40 năm hiếm muộn, người đàn ông bật khóc nức nở nhận lại con trai

Đã từng rất quen với cảnh nhiều người xuất hiện tại trung tâm xét nghiệm ADN để tìm kiếm đứa con thất lạc, tuy nhiên người đàn ông trong bộ quần áo lính đã cũ lại khiến bà Nga vô cùng tò mò…

Lúc đưa mẫu phẩm (3 sợi tóc, có gốc) cho nhân viên, đôi bàn tay của ông cũng run run. Thậm chí 4 ngày sau đến nhận kết quả, ông vẫn hồi hộp đến mức không thể xem tờ kết luận mà phải nhờ bà xem giùm.

“Tôi nhận lại phong bao kết quả xét nghiệm và đọc cho ông nghe. Kết quả xét nghiệm cho thấy, ông Sơn (tên người đàn ông) và mẫu phẩm mà ông mang đến có quan hệ cha - con”, bà Nga nói.

Vẫn theo bà Nga, sau khi bà vừa đọc xong kết quả thì phía đối diện, ông Sơn cũng đứng bật dậy. Ông òa khóc như một đứa trẻ giữa trung tâm. Giọng ông rất xúc động, ông nói đây là ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời mình.


Bà Nguyễn Thị Nga - Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền

Bà Nguyễn Thị Nga - Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền

Ông kể với bà Nga và các nhân viên trong trung tâm rằng, ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống quân đội. Chỉ tiếc rằng, trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, bố ông đã nằm lại mãi mãi ở chiến trường.

Còn ông, tuy may mắn hơn bố và nhiều đồng đội khác đã ngã xuống nhưng ông cũng không trở về lành lặn. Ông là một thương binh.

Ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, những đồng chí, đồng đội còn sống sót đều hồ hởi trở về với gia đình thì ông phải nằm lại bệnh viện quân y để điều trị vết thương. Đến khi vết thương lành, ông Sơn mới trở về. Nhưng bước chân ra về lòng ông nặng trĩu, một nỗi buồn thấu đến tim gan cứ đè nặng lên ông.

Mẹ ông thấy ông đã gần 30 tuổi nên lúc nào cũng giục ông lấy vợ. Ông Sơn chỉ biết im lặng.

Cho đến một ngày, đang phụ việc cho nhà hàng xóm thì ông Sơn bị mẹ gọi về gấp vì có cô gái tên Hà từ tỉnh xa đến tìm. Tuy nhiên nghe đến tên người con gái đó, ông Sơn vội vàng tránh mặt…

Đây là cô gái có mối tình sâu đậm với ông ngày họ còn ở chiến trường. Ông đã hứa sẽ lấy và chỉ yêu một mình cô gái ấy nhưng những kết luận của y học đã khiến ông không còn can đảm thực hiện lời hứa của mình.

Nửa năm sau, không chịu nổi những giọt nước mắt của mẹ, ông Sơn đã sắp xếp để mẹ sang ở với chị gái còn mình lên Hà Nội lập nghiệp. Tại Hà Nội, mặc dù cũng có nhiều người phụ nữ thầm thương trộm nhớ nhưng ông Sơn vẫn sớm hôm một mình.

Đến khi về hưu, ông bắt đầu liên lạc lại với những đồng chí đồng đội cùng nhập ngũ và cùng vào sinh ra tử với mình năm xưa. Họ hẹn gặp nhau tay bắt mặt mừng rồi thường xuyên tổ chức gặp gỡ.

Năm đó, nhân kỷ niệm 40 năm ngày nhập ngũ, những người lính đã từng vào sinh ra tử hẹn nhau trở lại chiến trường xưa. Trong cuộc gặp gỡ ấy, tình cờ lại có sự xuất hiện của Hà - cô gái năm nào tìm về đến nhà ông và bị ông tránh mặt.

Theo lời kể của ông Sơn, khi gặp lại người con gái tên Hà, ông vừa xấu hổ vừa hồi hộp. Ông định một lần nữa tránh mặt tuy nhiên người đàn bà lúc này đã luống tuổi tiến đến trước mặt ông, đề nghị một cuộc nói chuyện riêng. Trong cuộc nói chuyện ấy, bà hỏi ông tại sao không lập gia đình, tại sao lại tránh mặt bà?


Một khâu trong quá trình xét nghiệm ADN (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Một khâu trong quá trình xét nghiệm ADN (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Ông Sơn chia sẻ, những câu hỏi ấy như những mũi dao cứ đâm liên tiếp vào tim ông. Ông lại im lặng như một cách để băng bó vết thương cho mình. Nhưng sự im lặng của ông Sơn khiến người phụ nữ kia không kiềm chế được.

Bà ấy khóc như chưa từng được khóc khiến ông Sơn buộc phải nói ra sự thật mà ông giấu kín bấy lâu nay. Tuy nhiên khi ông Sơn vừa nói ra sự thật thì người đàn bà ấy lắc đầu. Bà bảo, trước khi ông bước vào trận đánh quyết liệt năm đó, giữa ông và bà đã có một đứa con trai.

Hiện nay, bà vẫn một mình và đứa con đã khôn lớn trưởng thành. Nếu ông không tin, bà sẽ gửi mẫu tóc để ông kiểm tra. Và bà ấy đã làm thật”, bà Nga kể tiếp.

Khi có kết luận chính xác của khoa học, ông Sơn vô cùng hạnh phúc. Người lính năm nào chia sẻ, ông đã làm được việc mà mấy chục năm qua ông chỉ nghĩ trong mơ.

“Tôi đã có một đứa con và quan trọng là cuối cùng tôi cũng đã khiến mẹ tôi và cô ấy cười” - người đàn ông luống tuổi nói với tôi bằng cái giọng sung sướng, hạnh phúc”, bà Nga nhớ lại.

“Sau đó, ông ấy còn bật mí cho chúng tôi về kế hoạch sum họp với mẹ con người phụ nữ tên Hà và người mẹ già vẫn đang mong ngóng ông ở quê nhà khiến chúng tôi cũng thấy vui lây”, nữ giám đốc nói thêm.

*Tên nhân vật được thay đổi theo yêu cầu

Theo Minh Anh - Ngọc Trang
Vietnamnet