Ai khổ hơn

(Dân trí) - Cô con gái sụt sịt gọi điện về cho mẹ: “Con khổ quá! Ở với mẹ chồng trăm ngàn bó buộc. Muốn tự chăm con cũng bị bà can thiệp vào, trong khi có những kinh nghiệm bà đưa ra sai bét.

 
Ai khổ hơn  - 1


Bà suốt ngày trù ẻo cháu. Mấy ngày đầu nó hay giật mình chân tay rung rung bà bảo “Tao sợ nó bị thần kinh, thấy bà Đoàn bảo thế”. Dù tức lắm nhưng con cũng nhẹ nhàng “Đứa trẻ nào chả thế ạ, đang ở trong bụng mẹ chặt chẽ giờ ra ngoài nên bềnh bàng thế thôi, thời gian sau sẽ hết”.

 

Rồi bà cứ đùng đùng đòi đi lấy thuốc cam cho nó uống, con giãy nảy: “Sao bà biết nó bị cam?”. “Tao tả, bà Thân bảo đít đỏ là bị cam”. “Bà ơi, cam phải là đỏ như quả nhót chín, đi ngoài phân hoa cà hoa cải, nhầy nhầy trong bốn, năm ngày liền cơ”.

 

Mẹ chồng con vốn ít chuyên môn và kinh nghiệm nên có bệnh, có lo lắng gì cứ đi “vái tứ phương” theo kiểu “Đẽo cày giữa đường” chả buồn chọn lọc. Cháu hay trớ bà cũng định nhờ người nhể nanh cho nó. Con sốt ruột bảo: “Y tế khuyến cáo không nên tự nhể nanh vì mất vệ sinh, dễ gây nhiễm trùng. Vả lại con nhìn rồi, thằng bé có đâu mà nhể ạ. Có nanh nó đã đau và chẳng thể bú tờm tợp suốt ngày như thế”.

 

Bà lại bảo nó trớ có thể là do tưa lưỡi kêu con đi lấy mật ong đánh tưa, con bảo: “Mật ong nóng không nên dùng cho trẻ dưới một tuổi và nếu nó bị tưa thì mới làm thế, đây ngày nào con cũng vệ sinh lưỡi cho cháu thì lấy đâu ra tưa. Trẻ con trớ là chuyện bình thường thôi ạ”.

 

Bà nội chiều cháu, nó hơi khóc bà lại giành bế nó theo cách của bà. Nó ngủ bà vẫn bế sau đó thì để nó ngủ với ông bà luôn, để mặc con nằm chơ vơ vô duyên trên chiếc giường rộng thênh thang, tủi thân lắm! Con đã bảo bao lần bà vẫn mặc kệ rồi làu bàu: “Ngủ ở đâu chả thế. Nó đói tao khắc bế sang rồi mày cho ăn”. Mẹ nghe có chịu nổi không?

 

Sợ cháu giật mình nên nó chỉ hơi ngọ nguậy, kêu một tiếng con còn đang vỗ mông nhẹ nhẹ cho ngủ tiếp thì bà đã nhảy bổ vào bế phắt nó lên để ru ngủ, rung rung, dênh dênh và nhún nhún. Báo hại con giờ cũng phải làm thế dù giữa đêm mỏi chân, mỏi tay, mỏi mồm và buồn ngủ ríu mắt. Trước chỉ cần cho ăn và vỗ mông là ngủ khin khít giờ cứ ăn xong nó phải gắt ngủ vài câu để được bế lên dênh rồi mới chịu ngủ. Giờ đêm nó cũng cứ gắt ngủ làm khổ cả nhà vì chỉ ngủ ngon khi được bế trên tay, đặt xuống là khóc, vậy là bà chửi mắng nó hư đốn, quấy quá. Nghe có buồn cười không? Con nhà người ta bị bẹp đầu vì nằm nhiều, con nhà mình thì bị méo đầu chỗ gáy do được bế nhiều. Đều đáng thương như nhau.

 

Chưa kể mẹ chồng con hay chấp vặt, để bụng. Con có nói thể nào cũng than phiền là con dám cãi, mà chả bao giờ góp ý thẳng với con, toàn kể cho người thứ ba để đến được tai con, khiến con nghiệm ra tốt nhất là chẳng nên nói gì vì thể nào cũng bị xét nét, bắt lỗi.

 

 

 

Con muốn tâm sự với chồng lắm nhưng anh ấy đi suốt tháng về phải nghe toàn chuyện không đâu chắc cũng bực. Mẹ ơi, có bao giờ mẹ nói xấu bà nội với bố không?”.

 

“Không, kể cả với người ngoài mẹ cũng chả nói, ích gì đâu vì chả giải quyết được gì, nhỡ đến tai bà tình cảm lại sứt mẻ chi bằng cứ nói với người cần nghe ý. Còn bố con từ khi đang tìm hiểu bố con đã tuyên bố không gì quan trọng bằng gia đình, gia cảnh đông anh em, bố thương bà nhất, mẹ thông cảm được thì lấy. Mẹ đã chấp nhận vậy nên chẳng kêu ca. Mẹ chồng, nàng dâu vốn không đơn giản, dù con dâu khéo léo, mẹ chồng bao dung đến mấy thì cũng dễ nảy sinh những khúc mắc, để hài hòa được rất cần sự thẳng thắn và nhường nhịn của cả hai người.

 

Con về học và củng cố lại chữ Nhẫn đi, đừng quá cầu toàn. Hãy tự động viên mình, như thế còn may mắn hơn khối người chẳng được nhà chồng quan tâm, phải cặm cụi một thân một mình chăm con vất vả, cực nhọc thế nào con thừa biết.

 

Còn nếu vấn đề gì ảnh hưởng nghiêm trọng đến nuôi dậy con cái thì phải trao đổi rõ ràng. Không chung quan điểm thì phải tìm sự đồng thuận từ người thứ ba, ở đây chồng con rất quan trọng với vai trò cầu nối. Nhưng chỉ nên đề cập đến chuyện nổi cộm, đừng kể lể những việc vặt vãnh để nó phải khó xử, người đứng giữa vẫn là đáng thương và khổ tâm hơn cả, đừng để người ta phải suy nghĩ nhiều. Con ạ, nếu muốn cuộc đời không phiền toái thì chẳng nên bỏ đá vào túi mà đeo”.

 

Nước mắt đã khô, mặt cô gái giãn dần ra, cô lí nhí: “Con cảm ơn mẹ!”. Rồi khẽ gác máy.

 

 

TSL