Ai nỡ ép duyên

Không ít bậc phụ huynh vì lo lắng cho hạnh phúc của con, thấy "đối tượng" không phù hợp hay đôi khi vì sĩ diện của bản thân, gia đình mà ngăn cấm tình duyên, ép con phải từ bỏ người yêu, dẫn đến những hậu quả đau lòng.

Minh 30 tuổi, lập trình viên của một công ty truyền thông ở Lò Đúc, Hà Nội là con trai một, vốn rất ngoan ngoãn, thông minh, hiếu thảo, bị mẹ ra sức cấm đoán khi quyết định lấy Mai.

 

Ngày đưa Mai về ra mắt, anh đã rất vui mừng và nghĩ chắc mẹ sẽ không thể chê Mai - cô gái xinh xắn, dịu dàng, thông minh - được điểm gì nữa. Nhưng không ngờ, vừa nhìn thấy cô, mẹ anh đã sa sầm nét mặt, rồi tỏ ra khó chịu và viện cớ đi nằm.

 

Mấy lần trước, khi dẫn bạn gái về, thấy bà Kim, mẹ mình không vừa ý, Minh thường “giãn” ra ngay. Nhưng lần này lại khác, dù bà phản đối, Minh vẫn một mực: “Đó là người duy nhất mà con muốn lấy làm vợ”.

 

Nói thế nào con cũng không nghe, từ nhẹ nhàng khuyên bảo: “Nhìn nó yếu ớt, lại quê ở tận Vinh, lấy nó vào con chỉ khổ thôi”, đến quyết liệt: "Hoặc tôi hoặc nó”, bà Kim quay ra nhờ đến thầy bói. Nghe thầy phán hai đứa không hợp tuổi, bà càng có lý do để phản đối và ra tối hậu thư: “Con mà cố tình lấy nó, mẹ sẽ chết ngay cho con được toại nguyện”.

 

Đến bước này, Minh không thể không nghe. Mẹ đã ở vậy nuôi anh mười mấy năm rồi. Nhưng cũng từ khi chia tay Mai, anh buồn chán, suốt ngày rượu chè, chẳng còn ham mê gì công việc và cũng tránh nói chuyện với mẹ. Rồi một lần, đi ăn nhậu ở bên Gia Lâm quá về khuya, Minh say mèm nhưng vẫn lao xe trên đường và đâm vào đuôi một chiếc xe tải đang đỗ. Anh được đưa đi cấp cứu nhưng không thể qua khỏi.

 

Nhiều bậc phụ huynh nghĩ rằng mình ngăn cấm hay gán ghép chuyện tình duyên cũng chỉ vì yêu thương, lo lắng cho tương lai của con, và rằng với kinh nghiệm sống của mình, họ sẽ biết được điều gì là đúng, sai và có những quyết định sáng suốt cho nó.

 

Tuy nhiên, khi trưởng thành, con cái đã có cách suy nghĩ riêng, mong muốn được cha mẹ tôn trọng những quyết định của mình. Vì thế, nếu phụ huynh can thiệp thô bạo quá dễ khiến tình cảm với con càng xa cách, hoặc đẩy con đến bước đường dại dột như bỏ nhà đi, quan hệ tình dục, sa vào lối sống bê tha, có khi còn tìm đến cái chết...

 

Chuyện của Thúy, con gái ông bà Trình ở thị xã Sông Công, Thái Nguyên là một ví dụ. Thúy vừa tốt nghiệp Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội. Ba tháng trước, cô dẫn người yêu về ra mắt thì cả bố mẹ đều không ưa ra mặt.

 

“Nuôi con ăn học bao nhiêu năm để giờ con đưa một thằng ất ơ về nhà thế hả? Ăn học không đến nơi đến chốn, dân lái xe thì có ra gì đâu, trông mặt mũi còn nhâng nháo nữa chứ”, Thúy được bố mẹ cho một bài giáo huấn ngay khi chàng người yêu vừa ra khỏi cửa. Quân, bạn trai cô học hết cấp 3 thì xin làm lái taxi ở Hà Nội. Bằng tuổi cô, Quân khá trẻ con, lại ăn mặc hơi “bụi bụi” nên mất điểm ngay trong mắt phụ huynh.

 

Bố mẹ nói vậy nhưng Thúy kiên quyết không nghe và cố thuyết phục: “Anh ấy học thấp nhưng giờ đã có công ăn việc làm ổn định. Lái xe có gì xấu đâu. Với lại, hình thức trau chuốt chắc gì đã là người tử tế”.

 

Con gái nói gì thì nói, ông bà Trình nhất định tìm mọi cách ngăn cấm tình yêu “vớ vẩn” ấy. Họ bắt con chuyển từ ký túc xá đến nhà một người bác ở phố Khâm Thiên, Hà Nội ở cho dễ quản lý. Ông bố liên tục gọi điện cho con cảnh báo: “Mày mà còn quan hệ với thằng đó nữa thì đừng về nhà này”. Bà Trình còn nhờ bạn bè tìm ngay một công việc ở tỉnh và liên tục thúc giúc Thúy về quê làm, cách ly hẳn với “thằng ấy”. Một anh chàng tử tế, làm ở đoàn luật sư tỉnh cũng được các cụ “nhắm” sẵn cho con gái.

 

Thấy bố mẹ gắt gao quá, Thúy càng lao vào tình yêu với Quân. Và hai người đã chọn cách “thuyết phục” nhanh nhất là ăn cơm trước kẻng, để “khi mọi chuyện đã rồi, chẳng ai nói được gì nữa”, Thúy giải thích. Ông bà Trình nghe tin này như thấy “sét đánh ngang tai”. Tuy thương nhưng lại giận con quá, họ khăng khăng không chấp nhận đám cưới và quyết từ con.

 

Thúy lúc này không còn đường nào khác, chạy theo tiếng gọi tình yêu, về ở hẳn với Quân. Nhưng gia đình Quân, thấy Thúy tự theo về nhà chẳng cần cưới xin, lại mang cái bụng lùm lùm nên tỏ ra coi thường cô. Ở với nhau rồi, Quân không mấy khi quan tâm đến mẹ con Thúy, thường bỏ đi tối ngày. Buồn chán, lo lắng, lại thêm phần thiếu thốn, Thúy bị sảy thai. Cô cảm thấy suy sụp, mất phương hướng, nhưng cũng chẳng muốn quay về với bố mẹ đẻ.

 

Theo ý kiến chuyên gia tâm lý dù thấy người được con lựa chọn có nhiều điều không phù hợp, bố mẹ cũng chỉ nên góp ý, phân tích cách nhìn nhận khách quan của mình và lắng nghe ý kiến của con. Bằng thái độ nhẹ nhàng, khéo léo, cha mẹ có thể tỏ ra chấp nhận, để có cơ hội gặp gỡ, hiểu hơn về “đối tượng”, đồng thời dễ gần gũi, trò chuyện với con. Việc này tất nhiên phải kiên trì, mềm dẻo. Con cái nếu thấy thành tâm của cha mẹ cũng sẽ dần nhận ra và có quyết định đúng đắn.

 

Có không ít cha mẹ lại ngăn cản duyên của con chỉ vì “sĩ diện” của bản thân hay sợ xấu mặt gia đình.

 

Thanh và Tùng ở Thanh Oai, Hà Tây cũng rơi vào hoàn cảnh ấy. Thanh là cô gái xinh xắn, thông minh, lại rất đảm đang. Thanh chơi với Tùng từ nhỏ và được gia đình anh rất quý. Nhưng, từ khi biết Tùng yêu và có ý định lấy Thanh làm vợ thì cả nhà anh lại ra sức “bàn ra”. Lý do được bố Tùng đưa ra là: “Ông bà nội nó trước làm mõ, cả làng đều khinh, giờ anh cưới nó, người ta cười vào mặt chúng tôi à?”.

 

Nghe bố nói những điều này, Tùng thấy vô lý quá nhưng nói thế nào cả nhà cũng không thay đổi ý kiến. Bố mẹ anh còn tuyên bố xanh rờn: “Nếu anh thích lấy nó thì cứ lấy, nhưng nhất quyết chúng tôi không đứng ra tổ chức, cũng không bao giờ thông gia với nhà ấy. Rồi sau này cuộc sống hai đứa thế nào cũng mặc”.

 

Tùng đang chưa biết làm thế nào để thuyết phục gia đình thì đã nhận được lá thư Thúy viết lời chia tay, nói rằng cô đã vào miền Nam và không bao giờ gặp anh nữa. Thì ra, chị gái Tùng đã đi gặp Thanh, nói gần xa để “cô ta biết không bao giờ vào được cái nhà này”. Thanh vì tự ái, lại cũng nghe dân làng xì xào nên không thể chịu nổi và bỏ đi thật.

 

Sau chuyện này, Tùng đâm ra mất lòng tin ở gia đình và cũng chẳng còn màng chuyện cưới xin gì nữa. Bước sang tuổi 40, anh lầm lì, ít nói, bố mẹ có giục chuyện vợ con thì tỉnh bơ: “Đấy, bố mẹ xem có ai danh giá thì lấy cho đẹp mặt. Con chịu”.

 

Theo Minh Thùy

VNE

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm