba đọc được, dùng bút đỏ gạch chân và viết dưới đó một câu hỏi: “Sao không chết?”. Câu hỏi đó trở thành nỗi ám ảnh, mãi mãi là vết thương trong lòng tôi.

Mẹ đã khóc rất nhiều với tôi. Mẹ nói không phải mẹ không đau khổ nhưng mẹ chịu đựng chia sẻ tình cảm là vì chúng tôi. Nếu không có ba, một mình mẹ không thể trông vào mấy sào ruộng mà nuôi mấy anh em tôi khôn lớn học hành. Tôi cũng từng trách mẹ rất nhiều. Sao mẹ có thể chịu khổ như thế chứ. Mẹ chỉ nói “đời mẹ chẳng còn gì để tiếc, mẹ sống là vì các con”.

Lá rụng về cội. Ba về hưu, về quê, về bên mẹ. Tôi vào đại học, bắt đầu cuộc sống xa nhà. Ba có vẻ biết lỗi, trầm lặng hơn xưa. Mẹ nói ba thay đổi nhiều, ba quan tâm mẹ hơn. Cả cuộc đời mẹ cũng chẳng còn gì để mất nữa, cũng không còn muốn sống trong trách móc tủi hờn. Mẹ tha thứ cho ba, họ cùng nhau bình yên đón tuổi già. Nhưng tôi thì không thể.

Những lời cay nghiệt ngày xưa ba mắng chửi tôi để bênh vực người đàn bà đó, những nhiếc móc ba dành cho tôi chưa một ngày mờ phai trong tâm trí. Vì ba, tôi đã trải qua thời niên thiếu đầy nước mắt không thể quên đi. Vì ba, tôi đã bước vào đời với nỗi hoài nghi lo sợ về tình yêu, về niềm tin, lòng chung thủy. Ba quan tâm tôi như muốn chuộc lại lỗi lầm, như muốn bù đắp. Chỉ có điều tôi đã quen không có sự quan tâm của ba rồi, cũng thấy không cần thiết nữa.

Ngày tôi lấy chồng, ba đưa tôi lên xe hoa, ba trao tay tôi cho người đàn ông tôi yêu, nói rất nhẹ nhàng: “Hãy mang hạnh phúc lại cho con gái của ba nhé. Nó khổ nhiều rồi”. Lúc đó ba quay mặt đi, hình như lau nước mắt. Thế nhưng tôi lại không hề xúc động.

Trong mỗi chặng hành trình sau này ba đều ở bên tôi. Là ngày tôi lấy chồng ba tiễn tôi lên xe hoa. Là ngày tôi sinh con, ba xách chiếc giỏ đồ ngồi chờ ở hành lang bệnh viện. Là những ngày tôi ở cữ, tôi nằm trong buồng nhìn ra ngoài sân thấy ba đang ngồi hì hụi giặt tã cho cháu. Ba còn tự đi chợ mua chân giò rồi hầm đu đủ cho con tôi có đủ sữa…

Rất nhiều lần ba ở rất gần tôi nhưng tôi lại không có cảm giác chạm vào được ông. Một khoảng cách trái tim rất xa mà dù ba có cố gắng bao nhiêu hình như cũng không chạm gần tôi được. Mẹ nói tôi cố chấp quá, ba đã thay đổi rồi và ba luôn hi vọng tôi có thể tha thứ cho ba. Mẹ nói ba rất thương tôi. Tôi đã khóc rất nhiều: Sao ba không thương con sớm hơn?

Năm năm trước, ba được chẩn đoán bị teo não, trí nhớ ngày một suy giảm. Mẹ nói tôi đừng giận ba nữa, thời gian còn được bao nhiêu? Những chuyện đã qua rồi mang trong lòng làm gì cho nặng trĩu. Mẹ nói ba không làm khổ tôi nữa, là tự tôi làm khổ tôi, tự giày vò tôi thôi.

Hôm nay tôi về, ba không còn nhận ra tôi nữa, Ánh mắt của ba, nụ cười của ba thật hiền, như thể chưa từng chửi mắng, chưa từng gắt gỏng, chưa từng nói rằng cả đời này không muốn có đứa con gái như tôi.

Tôi có thương ba không? Có đứa con nào lại không thương ba mình chứ. Tôi đã thèm khát biết bao khi thấy cha con nhà người ta thuận hòa ấm áp. Tôi đã thèm biết bao được một lần thấy ba dang rộng vòng tay ôm. Chỉ là khoảng cách ba đã từng tạo ra quá lớn. Cảm giác bị ba ghét bỏ, bị ba hắt hủi khi xưa luôn là nỗi mặc cảm lớn trong lòng. Rất nhiều lần, nhất là vào đêm giao thừa, nhìn ba ngồi đốt thuốc ngoài hiên, mặt ngước lên trời, tôi từng rất muốn ôm ba nói lời chúc mừng năm mới. Nhưng tôi không làm được, chưa từng đủ can đảm để làm.

Bây giờ thì ba đã quên rồi. Ba không còn nhớ tôi là ai nữa. Ba gọi tôi bằng chị như một người dưng. Ba cười với tôi hiền lành quá đỗi. Tôi cầm lấy bàn tay ba, cảm giác như trở về tuổi mười ba mười bốn khi xưa được ba chở đi mua giày, níu tay ba ríu rít.

Ba à, con tha thứ cho ba. Con xin lỗi vì đã không tha thứ cho ba sớm hơn.

Dzung