10.000 đồng và bài học cho con
(Dân trí) - Thằng bé hẳn nhiên rất thích đồ chơi. Nhưng chưa bao giờ dám ỉ eo xin mẹ. Từ rất lâu, nó đã quen, và có lẽ, cũng tỏ ra phần nào cảm thông với mẹ vì sự eo hẹp của đồng lương công chức.
Mẹ cứ ngỡ với 10.000 đồng, thằng bé sẽ thất vọng lắm khi không thể mua được món đồ ưng ý. Hóa ra không phải vậy. Thằng bé cầm tiền thật chặt, mắt chăm chú ngắm nghía những món đồ chơi be bé, xinh xinh đang treo lủng lẳng trong quán cóc. Nó không tỏ ra vội vàng, cũng không hề xấu hổ hay ngần ngại như tâm trạng thoáng qua trong đầu mẹ nó lúc đang đứng chờ. Với nó, đây là việc cực kỳ nghiêm túc và nó giống như vị khách đang rất chú tâm tới việc mua bán của mình. Mẹ yên lặng quan sát. Cô bé bán hàng đã nhận ra vị khách quen thuộc vẫn thường ghé qua hàng mình ngắm nghía mà gần như không bao giờ mua gì. Cô bé bảo: “À, là cậu bé vẫn thường ra xem xe tăng đây. Chị ơi, cháu vẫn bảo thích đồ chơi lắm nhưng mẹ không cho mua đấy”. Mẹ cười nhẹ nhõm. Cô bán hàng như bị chinh phục bởi vẻ nghiêm túc, say sưa của thằng bé, phục vụ nó như một khách hàng thực thụ. Cô kéo từng dây đồ chơi be bé ra giới thiệu, nhiệt tình chỉ dẫn rồi lại tìm kiếm những món khác mà thằng bé yêu cầu. Quan sát việc mua bán của con trai, mẹ chợt nghĩ, hình như chưa bao giờ mẹ được người bán hàng nào phục vụ tận tâm như thế khi món đồ mẹ mua chỉ ở giá trị 10.000 đồng.
Thằng bé lựa một lúc rồi quyết định lấy chiếc xe tăng bằng nhựa nhỏ xíu, chắc chỉ to hơn cái bánh quy một chút. Cô bán hàng bảo: “Cái xe đó chỉ có 7000 thôi, còn 3000, con muốn mua gì nữa không?”. Thằng bé lắc đầu và vui vẻ cầm tiền thừa gửi lại mẹ. Mặt mũi hân hoan với chiếc xe tăng nhỏ xíu trong tay.
Nhìn con, mẹ thoáng có ý muốn mua thêm cho con trai “vài niềm vui” như thế nữa, nhưng rồi mẹ đã tự kìm lại được. Làm thế là mẹ lại yêu mình mất rồi chứ đâu còn yêu con nữa.
Mẹ mừng vì con trai đã biết yêu quý và tự hào với số tiền con cùng mẹ có được. Mừng vì con biết mua cho mình niềm vui theo cách đúng đắn nhất. Mừng vì có thể chưa thực ý thức, nhưng con đã sớm có cơ hội để nhận ra, cuộc sống này, điều quan trọng là phải tự biết kiểm soát những nhu cầu vật chất của bản thân, có thế mới mong tìm được bình yên và hạnh phúc.
Đỗ Dương