Ăn bám cha mẹ già

Hằng ngày, trước cổng chợ Bình Tây (Q.6-TPHCM) luôn có một ông cụ ngoài 70 tuổi, gương mặt khắc khổ, bưng mâm kẹo bánh đi mời từng người mua.

 
Ăn bám cha mẹ già - 1


Nhiều người cảm thương, mua cho cụ ít bánh rồi hỏi han, an ủi. Ông cụ ứa nước mắt tâm sự: “Tôi có thằng con trai duy nhất năm nay 40 tuổi rồi nhưng suốt ngày chỉ ở nhà tụ tập ăn nhậu. Tôi đi bán về là nó chặn cửa vét hết sạch tiền. Nếu không đưa, nó làm trời làm đất, khi thì nó ném  chén bát, khi thì quăng quần áo ra đường. Vợ chồng tôi già lụ khụ, nói nó không nghe thì biết làm sao?”. Mỗi ngày, ngoài khoản tiền mua đồ ăn thức uống, ông còn lo tiền cho con ăn nhậu. Để có tiền, từ mờ sáng, ông cụ đã đón xe buýt đi bán đến chiều tối mới về.

 

Anh Minh Tân (Q.6) có vẻ thiện chí với việc đi làm hơn. Anh đã xin việc ở nhiều nơi nhưng làm ở đâu cũng chỉ được vài ngày là nghỉ ngang. Năm nay sắp bước vào tuổi băm nhưng anh Tân vẫn còn lông bông, không có việc làm ổn định. Dù cha mẹ có một gian hàng lớn trong chợ nhưng không mấy khi anh Tân phụ giúp. Mỗi lần cha mẹ nhờ vả việc gì, anh Tân lại tìm cách lẩn tránh vì đã quen không phải làm gì mà vẫn có người giúp việc dọn sẵn cơm nước. Cha mẹ nào cũng dễ dãi với con và chẳng hề so đo tính toán nên dù ở không nhưng đến tháng, anh Tân vẫn có tiền xài phủ phê.

 

Ngay cả khi lấy vợ về, dù cha mẹ dành sẵn một căn hộ nhưng anh không chịu ra riêng vì ngại… không kiếm được tiền lo cho vợ con. Vợ anh cũng không có nghề nghiệp gì, ngoại trừ những lúc được ba mẹ chồng nhờ ra chợ trông hàng tí chút, chị cũng ở không như chồng. Nhiều lần hàng xóm đã nghe cha mẹ anh Tân than vắn thở dài chuyện phải vất vả “nuôi hai cái tàu há mồm lười ở nhà, lớn xác nhưng không chịu trưởng thành”.

 

Trên đường Bà Huyện Thanh Quan (Q.3) có quán cóc của vợ chồng bác Tư. Từ 4 giờ, ông bà đã lục đục thức dậy lo dọn hàng. Nhiều người cứ ngỡ hai bác không có con ở chung nhưng thật ra, họ đang ở với cô con gái út 30 tuổi chưa lấy chồng. Ngày nào cũng vậy, sau khi dọn hàng xong, bác trai lo pha trà, cà phê cho khách, bác gái đon đả đi chợ. Về nhà, khi lo cơm nước xong, bác gái mới đánh thức con gái dậy.

 

Từ nhỏ, chị Nhàn - con gái bác Tư - gần như chẳng phải làm việc nhà. Sau khi thi rớt đại học, chị ở nhà luôn. Quán nhỏ chỉ lưa thưa khách, bác Tư không mấy khi gọi con gái dậy phụ việc. Không khuyến khích con học nghề hay tìm việc làm, bác Tư để con gái thoải mái ở nhà chơi không. Ngày chị còn tuổi đôi mươi, khi có người góp ý tập cho chị chuyện bếp núc, bán buôn  thì bác Tư lắc đầu bảo: “Cháu yếu lắm. Dậy sớm là hôm sau bị bệnh. Tính cháu lại hậu đậu nên không phụ bán hàng hay nội trợ đâu”.

 

Không chỉ thế, vợ chồng bác Tư còn lo cho con gái từng chút. Do được “bảo bọc” quá kỹ nên chàng trai nào đến tìm hiểu, chị Nhàn cũng không ưng vì… không ai chiều chuộng và thương yêu bằng cha mẹ. Gần đây, vợ chồng bác Tư ngày càng yếu sức mới giật mình nghĩ đến tương lai của con, khuyên chị đi học nghề may. Đã quen ăn không ngồi rồi nên chị Nhàn không chịu, chỉ muốn ở nhà.

 

Con không “nên”, do người lớn

 

Theo chuyên gia tư vấn, trong cuộc sống có không ít người thích sống dựa dẫm vào cha mẹ, người thân. Đó không chỉ do bản thân những người ấy không chịu học tập, rèn giũa để “trưởng thành”  mà có phần do được cha mẹ, người lớn nuông chiều, chăm lo và bảo bọc quá kỹ.

 

“Dạy con từ thuở còn thơ”. Để không có những người lớn không chịu trưởng thành, các bậc làm cha mẹ hãy quan tâm hướng dẫn tính tự lập cho con phù hợp với lứa tuổi, tính cách, sở thích để con tự xây dựng, phát huy tính tự lập và khi ra đời sẽ tự tin, không dựa dẫm vào người khác và không thất bại.

 

Theo NLĐ