4 sai lầm trong chuyện tiền bạc của các ông chồng trẻ

Người ta vẫn thường nói vợ chồng khi đã yêu thương nhau nhất mực thì không hề có sự tính toán trong chuyện tiền nong. Vậy mà trong thời đại ngày nay, tiền bạc vẫn là nguyên nhân của 1/3 số vụ ly hôn của các cặp vợ chồng.

Một trong những thất bại của những đôi uyên ương phải chia tay nhau vì tiền bạc, phần lớn không phải vì họ thiếu tiền mà cái họ thiếu chính là sự mất cân bằng trong chuyện quản lý tài chính. Các ông chồng trẻ nghĩ sao nếu mình là người đang mắc sai lầm trong vấn đề tế nhị này?

 

Sai lầm đầu tiên: Chẳng bao giờ đề cập đến chuyện tiền bạc

 

  “Chúng tôi cưới nhau được gần 1 năm nay, tiền bạc là vấn đề tuyệt đối chưa được bàn tới. Mỗi người tự mua lấy những đồ dùng cần thiết cho mình, mỗi khi đi mua sắm hoặc cùng nhau đi ăn tiệm ai rút ví ra trước thì đó là người phải trả tiền. Quan hệ của chúng tôi hiện tại rất ổn nhưng rồi không biết cứ thế này có con sẽ ra sao nếu chi phí ngày một nhiều thêm!”

 

Một sai lầm chế người. Vì sao ư? Khi chuỗi ngày hạnh phúc bên nhau lắng xuống cũng là lúc đôi vợ chồng phải đối mặt với hiện thực cuộc sống, lúc này không thể tránh khỏi cảm giác so bì, tính toán giữa đôi bên. Nếu một bên quên việc chủ động đóng góp về kinh tế với bên kia, đối tác sẽ nhắc nhở hoặc âm thầm chịu đựng, rồi sự chịu đựng cũng có mức độ mà thôi, chuyện xảy ra tranh cãi là điều rất khó tránh.

 

Vì thế, đối với những gia đình trẻ thì ngay từ khi bắt đầu chung sống chuyện chi tiêu người đàn ông cần phải thống nhất rõ rằng minh bạch. Mất lòng trước nhưng được lòng sau thì hạnh phúc mới có thể bền lâu.

 

Sai lầm kế tiếp: Thu nhập không tương xứng nhưng quá sòng phẳng

 

“Hai vợ chồng tôi đều là những người rất phóng khoáng và tiêu chí trong chi tiêu của chúng tôi rất rõ ràng: 1 = 1. Thu nhập của chúng tôi khác nhau nhưng vì nguyên tắc đã được định ra từ đầu khó mà phá vỡ. Tôi biết chồng mình có quỹ đen quỹ đỏ nhưng tôi thì lại chẳng có đồng nào để tích luỹ.”

 

Có lẽ người vợ trẻ nói những lời tâm sự trên không biết rằng, nếu cô cứ phải chịu đựng như thế thì sẽ ngày càng thấy mệt mỏi và xa cách chồng. Thực ra cách giải quyết vấn đề rất đơn giản: Mỗi người chỉ nên giữ lại cho mình một chút vốn riêng nho nhỏ, số còn lại hai vợ chồng cùng gom góp chi tiêu. Thỉnh thoảng mua cho mình và bạn đời một chút quà kỷ niệm cũng là một sáng kiến rất thông minh và đó mới chính là sự công bằng của hạnh phúc.

 

Sai lầm tiếp nữa: Để vợ quản lý hết tiền bạc

 

“Mọi thu nhập anh ấy đều đem về đưa cho tôi và tất nhiên những việc động đến món tiền lớn tôi phải trưng cầu ý kiến của chồng. Mỗi tháng tôi lên kế hoạch cho chồng chi tiêu số tiền cụ thể. Nhiều lúc bị thiếu hụt anh ấy hỏi tiền tiêu thêm trong tâm trạng không mấy vui vẻ, dù không hề thể hiện ra ra ngoài nhưng tôi vẫn biết rõ. Nhưng dù sao tôi vẫn rất thích cảm giác được nắm giữ tay hòm chìa khoá trong nhà.”

 

Trong tình cảm đôi lứa, khi 1 bên nắm lấy quyền lực tuyệt đối để khống chế bên kia thì tình cảm sẽ đi đến chỗ mất công bằng. Cách để vợ giữ tiền không sai nhưng người giữ tiền nhất định phải biết tôn trọng tự do của đối phương vì suy cho cùng ai cũng có những vấn đề thật khó nói thành lời.

 

Sai lầm sau cùng: Gánh vác hết trách nhiệm

 

“Tôi là người có một ham muốn kiếm tiền kỳ lạ và đã kiếm ra rất nhiều tiền, vợ tôi thì không biết gì đến chuyện chi tiêu. Trước khi lấy nhau điều đó không thành vấn đề vì tôi rất yêu cô ấy và không hề để ý đến chuyện cỏn con như vậy. Cô ấy sống khá vô tư và tôi đã đảm nhiệm hết thảy mọi chi tiêu trong gia đình nhưng quả thực điều đó khiến tôi khá mệt mỏi.”

 

Nếu phải gánh vác áp lực về chuyện kinh tế lâu dài sẽ làm cho tâm lý một bên cực kỳ căng thẳng, thường xuyên không được chia sẻ mà đối phương lại quá vô tâm cũng dễ làm đàn ông cảm thấy mất đi sự công bằng.

 

Lời khuyên: cho dù bạn là người rất biết cách chi tiêu hơn vợ thì bạn vẫn nên nói với cco ấy những câu kiểu: “Em nghĩ thế nào về khoản chi này?” hoặc” “Hãy giúp anh tính toán vụ này nhé!”. Cảm giác về trách nhiệm rất quan trọng đối với hai vợ chồng, và vì thế mà nó sẽ giúp bạn giữ được cân bằng tâm lý khi chung sống bên vợ.

 

Lan Nhi