10 năm phụng dưỡng bố mẹ chồng, ông bà nói lời này khiến tôi ngã ngửa

PV

(Dân trí) - Chồng tôi vốn tính thật thà, nghe bố mẹ nói, anh mặc định tuân theo. Nhưng tôi lại không đồng ý với quyết định này.

25 tuổi, tôi lấy chồng. Lúc ấy, em chồng tôi vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Vì không học hành đến nơi đến chốn, bằng cấp không có nên nay bốc vác, mai chạy xe ôm, công việc vô cùng bấp bênh.

Khi có phong trào xuất khẩu lao động, gia đình chồng tôi bàn bạc vay mượn để lo hồ sơ cho chú đi đổi đời. 5 năm sau chú về nước, bố mẹ đưa ra quyết định khiến tôi bất ngờ.

Mẹ bảo, chúng tôi là anh chị, ổn định kinh tế, con cái đủ cả. Em đi xuất khẩu lao động về nước lỡ làng thanh xuân, đã 30 tuổi. Vì thế, bố mẹ quyết định để lại căn nhà cho em. Người ta nhìn vào em, có chút của cải mới dễ lấy vợ.

Như lo sợ tôi thắc mắc, mẹ chồng giải thích thêm cho việc vì sao chú út đi xuất khẩu lao động nhưng không có nhiều vốn liếng để dành. Đó là vì chú phải trả nợ khoản vay mượn lo hồ sơ trước khi đi.

Thực tế, chú mang tiếng đi xuất khẩu lao động nhưng chưa một lần gửi tiền về báo hiếu bố mẹ. Hoặc nếu có, vợ chồng tôi không được biết vì bố mẹ không đánh tiếng.

10 năm phụng dưỡng bố mẹ chồng, ông bà nói lời này khiến tôi ngã ngửa - 1

Vợ chồng tôi sắp phải nhường nhà cho chú út (Ảnh: Freepik).

Bố mẹ tuổi cao lắm bệnh, hầu như tháng nào cũng thăm viện lấy thuốc. Đặc biệt, bố bị tiểu đường, chế độ ăn uống rất hà khắc, tôi luôn phải cân nhắc, cẩn thận thực đơn mỗi bữa cơm cho ông.

Mẹ cao huyết áp, trái gió trở trời lại lên viện ít hôm. Những lần như thế, từ tiền viện phí, thuốc thang bồi bổ cho bố mẹ đến việc thay phiên nhau túc trực bệnh viện, đều một mình vợ chồng tôi lo hết.

Cuộc sống nông thôn với đồng lương giáo viên mầm non ít ỏi, chồng làm văn phòng khá hơn đôi chút nhưng chi tiêu cho cả gia đình, lo cho ông bà, đầu tư cho hai con ăn học, vợ chồng tôi chẳng có của ăn của để.

Thực lòng mà nói, tôi không quan tâm đến lương hưu hay của cải bố mẹ có. Nhưng 10 năm qua, tôi chăm lo cho bố mẹ, cơm bưng nước rót vì nghĩ rằng, gia đình mình sẽ sống và phụng dưỡng ông bà đến cuối đời.

Thời gian sống với nhau còn dài, cố gắng hòa thuận với ông bà cũng là tấm gương để các con nhìn vào.

Nhưng đến giờ phút này, tôi mới vỡ lẽ. Bố mẹ xem việc vợ chồng tôi sống cùng 10 năm qua đã là tạo điều kiện tốt nhất để chúng tôi không lo lắng chuyện thuê nhà, tập trung làm ăn. Khi đủ lông đủ cánh nên ra ở riêng để nhường nhà cho chú út.

Chồng tôi vốn tính thật thà, không thích ganh đua. Nghe bố mẹ nói, anh mặc định đấy là quyết định và chỉ việc tuân theo.

Tôi mang nỗi lòng tâm sự với các bác bên chồng, được khuyên nên nói thẳng với bố mẹ chồng. Nếu bố mẹ để lại căn nhà cho chú út thì cũng nên xin ông bà cắt cho mảnh đất nhỏ và sang tên cho vợ chồng tôi luôn.

Chồng tôi không đồng ý. Anh cho rằng, mảnh đất nhỏ ở quê chẳng đáng giá bao nhiêu, cũng không đủ để xây một căn nhà đúng nghĩa. Anh nhất quyết muốn dọn đi, bước đầu chấp nhận kiếp đi ở thuê.

Còn tôi lại muốn nghe theo lời khuyên của các bác bên chồng nhưng cũng sợ bị mang tiếng là tham lam, tranh giành với em chồng. Với điều kiện của chúng tôi, mua đất mới là chưa thể, đừng nói đến chuyện mua đất xây nhà.

Rất mong mọi người cho tôi lời khuyên!

Góc "Chuyện của tôi" ghi lại những câu chuyện trong đời sống hôn nhân, tình yêu. Bạn đọc có câu chuyện của mình muốn chia sẻ vui lòng gửi về chương trình qua hòm thư: dantri@dantri.com.vn. Câu chuyện của bạn có thể được biên tập nếu cần. Trân trọng.

Ngọc Bích

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm