Áp lực công việc và “chuyện ấy”

(Dân trí) - Chị An điện thoại cho chuyên viên tư vấn hỏi: Chồng chị hồi mới cưới “dũng mãnh” như cọp mà nay anh về đến nhà là… ngủ. Chị im lặng tìm hiểu lý do. “Không bồ bịch, không bia ôm, phải chăng ảnh đã chán tôi rồi?”.

Hỏi ra mới biết công ty anh đang ăn nên ra làm, công việc bù đầu, anh chưa có một bữa ăn nào trọn vẹn vì “dế” kêu liên hồi, gặp gỡ đối tác, ký kết hợp đồng rồi tìm hướng ra mới cho sản phẩm.

 

Chuyên viên tư vấn giải thích rằng: Do áp lực công việc quá căng thẳng nên anh chẳng còn giờ mà nghĩ đến “chuyện ấy”. Chị vẫn không tin, bởi “cơ quan chủ quản” vẫn còn nguyên thì tại sao “nó” không hoạt động?

 

Anh Trần Thành D. là giám đốc một công ty có đối tác ở nước ngoài. Anh bay qua, bay lại giữa hai đất nước, lo làm ăn ở công ty, về đến nhà lại mở laptop ra làm việc. Buông máy tính anh chỉ làm được mỗi việc là tắm rồi lăn ra ngủ. Có đêm đang ngủ anh chồm dậy, tính toán, vẽ vời…tới sáng.

 

Bà xã bị “ăn kiêng”, bị bỏ quên ngày này sang ngày khác luôn thắc mắc: Chắc ổng “đi Tây” bù khú với gái Tây ngon lành hơn nên chán mình. Phải chi kẻ tình địch là “ta” để mình cho một trận, đằng này “nó” ở tận chân trời nào mình sao biết được.

 

Bà vợ lo lắng đến mức sụt cân. Đi khám được bác sĩ chẩn đoán là “tâm bệnh” khuyên chị nên đi du lịch, chơi thể thao và ngủ đủ. Nhân chuyến anh xuất ngoại, chị xin đi theo. Thấy công việc của anh ngập đầu lại chẳng tiếp xúc với cô Tây nào, chị mới giải tỏa được nghi kỵ. Dù vậy chị vẫn thắc mắc: Tại sao anh ấy lại thay đổi như thế?

 

Chị Vũ ngọc Oanh lại kêu ca theo kiểu khác. Chồng chị làm ăn giỏi nhưng thường xuyên vắng nhà. Hôm nào anh cũng nhậu đến 12 giờ khuya mới về chỉ để ngủ. Khi anh tỉnh rượu, chị nhẹ nhàng trách móc thì anh bảo: “Mình sống với nhau cả đời mà em, không lúc này thì lúc khác”.

 

Rốt cuộc hôm nào chị cũng bị “bỏ đói” món ăn tinh thần, anh coi nhậu hơn cả vợ. Chịu hết nổi, chị đã có cuộc tình vụng trộm với người khác. Kết cục được báo trước là cuộc đánh ghen kinh hoàng làm chị ê chề. Chồng chị biết chuyện mới ngộ ra: “Hòn vọng phu” của anh không được chăm chút thì “rêu phong” bám vào là phải.

 

Anh độ lượng tha thứ và siêng về nhà hơn. Đàn ông như anh dễ được mấy người? Nhiều chị đã thốt lên như vậy. Nhiều người cứ ngại khi nói đến hai chữ “tình dục” nhưng món ăn tinh thần này rất quan trọng với các cặp vợ chồng, đôi khi làm tan nát, khuynh đảo cả một gia đình và ảnh hưởng xấu đến môi trường xã hội.

 

Trở lại vấn đề áp lực công việc. Chẳng phải cứ doanh nhân mới chịu áp lực, ngay trong cơ quan nhà nước, trong gia đình, đôi khi cũng có những chuyện khiến ta bị stress. Chẳng hạn cơ quan đang chuẩn bị giảm biên chế, mình lại làm ở khâu được cho là dễ mất việc nhất; vợ chồng bất hòa, con cái hư hỏng, sa vào ma túy, bỏ nhà đi hoang… tất cả đều tạo ra những áp lực tâm lý nặng nề khiến trong cuộc đời mỗi người có lúc quên sex.

 

Những áp lực tâm lý làm chúng ta đắng miệng, không muốn ăn, không ngủ được dẫn đến suy giảm sức khỏe. Sự suy giảm sức khỏe lại kéo theo những rủi ro về công việc khiến “họa vô đơn chí” làm nhiều người trở thành bệnh nhân trầm cảm. Lúc này tình dục chẳng còn ý nghĩa gì.

 

Người phụ nữ đau khổ vì chồng con thường ngồi trong bóng tối, nước mắt lưng tròng, than thân, trách phận, đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho số phận. Nếu không điều trị kịp thời và giải tỏa tâm lý thì tình trạng sẽ nặng dần lên và trở thành bệnh nhân tâm thần thực sự.

 

Tình dục là một phần tất yếu của cuộc sống. Thời nay nhu cầu sinh con đã là hàng thứ yếu, nhu cầu hưởng thụ được coi là số 1, vậy mà áp lực công việc hay stress tâm lý đã tước bỏ mất cái phần quan trọng ấy.

 

Các giải pháp được đưa ra như chơi thể thao, xem phim tình cảm tâm lý xã hội, đi du lịch, vợ chồng dành thời gian ở gần nhau, dẹp hết ưu tư trong cuộc sống để “hâm nóng” tình yêu là những giải pháp hữu hiệu.

 

Một bữa ăn chung trong khung cảnh lãng mạn, phòng ngủ có ánh sáng dịu, chiếc áo ngủ nửa kín nửa hở của bà xã…là liều thuốc kích dục tuyệt vời nhất mà nhiều chị chưa phát huy thế mạnh.

 

Với các anh, sắp xếp công việc khoa học, giờ giấc hợp lý cho công ty và cho gia đình cũng là cách chống lại stress của công việc. Nên chăng hạn chế nhậu nhẹt, những cuộc chơi vô bổ vừa giữ gìn được sức khỏe vừa đảm bảo hạnh phúc gia đình.

 

BS. Lê Thúy Tươi

Chuyên san Trí Tri