Ác khẩu

Chẳng mấy chốc mà vợ chồng tôi đã bên nhau ngót nghét 30 năm. Càng có tuổi, tôi thấy mình càng “đằm”. Vợ tôi thì trái ngược. Hồi trẻ, cô ấy nhu mì, ít nói, hiền ngoan. Theo thời gian, những tính cách ấy dần bay biến.

Chẳng biết từ khi nào, tôi thường xuyên nghe vợ quát con, mắng cháu tơi tả, thậm chí có khi quát cả chồng dù chỉ vì những chuyện không đâu. Mỗi lần quát tháo, vợ tôi dùng những từ ngữ thật khó nghe, nếu không muốn nói là… ác khẩu. Nhiều lần la mắng xong, biết mình trách lầm người khác, vợ tôi cũng chẳng buồn nói một lời xin lỗi hay tỏ cử chỉ hối tiếc nào. Người trong nhà to nhỏ khuyên, vợ tôi chẳng thèm nghe, còn viện ra đủ thứ lý do… cùn để quả quyết rằng mình không sai. Tệ nhất là mỗi khi chồng con nhỏ nhẹ góp ý, vợ tôi đều làm ầm lên. Chuyện trong nhà nhưng hàng xóm bất đắc dĩ phải tỏ tường vì cái “loa phát thanh” hoành tráng này. Bà ấy không còn nói chuyện điềm đạm được nữa.

Ác khẩu



Để nhà yên cửa ấm, cha con tôi chỉ còn cách… nhịn. Một sự nhịn nhưng chín sự vẫn chẳng lành. Càng nhịn, vợ tôi càng lấn tới. Không nhịn, mọi chuyện càng tệ hơn. Các con tôi đùa: “Nhà mình theo chế độ mẫu hệ”, mọi chuyện phải thuận ý “nữ hoàng”.

Không chỉ “gây hấn” với người trong nhà, bà con họ hàng nội, ngoại đều “ngán” vợ tôi, nhất là mấy chị em họ. Đến nỗi chính mẹ ruột cũng không hài lòng khi tâm tính đứa con gái quá kỳ cục. Mấy tháng trước, nhà có giỗ, vợ tôi cứ hậm hực lầm bầm khi mọi người đang vui vẻ ăn uống. Ai ai cũng nhận ra nhưng cố tình lơ đi, vì đã quá hiểu bản tính của vợ tôi. Việc không dừng lại ở đó. Khi mấy đứa cháu gái chuẩn bị dọn rửa, “bà chủ” nói thẳng: “Để chén đũa thằng Hiếu ăn ra một bên, lát đập bỏ”. Hiếu là con của em gái tôi. Tuổi thanh niên trai tráng, cháu hoàn toàn khỏe mạnh. Ba của Hiếu có một thời gian bị lao phổi, đã chữa trị khỏi hẳn. Người thân mắc bệnh, lẽ ra phải cảm thông, thương xót. Đằng này vợ tôi không những kỳ thị mà còn áp đặt rằng kiếp trước hẳn ở ác, rằng bệnh lao sẽ di truyền… Nguyên nhân sâu xa của cơn thịnh nộ là em chồng và chị dâu vừa có chút hiềm khích. Có lẽ vợ tôi nghĩ “đổ cơn tức” lên thằng con trai để “trả thù” mẹ nó. Bị bẽ mặt, mẹ con thằng Hiếu giận lắm, bỏ về trước. Bà con họ hàng thấy gia đình căng thẳng nên cũng tranh thủ rút lui. Tức nước vỡ bờ, tôi tát vợ mấy cái. Hai vợ chồng gây ầm ĩ rồi giận nhau một thời gian dài.

Công bằng mà nói, tâm tính vợ tôi cũng không đến nỗi độc địa. Tuy miệng nói dữ nhưng rất mau quên. Như vừa rồi vợ Hiếu sinh con đầu lòng ngay lúc mẹ chồng nó nằm viện, vợ tôi liền xung phong ngày đêm túc trực bệnh viện chăm lo chuyện vượt cạn cho cháu dâu. Bình thường ghét hàng xóm ra mặt, thỉnh thoảng còn gây nhau ỏm tỏi, vậy nhưng khi nhà mọi người có ma chay cưới hỏi, vợ tôi chẳng nề hà, sốt sắng thức trắng mấy đêm liền chung tay phụ giúp. Tôi cứ ước, giá con người nhiệt tình tốt bụng ấy biết sửa cái tính cộc cằn nóng nảy và biết lựa lời khi nói thì gia đình tôi hạnh phúc biết chừng nào.

Đồng hành với nhau mấy chục năm, vợ khó chịu thế nào tôi cũng chiều được, chỉ khổ là sự khó chịu ấy không chỉ ảnh hưởng đến chồng. Nếu nói “bản tính khó dời” thì thuở còn trẻ, tính tình vợ có như thế đâu? Hay vì lâu nay tôi cứ đánh đổi sự yên ấm gia đình bằng cách luôn nhẫn nhịn khiến vợ… ra nông nỗi ấy?

Theo Hữu Trọng
PNO