1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Truyền hình trả tiền: Cần rộng mở cho doanh nghiệp viễn thông

Mong muốn đặt chân vào sân chơi truyền hình trả tiền các doanh nghiệp viễn thông ngay lập tức bị tố “đầu tư kinh doanh ngoài ngành”.

Truyền hình - viễn thông: Người lạ không quen?

Đánh tiếng xin đặt chân vào sân chơi truyền hình các doanh nghiệp (DN) viễn thông Viettel, VNPT, FPT đã có sự sẵn sàng để nhập cuộc. Về mặt công nghệ, hạ tầng các DN này chỉ cần tận dụng mạng lưới hiện có để triển khai cung cấp dịch vụ. Như tại Viettel đã chuẩn bị xong hạ tầng kĩ thuật và đội ngũ cho dịch vụ truyền hình cáp của mình. Thế nhưng lúc này, cái vướng còn lại của họ chính là giấy phép, vì bị VCTV, SCTV và Hiệp hội Truyền hình trả tiền ngăn cản.
 
Bản quyền bóng đá quốc tế là sân chơi của riêng các nhà đài
Bản quyền bóng đá quốc tế là sân chơi của riêng các nhà đài

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT cho rằng, không thể cố tình đồng nhất nội dung truyền hình với hạ tầng công nghệ để cung cấp dịch vụ truyền hình.

Trên thực tế, với sự phát triển chóng mặt của Công nghệ hiện nay, các hãng công nghệ có đầy đủ điều kiện để nắm bắt các công nghệ truyền hình mới để cung cấp cho người dùng với mức giá tối ưu nhất. Ngược lại, các đài truyền hình chỉ mạnh về làm nội dung chứ không thể cập nhật xu hướng công nghệ nhanh bằng các hãng hạ tầng, viễn thông.

Trong một sự kiện của ICT Press Club hồi cuối tháng 12/2012, ông Bình cũng chia sẻ: "Truyền hình hiện nay là phải dính tới đám mây, tới IPv6, tới Internet. Không cho các hãng viễn thông, công nghệ khai thác dịch vụ truyền hình trả tiền là lãng phí tài nguyên, nguồn lực một cách đáng tiếc".

Cùng hoạt động trong ngành thông tin truyền thông các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền và các doanh nghiệp viễn thông đều do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý, cấp phép hoạt động, tất nhiên thuộc những chuyên ngành hẹp khác nhau nhưng không thể “phủi tay” theo kiểu người lạ không quen, chẳng liên quan gì đến nhau. Lên tiếng “ngăn sống cấm chợ” chỉ càng làm cho khách hàng nghĩ rằng SCTV và VCTV muốn giành hết thị phần truyền hình cáp?

“Cấp phép để tránh tình trạng không cạnh tranh được”

Về việc Viettel xin cấp phép tham gia thị trường truyền hình trả tiền (từ tháng 2/1012) nhưng hiện chưa được cấp phép trong một hội nghị dịp cuối năm 2012, đích thân Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu Bộ TT&TT xem xét cấp phép dịch vụ truyền hình cáp cho Viettel. Chậm nhất là tháng 2/2013, Bộ TT&TT cần trao đổi, có ý kiến trả lời doanh nghiệp về việc triển khai dịch vụ mới và báo cáo cho Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2/2013.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cũng cho biết ngay trong tháng 2 sẽ xem xét trường hợp của Viettel để báo cáo Chính phủ.

Có thể thấy hồ sơ xin phép của Viettel đang ở trên bàn của lãnh đạo bộ và trong vòng xem xét. Nhưng vấn đề là, sự xem xét cũng cần khẩn trương, để thị trường có những công ty đủ tiềm lực tránh cho thị trường một cuộc thôn tính một chiều hướng đến độc quyền.

Trên cơ sở quan điểm của Bộ, theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, sẽ ưu tiên những nhà mạng, những DN đã đầu tư hạ tầng rồi. "DN nào có khả năng, có nguồn lực tài chính lớn thì nên cấp phép để tránh tình trạng không cạnh tranh được hoặc bán giấy phép lại cho người khác" – Bộ trưởng nói.

Tổ chức hệ thống phát thanh truyền hình gồm 3 khâu: Sản xuất nội dung chương trình do các đài phát thanh truyền hình thực hiện, hạ tầng truyền dẫn, phát sóng do các doanh nghiệp viễn thông thực hiện và tổ chức cung cấp dịch vụ (các doanh nghiệp cung cấp các kênh PTTH đến người xem).

Đối với khâu sản xuất nội dung chương trình, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch hệ thống báo chí và phát thanh truyền hình trên cả nước, trong đó nội dung quy hoạch này chủ yếu điều chỉnh số lượng các kênh phát thanh truyền hình, mô hình tổ chức, bộ máy, hoạt động của các đài trên toàn quốc…

Đối với hạ tầng truyền dẫn phát sóng phát thanh truyền hình điều chỉnh về hạ tầng, mạng lưới tập trung chủ yếu đối với phương thức phát thanh truyền hình mặt đất. Hiện nay đã có Quy hoạch truyền dẫn phát sóng phát thanh truyền hình đến năm 2020 được phê duyệt tại quyết định 22/2009 QĐ-TTg, Đề án số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất đến 2020.

PV